Kinh tế

Thái Nguyên: Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh nhiều tập đoàn lớn đổ về đầu tư

Nguyễn Liên - Quang Huy 16/03/2023 17:37

Ngay sau khi tỉnh Thái Nguyên có quyết định của Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nhiều tập đoàn đổ về đầu tư tại Thái Nguyên với quyết tâm xây dựng Thái Nguyên là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Mới đây, tại Quyết định số 222/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thái Nguyên là tỉnh thứ 5 được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh.

Mục tiêu của quy hoạch là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc.

a1-3-.jpg
Tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm xây dựng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng hiện đại, văn minh

Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Năm 2022, tỉnh cấp mới 26 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 755,6 triệu USD, tăng vốn đầu tư cho 34 lượt dự án FDI với tổng vốn đăng ký tăng thêm 1,33 tỷ USD và chấp thuận 10 nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp với tổng giá trị vốn góp là 826,5 tỷ đồng (tương đương 35,8 triệu USD).

Tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 là hơn 2,1 tỷ USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 172 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 10,3 tỷ USD, đứng thứ tư toàn quốc về thu hút vốn đầu tư FDI. Nguồn lực này đang thật sự là động lực phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thái Nguyên.

Nổi bật trong các dự án có nguồn vốn FDI lớn là dự án Nhà máy điện tử Samsung - Thái Nguyên của Tập đoàn Samsung Electronic (Hàn Quốc). Đầu năm 2022, Tập đoàn Samsung đã quyết định chi thêm 920 triệu USD nâng tổng vốn đầu tư từ 1,35 tỷ USD lên 2,27 tỷ USD đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên.

Một số dự án được cấp phép đầu tư mới có số vốn đăng ký đầu tư lớn vào Thái Nguyên còn phải kể đến: dự án Dowooinsys tại Khu công nghiệp Sông Công II với số vốn 30 triệu USD, dự án Nhà máy Sunny Infared Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình với 9,5 triệu USD, dự án Trung tâm dịch vụ Khu công nghiệp Điềm Thụy 520 tỷ đồng…

Mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Sunny (Hongkong) vừa ký Biên bản ghi nhớ về việc triển khai đầu tư Dự án Trung tâm Công nghiệp Sunny Group tại KCN Yên Bình (huyện Phổ Yên).

Theo kế hoạch, Dự án có vốn đầu tư khoảng 2-2,5 tỷ USD, doanh thu hàng năm dự kiến 5 tỷ USD, thu hút 15.000 lao động thường xuyên.

Tập đoàn Sunny Optical Technology (Group) Co.Ltd. thành lập năm 1984, là nhà sản xuất các sản phẩm, linh kiện quang học tích hợp hàng đầu thế giới; chủ yếu thiết kế, nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm quang học và liên quan đến quang học.

Tại Thái Nguyên, Sunny Opotech đã đầu tư dự án sản xuất, gia công lắp ráp quang học modul camera, với vốn đầu tư 110 triệu USD.

Sau thành công với các dự án này, Sunny sẽ đầu tư tiếp dự án 2-2,5 tỷ USD, dự kiến hoàn thành trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Sau khi ký MOU với Thái Nguyên, Chủ tịch Tập đoàn Sunny Ye Liaoning đã có cuộc làm việc và báo cáo với Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về dự án này.

Như vậy, theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên có dư địa trên 6.000 ha đất phục vụ phát triển công nghiệp (4.245 ha đất phát triển khu công nghiệp, 2.057 ha đất phát triển cụm công nghiệp. Trong đó mở rộng 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung; phát triển 41 cụm công nghiệp. Trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, dịch vụ gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.

a2.-h.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Sunny (Hongkong) vừa ký Biên bản ghi nhớ về việc triển khai đầu tư Dự án Trung tâm Công nghiệp Sunny

Ngoài ra Quy hoạch tỉnh đã quy hoạch các khu chức năng tổng hợp và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, trong đó có 13 sân golf. Quy hoạch các tuyến giao thông trọng điểm như: Đoạn tuyến vành đai V; tuyến liên kết các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; đường kết nối tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang; đường Hồ Núi Cốc; cải tạo, nâng cấp, xây dựng 15 tuyến đường huyện lên đường tỉnh. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng các khu đô thị, khu chức năng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh).

Đây sẽ là tiềm năng, lợi thế để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh nhiều tập đoàn lớn đổ về đầu tư