Thanh Hoá: Ảnh hưởng đại dịch Covid-19, chủ dự án “đất vàng” lao đao

Quốc Huy| 25/04/2020 10:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuối năm 2019, thị trường bất động sản Thanh Hoá chấn động vì dự án “đất vàng” của thành phố được đấu giá thành công với giá cao nhiều lần giá khởi điểm. Nhưng sau đó là vô vàn khó khăn phải khắc phục, đặc biệt trước dịch Covid-19 khiến chủ dự án lao đao.

Cú hích thị trường BĐS...

Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, TP Thanh Hoá được UBND TP Thanh Hoá lập MBQH theo QĐ số 3241/QĐ-UBND ngày 7/6/2023. Tổng diện tích đấu giá đợt 1 là 57.908m2, bao gồm 375 lô đất liền kề và biệt thự. Dự án này thường được gọi là mặt bằng 3241 theo số của dự án.

Đây là mặt bằng có vị trí đắc địa, có giá trị cao nhất hiện nay ở Thanh Hoá vì được bao bởi các trục đường chính của TP Thanh Hoá như đường tránh thành phố, đại lộ Lê Lợi, sông nhà Lê; vị trí sẽ là trung tâm của  tỉnh Thanh Hoá, gần với khu đô thị Vinstar city, khu hành chính mới của UBND TP Thanh Hoá và nhiều sở, ngành của tỉnh đã có kế hoạch chuyển ra...

Chính vì những giá trị lớn này, dự án được rất nhiều đại gia BĐS quan tâm. Phải đến lần đấu giá thứ ba mới xác định được chủ dự án. Trước đó, năm 2018, giá khởi điểm được đưa ra là hơn 434 tỷ đồng, tính bình quân gần 7,5 triệu đồng/m2 đất.

Thanh Hoá: Ảnh hưởng đại dịch Covid-19, chủ dự án “đất vàng” lao đao

Một số hạng mục hạ tầng mặt bằng 3241 chưa hoàn thiện.

Ngày 22/1/2018, Cty Cổ phần Nakama Việt Nam đã trúng thầu với mức giá gần 438 tỷ đồng (chỉ cao hơn giá sàn gần 4 tỷ đồng). Đến tháng 7/2018, mặt bằng này đã được tái khởi động và tăng giá khởi điểm từ 7,5 triệu đồng/m2 lên 9 triệu đồng/m2. Tuy nhiên phiên đấu giá ngày 9/10/2018 cũng không thành công vì các đơn vị bị loại có đơn “tố” những việc làm mập mờ của Cty đấu giá gửi UBND tỉnh, UBND TP Thanh Hóa và các cơ quan chức năng. Phiên đấu giá lần thứ 2 vì thế đã không có hồi kết.

Lần đấu giá thứ ba được diễn ra ngày 26/9. Có 13 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá khi đóng đủ số tiền 10% đặt trước là 66,6 tỷ đồng. Cuộc đấu giá diễn ra căng thẳng, kéo từ 8 giờ sáng ngày 26/9 đến gần 15 giờ cùng ngày. Sau 30 vòng đấu, liên danh Cty cổ phần đầu tư và xây dựng ADI - Cty cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa trúng đấu giá với số tiền 1.215.030.000.000 đồng (hơn một ngàn hai trăm mười lăm tỷ đồng).

Như vậy, với giá khởi điểm là 666,4 tỷ đồng, đơn vị trúng thầu 1.215 tỷ đồng, cuộc đấu giá này đã tăng thu thêm cho ngân sách nhà nước là 548,6 tỷ đồng so giá ban đầu. Như vậy, mỗi mét vuông được đấu thành công với giá gần 21 triệu đồng, gấp nhiều lần giá khởi điểm.

Thành công của cuộc đấu giá không chỉ đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách mà là cú hích lớn cho thị trường BĐS. Ngay sau sự kiện này, các mặt bằng trên địa bàn lập tức xác định giá mới, các giao dịch sôi động hơn, tính thanh khoản của thị trường tích cực hơn.

Nhà giàu cũng khóc!

Ngay sau cuộc đấu giá thành công, cơ quan thuế liền ban hành công văn yêu cầu đơn vị trúng đấu giá nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Ngày 20/12/2019, chủ đầu tư đã nộp 144 tỷ đồng vào ngân sách và lên phương án kinh doanh, tìm kiếm đối tác đầu tư, làm việc với các ngân hàng để đảm bảo nguồn vốn nộp vào ngân sách và triển khai dự án.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – đại diện liên danh Cty cổ phần đầu tư và xây dựng ADI - Cty cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa cho hay: “Khi bắt tay triển khai, chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn. Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật của khu đất được đầu tư xây dựng với tiêu chí đô thị loại II cách nay 10 năm không còn phù hợp, tương xứng với vị thế của dự án đất vàng. Do thời gian đầu tư đã lâu, không được duy tu, bảo dưỡng nên cơ sở hạ tầng đã xuống cấp trầm trọng, hầu như không thể sử dụng nếu không làm lại”.

 Thanh Hoá: Ảnh hưởng đại dịch Covid-19, chủ dự án “đất vàng” lao đao

Nhiềuđoạn gạch lát bong tróc.

Kiểm tra thực địa, các tuyến đường nội bộ mới chỉ xong phần nền, chưa trải thảm nhựa. Hầu hết đá lát vỉa hè đều bong tróc, nham nhở; các hố gar, tủ điện ngổn ngang. Sau nhiều lần bị đơn vị trúng đấu giá phản ánh, đơn vị thực hiện hạ tầng mới cho trám vá, sửa sang và trồng cây xanh theo kiểu đối phó. Cây được trồng vội vàng, nhỏ bé so yêu cầu của dự án; đường điện, cáp quang được chôn vội vã...

Bên cạnh đó, theo biên bản hiện trạng của UBND TP Thanh Hoá lập tháng 3/2020, hai tuyến đường nội bộ N2 (80m) và N23 (50m) đã bị dự án xây chung cư liền kề làm hư hỏng nặng. Các tuyến kết nối với các trục đường chính, đặc biệt việc thông với đường Đông Hương vẫn chưa hoàn thiện... “Với hạ tầng như vậy thì làm sao đảm bảo cho cuộc sống cư dân ở một khu đô thị với vị trí “đất vàng” này” – ông Tuấn băn khoăn.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã gây khó khăn rất lớn trong việc tìm kiếm đối tác, huy động vốn từ các ngân hàng và triển khai bán hàng. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn: “Cũng như rất nhiều dự án BĐS cả nước, dự án “đất vàng” này của chúng tôi đang đứng trước nguy cơ đóng băng đột ngột, vô vàn khó khăn rất cần sự chung tay, hỗ trợ từ Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt có cơ chế dãn tiến độ đóng tiền sử dụng đất”. 

Liên danh đã gửi công văn kiến nghị tới Tỉnh uỷ Thanh Hoá, cơ quan này đã giao UBND tỉnh Thanh Hoá xem xét. Ngày 23/3/2020, ông Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã có công văn giao Cục Thuế Thanh Hoá căn cứ các văn bản chỉ đạo về miễn, giảm trong trường hợp khó khăn đối với đề nghị dãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất của Liên danh Cty cổ phần đầu tư và xây dựng ADI - Cty cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa.

Cũng như nhiều dự án BĐS khác, dự án “đất vàng” 3241 ở Thanh Hoá rất cần sự chia sẻ để vượt qua giai đoạn khó khăn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hoá: Ảnh hưởng đại dịch Covid-19, chủ dự án “đất vàng” lao đao