Tiết trời những ngày cuối tháng cuối năm ở miền trung Nhật Bản khá lạnh với nhiệt độ trung bình trên dưới 3 độ C, theo chân một người bạn là du học sinh, chúng tôi ghé thăm làng Ninja Iga - nơi được xem là quê hương của thuật ẩn thân nổi tiếng thế giới.

Với tôi, ninja hay còn gọi là “nhẫn giả” với mặt mày bịt kín, trang phục đen tuyền, võ nghệ cao cường, ra tay với các đối thủ nhanh như chớp... không còn là hình ảnh xa lạ. Bởi nó gắn liền với tuổi thơ của thế hệ chúng tôi thông qua những bộ phim cổ trang do Nhật Bản hoặc Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, để tìm hiểu rõ ngọn ngành của ninja thì dường như tôi chưa một lần thực hiện một cách nghiêm túc. Thế nên, khi nghe người bạn gợi ý về chuyến đi, tôi tranh thủ lên mạng sục sạo và cuối cùng cũng tìm được một số thông tin cơ bản mà có lẽ cũng nhiều người biết.

Tranh thủ thời gian trên chuyến xe đến Iga, anh Kagawa, một người nghiên cứu lịch sử nghiệp dư về ninja, cho tôi biết thêm ngoài việc võ nghệ cao cường, ninja còn là bậc thầy trong nghệ thuật ẩn thân có tên gọi là ninjustu.

Trong lịch sử, ninja được các lãnh chúa sử dụng cho mục đích thâm nhập lãnh địa đối phương, ám sát đối thủ, gây rối loạn hậu phương địch...

Cũng theo anh Kagawa, do là một lực lượng bí mật nên có rất ít tài liệu lịch sử ghi lại ninja ra đời từ khi nào. Nhưng từ những tư liệu góp nhặt được trong dã sử, người ta cho rằng ninja ra đời vào khoảng thế kỷ 14-15 và cùng với một vài địa phương khác, Iga được xem là nơi ninja xuất hiện đầu tiên và đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật này.

Theo một số người, sở dĩ vùng Iga được cho là nơi khởi nguồn của ninja là do yếu tố địa lý và lịch sử. Theo anh Kagawa, vào thời ấy Iga vốn cách xa chính quyền trung ương nên xã hội ở vùng này được cai trị bởi các lãnh chúa. Để tranh giành ảnh hưởng và quyền lợi, các lãnh chúa này thường xuyên gây chiến với nhau. Để triệt hạ đối thủ, các lãnh chúa đứng ra tổ chức cho riêng họ những đội quân khác nhau và đây là tiền đề để các đội Ninja ra đời và gắn liền với những truyền thuyết  cho đến ngày nay.

Sau khi xếp hàng mua chiếc vé vào cổng với giá 756 yên (khoảng 150 ngàn đồng Việt Nam), chúng tôi được người hướng dẫn đưa vào một căn nhà mang phong cách truyền thống Nhật Bản thế kỷ 14-15. Tại đây, bằng những thủ thuật của ninja, một nữ võ sĩ đã tái hiện hầu hết thủ thuật ẩn thân, mà theo cô là những chiêu thức được tổ tiên của cô thực hiện trong quá trình chiến đấu chống lại kẻ thù cách đây vài trăm năm.

Nhìn những động tác trốn trên mái nhà, dưới sàn, trong vách nứa... một cách thành thạo của cô gái - hậu duệ của những ninja vùng Iga, mới thấy rằng vì sao hình tượng ninja được trẻ em, người lớn khắp thế giới ngưỡng mộ đến thế!

Phía bên trong khu nhà dùng làm nơi biểu diễn thuật ẩn thân là khu bảo tàng, nơi lưu giữ các loại binh khí mà các ninja thưở xưa đã dùng trong hoạt động thâm nhập, do thám và ám sát đối thủ.

Ngoài những binh khí nổi tiếng trong thế giới ninja được nhiều người biết đến như kiếm, phi tiêu... còn có những thứ gắn liền với đời sống của nông dân Nhật Bản thế kỷ 14-15 như đòn gánh, cuốc, xẻng... Điều này cho thấy ninja luôn gắn liền với đời sống của người dân, và phải chăng đây chính là lý do mà ninja đã tồn tại và tạo nên những huyền thoại sống mãi với thời gian?

Điểm nhấn và là điều gây thích thú cho bất kỳ ai khi đặt chân đến ngôi làng Ninja Iga huyền thoại chính là màn trình diễn võ thuật của các ninja thời hiện đại.

Không quá nghiêm trọng như trong những bộ phim mà tôi từng được xem, những động tác võ thuật của hậu duệ ninja Nhật Bản xưa vừa mạnh mẽ, vừa hài hước khiến người xem cảm thấy nhẹ nhàng.

Sau buổi biểu diễn, tôi xin phép hỏi vài câu và chụp một tấm ảnh lưu niệm với một anh ninja thời hiện đại. Khi biết tôi từ Việt Nam sang, anh vui vẻ  nhận lời.

Qua trao đổi, anh cho biết hầu hết các ninja ở đây đều có mối quan hệ họ hàng với nhau và đều là những võ sĩ. Một số khác còn theo học một số trường nghệ thuật để làm đa dạng hơn cho nghệ thuật ninja. Và tất cả không ngoài mục đích lưu giữ và quảng bá hình ảnh ninja ra toàn thế giới.

Không chỉ có bảo tàng, những buổi biểu diễn phục vụ cho hàng triệu du khách đến từ khắp nơi trên thế giới mỗi năm, hình ảnh ninja có mặt hầu như khắp nơi ở Iga. Đó là những búp bê, cây bút, quyển tập... cho đến những nhà hàng, món ăn đều có hình ảnh ninja. Với người dân vùng Iga, hình ảnh ninja là tài sản chung, là nhịp sống và niềm tự hào của người dân địa phương.

Trước khi rời khỏi làng ninja Iga, anh Kawaga nói vui rằng ninja đời nào cũng tài năng cả. Nếu như ngày xưa, các ninja dùng những thanh kiếm, phi tiêu... đánh vào sào huyệt của kẻ thù, thì ngày nay, lớp hậu duệ của họ dùng hình ảnh của cha ông họ để đánh vào túi tiền của du khách và đó là lý do mà mỗi năm, doanh số thu về từ dịch vụ du lịch của vùng lên đến hàng triệu đô la.

Và với tôi, đó là điều thú vị về những ninja thời hiện đại!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thăm làng Ninja ở Nhật