Xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ (Thường Xuân, Thanh Hóa) từng được mệnh danh là thủ phủ “vàng tặc” của vùng Bắc Trung Bộ. Không ít lần chính quyền địa phương đã huy động cả lực lượng vũ trang để càn quét, phá dỡ, đánh sập các hầm vàng trái phép.
Khi cơn sốt vàng tạm thời lắng xuống thì việc phá rừng lại diễn ra ngày một nghiêm trọng...
Một thời thủ phủ của “vàng tặc”
Không ít bi kịch, sự tan hoang, xơ xác khi cơn lốc vàng đi qua ở Xuân Chinh. Nhiều người đã rơi vào trạng thái ảo tưởng đổi đời, bỏ bê hết công việc đồng áng, lao động mưu sinh hàng ngày.
Người dân Xuân Chinh một thời đua nhau đào đãi vàng trái phép
Tại thời điểm nóng nhất của công cuộc lật tung tất thảy để kiếm vàng, chúng tôi đã có mặt tại đây để tận mắt chứng kiến công trường. Ấn tượng đầu tiên khi xâm nhập vào điểm nóng này là hình ảnh những thanh niên, phụ nữ và cả trẻ em, cùng các phương tiện thô sơ, máy móc đang ngụp lặn dưới các vũng nước, đào xới đất. Bên cạnh đó là những thửa ruộng, chân đồi đã bị đào xới thành những vũng lớn, ổ voi để khai thác vàng. Tại những bãi vàng, ngoài bóng dáng của những người phụ nữ, thanh niên trai tráng còn có cả các em nhỏ cũng đang lúi húi đào đãi. Nhiều lán trại được dựng xung quanh bãi vàng ở những vị trí hiểm trở, khó phát hiện, có những lán trên núi, ẩn mình trong rừng cây, khe đá. Nghe theo những lời đồn về việc vàng nhiều vô kể, không ít người may mắn đã trở thành triệu phú khi bắt được cả cục vàng lớn khiến người dân kéo nhau tìm cơ hội thoát nghèo, đặc biệt là vào thời kỳ giáp hạt. Khi những con suối, dòng sông, ruộng vườn đã tan hoang, vàng đâu chẳng thấy mà chỉ thấy kéo theo đó là nhiều hệ lụy. Trong phút chốc, người dân Xuân Chinh, Xuân Lẹ đã bị cột chặt vào đói nghèo, túng quẫn...
Đa phần người dân địa phương là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế nên sau cú vấp đó, họ càng khép mình, không tiếp nhận thông tin, phương thức sản xuất mới từ bên ngoài. Vì vậy, nghèo đói, lạc hậu, thất học là cái vòng luẩn quẩn mà người dân nơi đây chưa biết đến khi nào mới bứt phá ra được.
Rừng đang bị triệt hạ
Vì miếng cơm manh áo, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên không ít người dân đã bước sang một hướng rẽ đầy nguy hiểm, bất chấp pháp luật khi nhận vận chuyển, chỉ đường, thậm chí là trực tiếp làm “lâm tặc”.
Chúng tôi trở lại Xuân Chinh vào những ngày giữa tháng 8/2014. Từ trung tâm xã Xuân Chinh vào thôn Cụt Ạc chừng 5km đường đất, sỏi và bị chia cắt bới các con suối, chỉ cần mưa nhẹ là bị cô lập. Chúng tôi vào nhà Trưởng thôn Vi Văn Trường để tìm hiểu thông tin. Thấy khách lạ với bộ dạng lấm lem, đeo máy ảnh trước ngực, ông cũng ngờ ngợ rồi niềm nở mời PV vào nhà. Ông Trường phân trần: “Các chú vào đây mới thấy dân vất vả, khổ sở. Thôn có 108 hộ, 565 khẩu toàn dân tộc Thái, hộ nghèo chiếm hơn 50%. Toàn thôn chỉ có 12,5ha đất trồng lúa năng suất thấp, diện tích cây trồng sắn, ngô rất ít vì đây là rừng đặc dụng. Không đất canh tác, người dân vốn sống khép mình nên nghèo đói cứ bám lấy họ…”.
Gỗ bị đốn hạ tại suối Cụt Ạc
Đang trò chuyện thì ông Cầm Bá Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh xuất hiện, ông cho biết: Địa phương có 7 thôn thì Cụt Ạc là thôn có địa bàn chia cắt, đường sá đi lại khó khăn, người dân thiếu đất sản xuất, không có việc làm. Hàng năm, chính quyền xã có giới thiệu đưa một số ngành, nghề mới về để bà con học tập hoặc định hướng đi xuất khẩu nhưng đều thất bại. Người dân ngoài trông chờ vào mấy thửa ruộng thì vào rừng trồng ít sắn, bẻ măng về sống qua ngày. Thời gian gần đây, nghe theo lời xúi giục của một số đối tượng xấu nên người dân có chặt trộm gỗ. UBND xã phát hiện, đã báo cáo với Kiểm lâm, UNBD huyện Thường Xuân để lập biên bản, xử lý theo quy định. Nhưng về lâu dài phải tìm hướng xóa đói, giảm nghèo cho dân một cách bền vững thì mới mong giữ được rừng.
Trao đổi với PV, ông Lê Phú Vẽ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thường Xuân cho biết: Sau khi nhận được thông tin người dân khai thác gỗ trái phép, Hạt đã lập đoàn kiểm tra, xác minh. Toàn bộ số gỗ đã được lập biên bản, tạm giữ, chờ xử lý theo quy định. Thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường kiểm lâm viên kiểm tra, giám sát địa bàn, Hạt Kiểm lâm đã làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương nghiêm túc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; phối hợp với cơ quan, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân về pháp luật bảo vệ rừng. Xử lý nghiêm những hộ nhận rừng để xảy ra khai thác gỗ trái phép, xem xét trách nhiệm kiểm lâm địa bàn không phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng ở các thôn trọng điểm…
Việc người dân vì bức bách kế sinh nhai đã bất chấp pháp luật, vào rừng khai thác gỗ trái phép diễn ra tại Xuân Chinh thêm một lần nữa cho thấy, sự cấp thiết của việc tìm lối ra cho địa phương này. Có như vậy, đời sống nhân dân mới ổn định, rừng mới được bảo vệ một cách bền vững.