Nhắc tới Bãi Kịt (Bá Thước, Thanh Hóa) người ta liên tưởng ngay tới băng cướp khét tiếng một thời Hiền “đầu bạc”. Kết cục của tên cầm đầu là lĩnh án tử hình, còn đàn em thì án tù đằng đẵng. Cứ lắng đi một thời gian, những tên giang hồ cộm cán lại tìm về đây để thử vận may tìm vàng và trải nghiệm “sống ở lãnh địa” của đại ca.
Trước những lời đồn vô căn cứ về việc “Hiền đầu bạc” cất giấu rất nhiều vàng ở lãnh địa chưa kịp tẩu tán khi bị đánh úp và Bãi Kịt còn vô kể, không ít người nhẹ dạ đã bất chấp tất cả lên thử vận may. Kết cục chờ họ là bị bắt hoặc xui hơn là bỏ mạng khi chưa kịp tìm thấy vàng.
Khu vực diễn ra khai thác vàng trái phép nằm ở vùng giáp ranh giữa rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (KBTTN) thuộc Bãi Kịt, xã Lũng Cao (Bá Thước, Thanh Hóa) với khu vực rừng thuộc địa giới hành chính xã Thành Sơn (Mai Châu, Hòa Bình). Từ trung tâm huyện Bá Thước vào đến xã Lũng Cao dài 20 km, tiếp đó, theo con đường đất đi khoảng 8 km là đến bản Kịt. Với những người đi rừng thường xuyên, để vào tới địa điểm khai thác còn phải đi bộ 4-5 tiếng nữa.
Để ngăn chặn tình trạng phá rừng khai thác vàng trái phép, giữa huyện Bá Thước và Mai Châu đã có nhiều cuộc họp để lên phương án phối hợp, đấu tranh triệt phá. Tuy nhiên các đối tượng hoạt động rất tinh vi, lại có tiền án tiền sự sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy đuổi.
Phó giám đốc Ban quản lý KBTTN Pù Luông Phạm Văn Hùng cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp với lực lượng Công an xã Lũng Cao thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra tại khu vực Bãi Kịt. Ngày 5/5/2021, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Pù Luông tổ chức kiểm tra, phát hiện một số đối tượng tập kết các dụng cụ, máy móc, dựng lán trại, đào, đãi đất với mục đích khai thác khoáng sản (nghi là vàng) trái pháp luật tại khu vực vùng giáp ranh".
Kết quả kiểm tra cho thấy, tại địa điểm có tọa độ (X: 0509 866; Y: 22775 188) và tọa độ (X: 0509 904; Y: 2275 140) thuộc địa giới hành chính xã Thành Sơn (Hòa Bình) cách ranh giới KBTTN Pù Luông khoảng 70 m có 2 lán trại, trong đó có 13 đối tượng; 1 bể chứa nước tự tạo bằng bạt (nguồn nước cung cấp lên bể chứa được bơm từ khu vực Hang Nước, thuộc Bãi Kịt theo hệ thống đường ống nước có chiều dài khoảng 300m ).
Khi tổ công tác tiếp cận vào hai lán trại trên, một số đối tượng tìm cách lẩn trốn lên rừng. Qua khai báo của 3 đối tượng còn ở lại, các đối tượng trên đến từ nhiều địa phương khác nhau (thuộc các tỉnh: Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội), tất cả đều là người làm thuê cho một người đứng ra làm chủ (không rõ tên, tuổi, địa chỉ và không có mặt tại khu vực khai thác) thông qua một người có tên là Toàn - lái xe taxi ở tỉnh Hòa Bình đưa vào.
Tại địa điểm có tọa độ (X: 0509 934; Y: 2275 114) thuộc địa giới hành chính xã Thành Sơn cách ranh giới KBTTN Pù Luông khoảng 9,0 m có phát hiện 1 hố đào có kích thước rộng: 2,0m; dài: 2,0m; chiều sâu khoảng từ 6m - 7m; 1 máy nổ, 1 đầu nghiền đất, 1 máng đãi, 1 máy tời đất, 1 đầu phát điện; Tại địa điểm có tọa độ (X: 0509 927; Y: 2275 132) thuộc địa giới hành chính xã Thành Sơn phát hiện 1 hố đào có kích thước rộng: 2,0m; dài: 2,0m; chiều sâu khoảng từ 6m - 7m và 1 máy tời đất.
Trên địa bàn hành chính xã Lũng Cao (Bá Thước) ghi nhận tại địa điểm có tọa độ: (X: 059 948; Y: 2275 105), lô 20 - khoảnh 1 - tiểu khu 250, rừng đặc dụng KBTTN Pù Luông thuộc địa giới hành chính xã Lũng Cao phát hiện 1 hố đào có kích thước chiều rộng: 2,0m; chiều dài: 2,0m; chiều sâu: 70 cm; 1 máy nổ, 1 đầu nghiền đất, 1 máng đãi, 1 máy tời đất, 1 đầu phát điện, 1 máy đục. Khoảng cách từ vị trí hố đào đến ranh giới hai tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa khoảng 10 m.
Do điều kiện đường rừng xa, hiểm trở, thời tiết tại thời điểm kiểm tra mưa lớn, lực lượng mỏng nên không đủ điều kiện cho việc tạm giữ các đối tượng vi phạm và các phương tiện, dụng cụ máy móc tại hiện trường. Tổ công tác đã lập biên bản kiểm tra, ghi nhận lại toàn bộ sự việc tại hiện trường, tuy nhiên một số đối tượng đã lẩn trốn lên rừng, còn lại 3 đối tượng không hợp tác ký vào biên bản. Đồng thời, tổ công tác đã áp dụng biện pháp tuyên truyền, vận động cho các đối tượng tự rút ra khỏi khu vực hiện trường khai thác.
Các ngày 22, 29/5 và 4/6/2021, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Pù Luông phối hợp với Công an xã Lũng Cao tiếp tục tổ chức các đợt kiểm tra tại khu vực vùng giáp ranh nêu trên có phát hiện 1 hầm đào mới thuộc địa giới hành chính xã Thành Sơn, huyện Mai Châu; một số đối tượng khi phát hiện tổ công tác đã kịp lẩn trốn lên rừng.
Trước đó, tháng 9/2020, đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, phát hiện 5 đối tượng (1 người đến từ Hà Nội, 3 người từ Thái Nguyên và 1 người ở Lang Chánh) có hành vi chặt 4 cây rừng, đào đãi đất với mục đích khai thác vàng. Tổ công tác đã lập biên bản, thu giữ các hiện vật, công cụ, phương tiện tại hiện trường.
Tháng 1/2021, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Pù Luông đã khởi tố vụ án hình sự về vụ hủy hoại rừng đối với vụ việc bị phát hiện trên và chuyển Cơ quan CSĐT Công an huyện Bá Thước thụ lý theo thẩm quyền. Cơ quan CSĐT Công an huyện Bá Thước đã khởi tố 1 bị can về hành vi hủy hoại rừng. Đồng thời, lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 đối tượng trong vụ án hình sự về hành vi khai thác khoáng sản (vàng) trái phép.
Để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn vùng giáp ranh, các lực lượng chức năng trên địa bàn hai huyện Mai Châu và Bá Thước cần thường xuyên phối hợp kiểm tra, truy quét, điều tra làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Có vậy thì rừng mới giữ được và những người nhẹ dạ cả tin không phải “bán mạng” để tìm kiếm vận may đổi đời một cách mù quáng.
Kỳ 2: Tử thần chờ phía trước