Ngày 15/9/2020, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 32, quy định về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Theo Điều 37 Điều lệ này quy định rõ các hành vi học sinh không được làm như sau: Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác (gọi chung là ĐTDĐ) khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép (trước đây, bị cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học);…
Như vậy, Thông tư 32 cho phép học sinh sử dụng ĐTDĐ trong lớp phục vụ việc học tập nhưng phải được giáo viên đồng ý. Đây là quy định gây nhiều tranh cãi giữa phụ huynh, học sinh và cả nhà trường. Quy định trên có thể gây ra nhiều hệ lụy không thể lường hết trong việc dạy và học hiện nay.
Việc sử dụng ĐTDĐ phục vụ cho việc học tập sẽ nâng cao hiệu quả trong dạy và học. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để trang bị ĐTDĐ cho học sinh.
Nếu trong một lớp học, học sinh này có ĐTDĐ nhưng học sinh khác không có sẽ dẫn đến sự so bì, phân biệt, mặc cảm, tủi thân giữa các học sinh với nhau. Nếu vì nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào Thông tư số 32 bắt buộc phụ huynh phải mua ĐTDĐ phục vụ cho việc học tập của học sinh vô hình chung sẽ gây ra áp lực và tâm lý không thoải mái, yên tâm cho phụ huynh trong việc quản lý học sinh sử dụng ĐTDĐ.
Các em có thể bị dụ dỗ, kích động, trêu chọc hoặc bị lôi kéo phạm tội,…trên môi trường mạng. Vì vậy, việc trang bị ĐTDĐ cho học sinh sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm tra, giám sát của gia đình, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm.
Ảnh minh họa
Việc trang bị ĐTDĐ phục vụ cho việc học tập trong một số trường hợp sẽ làm thui chột trí sáng tạo và khả năng tư duy của học sinh. Trong quá trình học tập, nếu phát sinh câu hỏi khó thì các em chỉ cần rút ĐTDĐ để tra cứu Google là có thể tìm đáp án để giải quyết câu hỏi của mình một cách nhanh chóng, chính xác mà không cần phải suy nghĩ nhiều. Với cách học này, học sinh ngày càng lệ thuộc vào ĐTDĐ, ảnh hưởng đến thị lực, kỹ năng sống và hạn chế trong việc thích ứng với môi trường sống.
Không phải bất cứ học sinh nào cũng có ý thức sử dụng ĐTDĐ trong việc học tập. Trong giờ học, nếu ĐTDĐ rung chuông hoặc các em có nhu cầu điện thoại cho gia đình và ngược lại hay các em sẽ nhắn tin, truy cập mạng xã hội trong giờ học,…thì sẽ làm cả lớp mất tập trung, ảnh hưởng chất lượng của việc dạy và học.
Nếu cho phép học sinh sử dụng ĐTDĐ phục vụ cho việc học tập thì nhà trường phải có trách nhiệm ban hành quy chế sử dụng ĐTDĐ của học sinh trong nhà trường, trong lớp và trong giờ học, giờ giải lao; đồng thời, phải quy định cụ thể môn học nào thì được phép sử dụng ĐTDĐ, giáo viên cho phép học sinh sử dụng ĐTDĐ trong trường hợp nào?,…Ngoài ra, nhà trường phải tốn chi phí để lắp đặt các điểm phát Wifi miễn phí để phục vụ học sinh và các chi phí phát sinh trong việc duy trì và bảo quản nó.
Thiết nghĩ, quy định trên của Thông tư số 32 vẫn có những ưu điểm tích cực trong việc hỗ trợ các em học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh đó sẽ phát sinh những hạn chế, bất cập và những hậu quả không thể lường trước đối với học sinh. Do đó, cần phải nghiên cứu, sửa đổi quy định này để đảm bảo an toàn cho học sinh cũng như hạn chế các chi phí phát sinh cho phụ huynh và nhà trường trong việc trang bị ĐTDĐ phục vụ cho việc học tập của học sinh.