Thai phụ mắc tan máu bẩm sinh bị sản giật nguy hiểm

Thảo Nguyên| 13/01/2023 09:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thai phụ bị sản giật này còn mắc bệnh beta thalassemia (tan máu bẩm sinh) vẫn đang phải truyền máu định kỳ, khiến việc cấp cứu cho cả 2 mẹ con thai phụ gặp rất nhiều khó khăn…

Trước đó, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E (Hà Nội) tiếp nhận thai phụ 25 tuổi (ở Thanh Trì, Hà Nội) trong tình trạng ngất xỉu, co giật liên tục, huyết áp tăng, phù toàn thân, khó thở, suy hô hấp và nôn sặc không cầm, bụng đau âm ỉ.

Ngay lập tức, các bác sĩ chuyên khoa Phụ sản, Cấp cứu, Hồi sức tích cực… tiến hành cấp cứu, hội chẩn và chẩn đoán thai phụ mang thai con so, thai 37 tuổi bị sản giật nặng trên nền bệnh beta thalassemia. Do đó, các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh khó với nguy cơ tử vong cao cho cả mẹ con, nhất là khi các bác sĩ không đo được nhịp tim của thai nhi qua máy monitor.

Thai phụ mắc tan máu bẩm sinh bị sản giật nguy hiểm

Bác sĩ thăm khám, kiểm tra lại sức khỏe cho sản phụ

Chỉ sau 10 phút đến cấp cứu ở Bệnh viện E, thai phụ được đưa vào phòng mổ. Ca mổ diễn ra trong sự căng thẳng lo lắng và hồi hộp của thầy thuốc và gia đình thai phụ…

ThS.BS Ngô Văn Thanh - Khoa Phụ Sản, bác sĩ cấp cứu trực tiếp cho sản phụ cho biết, sản giật là một biến chứng của tiền sản giật nặng, lúc này thai phụ xuất hiện các cơn co giật nặng sau đó hôn mê sâu do tổn thương hệ thống thần kinh trung ương.

Ê-kíp gồm BS Ngô Văn Thanh và các đồng nghiệp đã tiến hành mổ "bắt con" cho thai phụ dù biết rằng phẫu thuật viên đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí dễ bị hiểu lầm, nếu không may thai phụ tử vong... 

Nhưng với sự phối hợp chuyên nghiệp và chặt chẽ giữa các khoa: Phụ sản, Nội Nhi tổng hợp và Gây mê hồi sức đã giúp các phẫu thuật viên dành sự sống cho 2 mẹ con thai phụ đang ở lằn ranh mong manh này.

"Chưa đầy 1 phút, trẻ được "bắt ra", tuy nhiên bé chẳng chịu khóc như trẻ khác, cứ mềm mềm, nhợt nhạt… Nhưng cái cảm giác bàn tay ôm lấy đứa bé khiến bác sĩ nghĩ con vẫn sống. Ngay lập tức con được chuyển cho các bác sĩ Nội nhi tổng hợp tiến hành hồi sức, ép tim… Gần 10 bác sĩ, điều dưỡng tham gia kíp mổ gần như nín thở theo dõi từng cử chỉ của con…", BS Thanh nhớ lại.

Sau 3 phút, tiếng ọ ọe, rồi khóc òa lên của con khiến các bác sĩ, điều dưỡng cũng chuyển từ hồi hộp, lo lắng đều ồ lên, vỡ òa trong hạnh phúc… Bé đã có phản xạ sơ sinh: khóc, vận động được tay chân, da hồng hào và tự thở.

Còn người mẹ sau khi vượt cạn thành công đã được chuyển sang hồi sức tích cực tại khoa Gây mê hồi sức. Sau 2 ngày theo dõi và chăm sóc đặc biệt, người mẹ đã được chuyển về khoa Phụ sản để tiếp tục điều trị với tình trạng sức khỏe hồi phục tốt…

Theo BS Thanh, việc cứu được cả mẹ và em bé trong trường hợp này là một kỳ tích, bởi tỷ lệ thai phụ bị sản giật cứu được con chỉ khoảng 30-35%, trong khi nguy cơ tử vong với mẹ cũng lên tới 25-30%.

Hàng năm các bệnh viện chuyên khoa sản và Khoa Sản, Bệnh viện E vẫn tiếp nhận rất nhiều ca bệnh tiền sản giật nhưng sản giật thì ít gặp. Cá nhân BS Thanh từ năm 2015 đến nay mới gặp 2 ca sản giật.

BS Thanh khuyến cáo: "Thai phụ bị tiền sản giật cần được khám và quản lý thai chặt chẽ tại các cơ sở có chuyên khoa sản và khoa phẫu thuật để tránh các tai biến do tiền sản giật mang lại gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Việc quản lý thai kỳ khi mang thai là rất quan trọng để tránh bị tiền sản giật và biến chứng sản giật, nhất là những người có yếu tố nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh về máu như Thalassemia hoặc có bệnh lý nền khác khi mang thai".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thai phụ mắc tan máu bẩm sinh bị sản giật nguy hiểm