Nhịp cầu Công lý

Thái Nguyên:Cần xem xét, bồi thường thỏa đáng cho hộ dân bị thu hồi đất

P.Nam 14/05/2024 - 13:41

Bị cưỡng chế thu hồi đất để phục vụ dự án nhà ở với mục đích thương mại, một hộ dân không đồng ý với phương án đền bù vì cho rằng chủ đầu tư phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất với chủ sử dụng đất.

Theo phản ánh của ông Lê Duy Thiện và bà Vũ Thị Hạnh, trú tại tổ 5 Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, ngày 26/12/2023, UBND TP. Thái Nguyên ra Quyết định (QĐ) số 11837/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của gia đình ông bà tại phường Chùa Hang để sử dụng vào mục đích thực hiện dự án Khu nhà ở Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên - địa phận phường Chùa Hang (Đợt 93).

z5401585712055_383e2ff3140c04aebf58762a06fae9ad(1).jpg
Hiện trạng khu nhà đất sắp bị cưỡng chế thu hồi.

Cùng ngày, UBND TP. Thái Nguyên ra QĐ số 11838/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án Khu nhà ở Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên - địa phận phường Chùa Hang (Đợt 93).

Ngày 10/4/2024, UBND TP. Thái Nguyên ra QĐ số 2388/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông bà.

Sau khi nhận được các QĐ này, gia đình ông bà không đồng ý vì cho rằng UBND TP. Thái Nguyên ban hành QĐ thu hồi đất là không đúng quy định pháp luật vì UBND không có thẩm quyền thu hồi đất trong trường hợp này.

Theo Khoản 1 Điều 16 Luật Đất đai năm 2013: “1. Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp: a) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; b) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; c) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.”

Khoản 1 Điều 73 Luật Đất đai quy định: “1. Việc sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.”

QĐ số 4042/QĐ-UBND ngày 16/12/2019 của UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận đầu tư dự án Khu nhà ở Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên (giai đoạn 1 phần diện tích 47,22 ha) (sau đây viết tắt là “QĐ 4042”) ghi rõ: “Mục tiêu của dự án: …đầu tư xây dựng các nhà ở thấp tầng để bán và/hoặc cho thuê…”; “Chủ đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê…để kinh doanh nhà ở, bất động sản…”

Ông Lê Duy Thiện và bà Vũ Thị Hạnh cho rằng, Dự án Khu nhà ở Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên-địa phận phường Chùa Hang là dự án thương mại, chủ đầu tư dự án là doanh nghiệp cổ phần, nguồn vốn tư nhân nên phải tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất với chủ sử dụng đất.

Trong phần diện tích đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ), số vào sổ cấp Giấy chứng nhận 00164 được cấp ngày 22/6/2018 ghi nhận vợ chồng ông bà là người sử dụng đất thì diện tích 770 m2 là đất trồng cây hàng năm khác. Theo pháp luật đất đai hiện hành, đất trồng cây hàng năm khác là một trong những loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp.

Điểm b Khoản 5 Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định: “b) Nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai.”

Vợ chồng ông bà cho rằng đây là căn cứ pháp luật vững chắc để khẳng định chủ đầu tư phải tự thỏa thuận, thương lượng với vợ chồng ông khi thu hồi đất, vì bản chất đây là thỏa thuận dân sự “thuận mua, vừa bán”; là hoạt động của doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp phải trực tiếp thực hiện, không phải là hoạt động thuộc thẩm quyền của UBND TP. Thái Nguyên.

Ông Lê Duy Thiện và bà Vũ Thị Hạnh cho rằng, trình tự, thủ tục, hồ sơ, tài liệu để ra QĐ số 11837 chưa tuân thủ các quy định của Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Cụ thể, đối với phần bồi thường tài sản trong QĐ 11838 chỉ là hơn 2 tỷ đồng. Trong khi đó, đối với khối tài sản của vợ chồng ông hiện nay theo giá thị trường là khoảng 4,6 tỷ đồng. Mức bồi thường, hỗ trợ ghi tại QĐ 11838 chưa đến 44% so với giá trị thực tế còn lại của tài sản trên đất. Ông Lê Duy Thiện và bà Vũ Thị Hạnh cũng cho rằng, do giá trị định giá tài sản trên đất theo QĐ 11838 là rất thấp nên nếu thực hiện cưỡng chế thì sẽ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của ông bà.

Không đồng ý với số tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng ghi trong QĐ 11838, vợ chồng ông Thiện, bà Hạnh cho biết, sẽ thuê đơn vị có chức năng định giá tài sản để định giá. Vì thế, cần thiết phải giữ nguyên hiện trạng khu nhà, đất tại phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên để phục vụ cho việc định giá tài sản.

Vừa qua, ông Thiện và bà Hạnh đã có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, hủy bỏ 03 QĐ nêu trên và đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu UBND TP. Thái Nguyên tạm dừng việc cưỡng chế thu hồi đất của ông Lê Duy Thiện và bà Vũ Thị Hạnh, tạm đình chỉ thực hiện QĐ số 2388/QĐ-UBND ngày 10/4/2024 của UBND TP. Thái Nguyên, để bảo vệ chứng cứ là nhà, đất của gia đình ông bà.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của sự việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Cần xem xét, bồi thường thỏa đáng cho hộ dân bị thu hồi đất