Thạch Thất, Hà Nội: Gần hai thập kỷ không cưỡng chế nổi... một cây xăng?

Nguyễn Cường| 01/08/2020 09:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Suốt thời gian dài, Doanh nghiệp Đức Tài tự ý lấp ruộng canh tác để xây dựng nhà trái phép. Dù đã có quyết định cưỡng chế nhưng sai phạm vẫn tồn tại. Sự việc khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm công vụ của cơ quan chức năng huyện Thạch Thất.

Trước đó, Báo Công lý ngày 10/07/2020 có bài viết “Doanh nghiệp Đức Tài ngang nhiên lấn chiếm đất của gia đình liệt sĩ ?”. Bài viết phản ánh ý kiến của bà Phùng Thị Chinh (trú tại thôn Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội) là vợ của liệt sĩ đã bốc thăm được 1 lô trong khu đất dịch vụ cụm công nghiệp Phùng Xá. Tuy nhiên, thời gian dài, bà vẫn chưa được giao, nhận đất vì một phần diện tích bị Doanh nghiệp Đức Tài do ông Nguyễn Doãn Tài làm giám đốc lấn chiếm, xây dựng cây xăng.

Được biết, hành vi lấn chiếm đất của Doanh nghiệp Đức Tài để mở rộng cây xăng lên tới hơn 1200m đã xảy ra trong suốt thời gian dài nhưng tới nay vẫn tồn tại. Trước đó, ngày 18/08/2008, biên bản của UBND xã Phùng Xá cho biết: “Gia đình ông Tài đã vi phạm Luật Đất đai tự ý đổ đất lấp ruộng canh tác, xây dựng trái phép lên đất quy hoạch Khu dịch vụ nhà ở Khu công nghiệp Phùng Xá. Mặc dù đã được nhắc nhở, UBND xã Phùng Xá, lập hồ sơ nhưng ông Tài vẫn cố tình vi phạm lần hai”.

Thạch Thất, Hà Nội: Gần hai thập kỷ không cưỡng chế nổi... một cây xăng?

Cây xăng của Doanh nghiệp Đức Tài

Hành vi cố tình vi phạm của ông Tài đã được xác định là vậy nhưng sau đó, ngày 24/05/2008, UBND xã Phùng Xá lại thống nhất: “Xét đơn đề nghị của ông Tài do cơ sở kinh doanh chật hẹp, không đảm bảo an toàn nên cho gia đình tồn tại số diện tích lấn chiếm với điều kiện đổi số diện tích tương ứng đất dịch vụ của gia đình nằm trong Khu dịch vụ nhà ở Phùng Xá trả cho tập thể”.

Được đáp ứng nguyện vọng nhưng 10 năm sau, năm 2018, doanh nghiệp Đức Tài không những chưa hoàn thành đổi diện tích tương ứng để trả cho dân mà còn sử dụng diện tích lấn chiếm 1293,87 m2 đất phi nông nghiệp không phải đất ở để xây dựng 1 căn nhà 3 tầng kiên cố, 1 lán mái tôn kèo sắt, 1 bể bơi mái che...

Ngày 24/8/2018, sau khi củng cố hồ sơ, UBND huyện Thạch Thất do bà Nguyễn Kim Loan, Phó Chủ tịch UBND huyện ký ban hành quyết định số 2905/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hộ ông Nguyễn Doãn Tài. Theo đó, UBND huyện buộc phải trả lại nguyên trạng phần diện tích đất lấn chiếm 1293,87m đất phi nông nghiệp. Quyết định của UBND huyện quy định ông Tài phải thực hiện cưỡng chế trong 10 ngày, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế.

Tuy nhiên, quá thời hạn trên doanh nghiệp vẫn không bị cưỡng chế và “ung dung” tồn tại trên phần đất lấn chiếm. Việc mặc nhiên “ngồi” trên sai phạm của doanh nghiệp không hề bị xử lý dư luận cho rằng phải chăng xuất phát từ những ý kiến phát biểu tại hội nghị ngày 22/10/2018 của UBND huyện Thạch Thất.

Chủ doanh nghiệp Đức Tài cho biết: “Tại hội nghị ngày 22/10/2018, tôi đã được nghe các ý kiến tạo điều kiện của các cơ quan chuyên môn thuộc huyện và xã Phùng Xá. Đặc biệt là ý kiến phát biểu của bà Nguyễn Kim Loan đã chỉ đạo một số nội dung mà bản thân tôi rất tâm đắc và thấu tình đạt lý, tạo điều kiện giải quyết các tồn tại. Bản thân tôi nghiêm túc tiếp thu ý kiến của bà Loan”.

Điều này đang khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng từ những ý kiến tạo điều kiện của cơ quan chuyên môn huyện Thạch Thất, đặc biệt rất “tâm đắc” của bà Loan khiến việc cưỡng chế sai phạm của Doanh nghiệp Đức Tài vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong khi đó, chính bà Loan đã ký quyết định cưỡng chế buộc doanh nghiệp này phải trả lại nguyên hiện trạng trước lấn chiếm sau 10 ngày, nhưng 2 tháng sau, không biết vị Phó chủ tịch lại phát biểu ý kiến gì mà doanh nghiệp “tâm đắc” nhưng gia đình liệt sĩ vẫn không có đất để nhận?

Thạch Thất, Hà Nội: Gần hai thập kỷ không cưỡng chế nổi... một cây xăng?

Bà Phùng Thị Chinh bên những lời kêu cứu được treo trong ngôi nhà của mình

Bên cạnh đó, không hiểu doanh nghiệp Đức Tài nghiêm túc tiếp thu ý kiến “tâm đắc” của Phó chủ tịch huyện ra sao nhưng báo cáo số 97 ngày 29/6/2020 của UBND xã Phùng Xá lại cho biết: Ông Tài không thực hiện đúng các nội dung đã cam kết. Đồng thời, UBND xã đã có văn bản số 237 đề nghị UBND huyện tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch cưỡng chế và huy động lực lượng tham gia. Tuy nhiên đến nay, UBND huyện chưa bố trí được hội nghị triển khai và huy động lực lượng hỗ trợ UBND xã thực hiện cưỡng chế theo kế hoạch.

Trước đó, UBND huyện đã giao cho Phòng TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu cho UBND huyện cưỡng chế thu hồi mặt bằng đối với ông Tài để giao đất dịch vụ. Vậy nhưng, UBND xã Phùng Xá đề nghị UBND huyện kiểm tra, xem xét kết quả tham mưu của phòng TN&MT để sớm tổ chức cưỡng chế thu hồi mặt bằng.

Trước những “vòng luẩn quẩn” của các đơn vị thuộc huyện Thạch Thất khiến “quả bóng” trách nhiệm công vụ luôn “đẩy đi, đẩy lại”. Điều này khiến cả bộ máy công quyền cùng xử lý cưỡng chế một cây xăng vi phạm suốt thời gian dài nhưng vẫn "loay hoay" chưa thể xử lý dứt điểm.

Trao đổi về trách nhiệm trong tham mưu giải quyết cưỡng chế vi phạm đối với cây xăng của Doanh nghiệp Đức Tài, ông Hoàng Chí Lượng, Phó trưởng phòng phụ trách phòng TN&MT Thạch Thất khẳng định: Doanh nghiệp Đức Tài vi phạm là đúng.

Đồng thời, UBND xã có thiết lập biên bản vi phạm nhưng không xử lý triệt để. “Trong biên bản vi phạm có những cái mở cho Doanh nghiệp Đức Tài suốt từ năm 2003, 2004 đến năm 2007. Giai đoạn này cũng chính ông Phùng Ngọc Nam (hiện đang là Chủ tịch UBND xã Phùng Xá) làm địa chính xã đến bây giờ đang làm chủ tịch...”- Ông Lượng cho hay.

Thạch Thất, Hà Nội: Gần hai thập kỷ không cưỡng chế nổi... một cây xăng?

Lá thư của  bà Chinh gửi tới Bí thư Thành ủy mong muốn chỉ đạo giải quyết sự việc

“Do xã không giải quyết triệt để nên phía các phòng ban chuyên môn đã tham mưu cho UBND huyện ra quyết định cưỡng chế. Sau đó khi có quyết định cưỡng chế ông Tài đã cam kết mua đất của các hộ dân. Hiện nay ông Tài đã mua gần hết đất rồi. Còn duy nhất lô của hộ bà Phùng Thị Chinh là do UBND xã báo cáo huyện không trung thực vì còn khoảng 13m đất ông Tài mua của các hộ khác chưa giải phóng mặt bằng xong đã bốc thăm...Muốn giải quyết triệt để giao đất cho bà Chinh thì phải thực hiện quy trình bồi thường giải phóng với 13m của ông Tài rồi mới giao đất được”- ông Lượng cho biết.

Bức xúc trước việc mảnh đất được hưởng theo quy định bị lấn chiếm, trong khi các cơ quan chức năng từ xã đến huyện vẫn “kêu khó”, bà Chinh đã phải gửi thư kêu cứu tới Văn phòng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội ông Vương Đình Huệ, Bí thư huyện ủy Thạch Thất với mong muốn chỉ đạo, giải quyết. Huyện ủy Thạch Thất sau đó đã có văn bản trả lời giao cho cơ quan chức năng huyện Thạch Thất xử lý, giải quyết sự việc.

Trước việc doanh nghiệp lấn chiếm gần hai thập kỷ, chưa giải quyết dứt điểm khiến quyền lợi chính đáng của gia đình liệt sĩ bị ảnh hưởng, đề nghị UBND huyện Thạch Thất sớm chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn giải tỏa vi phạm không để dư luận hoài nghi có lợi ích nhóm, “bao che” cho sai phạm.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thạch Thất, Hà Nội: Gần hai thập kỷ không cưỡng chế nổi... một cây xăng?