Với hai tuyến giao thông đường thủy sông Cầu, sông Công, cùng 8 hồ lớn và hàng chục phương tiện thủy, công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, chú trọng. Nhiều năm qua, địa phương không xảy ra TNGT đường thủy và đang nỗ lực xây dựng Văn hóa giao thông trên sông nước.
Phủ kín áo phao xuống bến đò
Ngày 17/7, tại bến đò Thù Lâm, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, đoàn công tác của Ban ATGT tỉnh đã tổ chức buổi tuyên truyền tới các chủ đò, người tham gia giao thông về cách xử lý tình huống khi gặp nạn trên sông nước, cách sử dụng phao cứu sinh, những vi phạm giao thông ĐTNĐ… Sau đó, Ban ATGT còn cấp phát tài liệu là cuốn sách “Một số văn bản quy phạm pháp luật về giao thông ĐTNĐ” cho những người tham gia tại buổi tuyên truyền và trao tặng 25 áo phao cho chủ đò và người tham gia giao thông ĐTNĐ tại bến đò Thù Lâm.
Tham gia buổi tuyên truyền, anh Nguyễn Hoàng Nam, xã Tiên Phong cho biết, hàng ngày anh đều qua lại bến đò này và buổi tuyên truyền hôm 17/7 giúp anh có thêm kỹ năng xử lý tình huống gặp nạn trên sông nước, nhắc nhở, cảnh báo để không chủ quan khi tham gia giao thông đường thủy. “Việc tuyên truyền, nhắc nhở chủ đò, người đi đò phải tham gia giao thông đúng luật và trang bị áo phao cho các đò là rất bổ ích, thiết thực, nhất là trong mùa mưa bão”, anh Nam nói.
Ông Tân Hoàng Long, Chánh văn phòng Ban ATGT Thái Nguyên cho biết, ngoài bến đò Thù Lâm, Ban ATGT tỉnh sẽ tiến hành các hoạt động tuyên truyền ATGT đường thủy nội địa tại các bến đò ngang, bến tàu, cảng, khu du lịch Hồ Núi Cốc kéo dài đến hết mùa mưa bão và cấp phát 100 áo phao cùng 10 nghìn tài liệu, tờ rơi tuyên truyền tại 20 bến đò thuộc các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là hoạt động thường niên nhiều năm qua của Ban ATGT tỉnh, nhằm mục đích “phủ” áo phao, dụng cụ nổi kín các bến đò để xây dựng văn hóa giao thông, vì sự bình yên trên sông nước.
Đình chỉ hàng loạt bến, phương tiện sai phạm
Theo ông Long, dù nhiều năm qua, Thái Nguyên không xảy ra TNGT đường thủy nhưng hoạt động giao thông đường thủy trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại như: Hoạt động chở khách qua sông bằng đò ngang chưa được quản lý chặt chẽ, chủ đò và người đi đò không chấp hành nghiêm chỉnh việc sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh; hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu hư hỏng, xuống cấp…
“Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đường thủy đi lại trong mùa mưa lũ, tháng 7/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải ĐTNĐ. Ngay sau đó, Ban chỉ đạo cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã lên kế hoạch và tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự ATGT đường thủy nội địa trong suốt mùa mưa bão”, ông Long cho hay.
Liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý sai phạm giao thông ĐTNĐ, đại diện phòng CSGT Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, các sai phạm đều bị xử lý nghiêm, nhiều bến, phương tiện đã bị đình chỉ hoạt động.
Cụ thể, trong đợt cao điểm kéo dài hơn 1 tháng qua, lực lượng liên ngành đã tổng kiểm tra 28 bến thủy, 24 bến, điểm tập kết cát sỏi, 2 cầu phao, 51 phương tiện thủy chở khách và hàng hóa trên các bến liên quan đến đường thủy trên các tuyến sông Công, sông Cầu, các Hồ lớn và khu du lịch Hồ núi Cốc… Qua công tác kiểm tra, lực lượng liên ngành đã lập biên bản đình chỉ 23 bến thủy nội địa, 26 phương tiện chở khách ngang sông không có đăng ký, đăng kiểm, 5 phương tiện chở khách không đủ điều kiện, không có giấy phép hoạt động; đình chỉ hoạt động của 2 cây cầu phao và yêu cầu 14 phương tiện dân sinh trên hồ Gò Miếu không hoạt động, giao UBND xã giám sát… Chuyển Công an huyện xử lý 10 trường hợp vi phạm các quy định về trật tự ATGT đường thủy nội địa.
Từ nay đến hết mùa mưa bão, Ban ATGT tỉnh cùng với các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông thủy nội địa. Cùng với đó, các lực lượng chức năng cùng với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ các hoạt động giao thông thủy nội địa, kịp thời tạm dừng hoạt động vận tải khách ngang sông khi có mưa lũ lớn, không để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy trong suốt mùa mưa bão.