Ngày 27/3, với sự yểm trợ hỏa lực của Nga, quân đội Syria đã giải phóng thành công thành cổ Palmyra - viên ngọc quý giữa lòng sa mạc từ tay phiến quân IS.
Theo Sputnik News, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tuyên bố: “Việc quân Chính phủ nắm trong tay Palmyra là một thắng lợi quan trọng và là bằng chứng mới nhất về hiệu quả của chiến lược mà quân đội Syria và đồng minh thực thi trong cuộc chiến chống khủng bố.
Phát biểu trên truyền hình Syria, Tướng Ali Mayhoub nhấn mạnh, sự sụp đổ của Palmyra là “đòn chí mạng đối với IS khiến nhuệ khí của chúng “tan thành mây khói” và đánh dấu việc chúng phải chấp nhận thất bại và chịu rút lui”.
Quân đội Syria đã giải phóng thành công thành cổ Palmyra
Ông Maamoun Abdulkarim - Giám đốc Sở Bảo tàng và Cổ vật tại Damascus cho biết, công trình Hàng cột Lớn tại Palmyra chỉ bị hư hỏng nhẹ. Chúng tôi sẽ khôi phục lại những gì chúng phá hoại.
Như đã biết, Palmyra (tiếng Ả rập: تدمر Tadmor) là một thành phố quan trọng vào thời xa xưa của Syria, đặt tại một ốc đảo nằm ở phía đông bắc Damascus cách Damascus khoảng 215 km, và nằm ở phía tây nam của Euphrates khoảng 120 km.
Palmyra là một ốc đảo trong sa mạc được bao bọc bởi những cây cọ ở miền Trung Syria. Thành phố cổ này là một “ngã tư” chiến lược nối thủ đô Damascus với khu vực phía Đông của Syria và nước láng giềng Iraq. Trước khi giao tranh nổ ra tại Syria, đây là nơi sinh sống của hơn 65.000 người.
Là một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, thành phố cổ Palmyra có rất nhiều cột đá lớn từ thời La Mã (khoảng 2.000 năm trước đây) và nhiều cổ vật được coi là vô giá. Người dân Syria trìu mến gọi thành phố cổ này là “Cô dâu của Sa mạc”.
Palmyra còn được nhắc đến lần đầu trong các tài liệu của người Mari vào thiên niên kỷ thứ 2 TCN. Thành phố cổ này là cửa ngõ liên kết một mạng lưới các tuyến đường chở tơ lụa và gia vị từ trung Á đến Địa Trung Hải.
Sau đó, Palmyra trở thành một khu vực trù phú trong giai đoạn Hellenic (năm 323TCN-31TCN) trước khi rơi vào tay Đế chế La Mã. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của Nữ hoàng Zenobia đã thách thức quyền lực của La Mã và thành phố này bị cướp phá vào năm 272 SCN sau khi Nữ hoàng Zenobia bị bắt giữ trong một cuộc vây hãm kéo dài của Đế chế La Mã.
Trước khi xảy ra nội chiến, thành phố cổ Palmyra là một trong những địa điểm du lịch hàng đầu của Syria với hàng nghìn lượt du khách đổ đến đây mỗi năm.
Trước khi xảy ra nội chiến, thành phố cổ Palmyra là một trong những địa điểm du lịch hàng đầu của Syria
Nhưng vào tháng 5/2015, Palmyra hay còn gọi là “Ốc đảo của sa mạc Syria” đã bị phiến quân IS chiếm quyền kiểm soát. Tổ chức khủng bố IS đã phá huỷ nhiều công trình của thành phố cổ này, trong đó có ngôi đền Bel 2.000 năm tuổi, vốn được biết đến là “Viên ngọc của sa mạc”.
Phiến quân IS đã cho nổ tung Khải hoàn môn, được xây dựng dưới thời Hoàng đế La Mã Septimius Severus từ năm 193-211 SCN.
Phiến quân IS đã cho nổ tung Khải hoàn môn
Phiến quân IS cũng biến Nhà hát cổ từ thời La Mã của Palmyra thành nơi diễn ra nhiều vụ hành quyết tù binh dã man của chúng.
Đồng thời, IS cũng đã tàn phá nhiều di tích cổ đại trong khu vực mà chúng tự coi là Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq với lý do đó là những biểu tượng dị giáo.
Nhà hát cổ từ thời La Mã của Palmyra thành nơi diễn ra nhiều vụ hành quyết tù binh dã man của IS
Hiện chưa rõ những gì còn sót lại ở Palmyra có bị tàn phá trong quá trình quân đội Syria giao tranh ác liệt với IS để chiếm lại thành phố cổ này hay không.
Và Bộ Cổ vật Syria đã cho biết, toàn bộ những gì còn sót lại tại Palmyra vẫn trong tình trạng tốt. Bộ cam kết sẽ khôi phục lại thành phố cổ này.