Một mùa xuân mới của dân tộc đã cận kề, từ thành thị tới nông thôn, từ biên cương tới hải đảo, sắc xuân đang dần thắm đượm trong mỗi nếp nhà, mỗi góc phố, hàng cây và trên gương mặt người hân hoan, hạnh phúc.
Sau những bận rộn lo toan suốt một năm ròng, ai cũng mong chờ giây phút đoàn viên. Nhưng trong giây phút chuẩn bị tiễn năm cũ, từ biên giới cho đến hải đảo xa xôi, vẫn còn có những người chiến sĩ đang âm thầm làm nhiệm vụ “xuân canh biển, tết gác trời” để giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tết gác trời
“Lên biên giới, ta đã coi nơi đây như quê hương của mình. Cùng đồng chí xây đắp cho nơi đây mau trở thành lũy thép trên biên cương” - lời hát, sắc hoa rừng và tình cảm ấm nồng của đồng bào các dân tộc vùng biên như nâng bước quân đi. Phát huy truyền thống của một đội quân chiến đấu tốt, công tác giỏi và dân vận khéo, những chiến sĩ biên phòng dù trên trận tuyến nào, địa bàn nào cũng luôn “trung thành với Đảng, tận tụy với dân”, quyết tâm xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới luôn toàn vẹn, để quê hương biên giới của các anh mãi mãi là mùa xuân.
Để có một biên cương vững vàng, sáng rỡ như hôm nay, những người lính biên phòng đã phải hy sinh, chịu đựng rất nhiều khó khăn, vất vả. Mỗi người mỗi cảnh, nhưng phần lớn các anh đều phải sống xa gia đình, xa vợ con, nhiều khi đến nửa năm mới được về phép một lần. Thậm chí có anh vợ ốm, con đau cũng chỉ biết viết thư, gọi điện về thăm hỏi, vì đường xá xa xôi, vì nhiệm vụ. Gần như mỗi đồn biên phòng đều có một nhóm gọi là “Nhóm xa vợ”, trong đó phần đông lính trẻ.
Nằm trên một quả đồi, Đồn Biên phòng Bản Máy (Hoàng Su Phì, Hà Giang) được bao quanh bởi những hàng cây long não cao vút trồng từ thời Pháp. Đứng ở cổng đồn nhìn xuống, chỉ thấy núi và một màu xanh ngút ngàn. Những bản làng của người Tày, Nùng, người La Chí nép mình bình yên bên núi. Và dòng Suối Đỏ, ngoằn ngoèo như một dải lụa mềm ôm trọn lấy núi đá, là ranh giới phân chia nước ta và nước bạn.
Bản Máy gồm có 4 thôn và 5 dân tộc cùng chung sống, chủ yếu là người Nùng, Tày, Mông sống rải rác. Đây được gọi là địa bàn ba sạch: Không ma túy, không di cư, không tuyên truyền đạo trái pháp luật. Để có được thành quả đó, những người lính biên phòng ở đây đã thực hiện triệt để phương châm “4 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với bà con để hòa nhập vào đời sống của họ. Và cũng chính vì “4 cùng” ấy, phần lớn anh em trong đơn vị đều thuộc “biên chế” trong “Nhóm xa vợ”.
Tuần tra giữa mùa xuân
Có một điều đặc biệt ở đây là vợ của anh em trong đồn hầu hết đều làm nghề giáo. Lý do đơn giản để họ chọn vợ giáo viên là ổn định và có thể chia sẻ với những người chồng quanh năm xa nhà, coi đồn biên phòng là nhà, biên giới là quê hương như các anh. Người may mắn lấy vợ ở tỉnh Hà Giang còn có cơ hội được về hoặc thỉnh thoảng đón vợ lên thăm, còn những người lấy vợ tỉnh xa thì đều phải chịu cảnh “Ngưu Lang - Chức Nữ”.
Chính vì cách trở như thế, nên anh em ở đây thường tếu táo: “Chúng tôi gần như quán triệt phương châm là "không bao giờ được giận vợ””. Thiếu tá Đặng Quốc Phong, Chính trị viên phó của đồn đã từng bảo: "Đó là bởi “gặp nhau lần nào cũng vội, chẳng đủ để mà giận dỗi”, hơn nữa, mọi người ở đây đều thấu hiểu được những khó khăn, vất vả mà vợ mình phải vượt qua khi làm vợ lính biên phòng”.
Anh Phong, quê ở Tam Dương, Vĩnh Phúc, là người gắn bó lâu năm với Đồn Biên phòng Bản Máy. Tốt nghiệp đại học, anh đầu quân về đây, sau đó qua thực tế ở Lũng Làn, Đồn Biên phòng Thanh Thủy và cuối cùng lại về Bản Máy. Vợ anh cũng là giáo viên. Anh yêu biên giới và gắn bó với mảnh đất này như là quê hương của mình. Có lần, khi vợ sinh đứa con thứ hai, anh Phong đề nghị đặt tên là Sơn Vĩ, để nhớ về một vùng đất anh đã từng công tác, nhưng chị vợ nhất định không chịu. Đơn giản, vì chị không muốn nhớ lại quãng thời gian xa nhau.
Đối với các cán bộ, chiến sỹ ở Đồn Biên phòng Bản Máy thì chuyện vài ba năm chưa được về ăn Tết là chuyện thường tình. Chiến sỹ Thèn Văn Tuyền tâm sự: “Mỗi dịp Tết đến xuân về ở Đồn luôn có đầy đủ hoa đào, bánh chưng, và cũng “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”... Anh em được tham gia nhiều trò chơi như văn nghệ, thể thao lại được sự động viên của chỉ huy đơn vị, các cơ quan ban ngành của địa phương, đồng bào dân tộc tại địa bàn đồn đóng quân nên cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà. Và đặc biệt Tết ở đây luôn ấm tình đồng đội”.
Hết năm này qua năm khác, những cái “Tết ấm tình đồng đội, thắm tình quân dân” như thế đã và đang diễn ra tại hầu hết các đơn vị, đồn trạm trên khắp dọc dài biên giới. Nhờ tinh thần hy sinh cao cả, vượt qua mọi khó khăn thử thách của hàng ngàn, hàng vạn chiến sỹ biên phòng trên cả nước mà biên cương hôm nay vẫn vẹn tròn một dải từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau.
Xuân canh biển
Khi những cơn gió mùa Đông nam đang hối hả gọi xuân về, thì cũng là lúc quân và dân trên đảo Trường Sa tất bật chuẩn bị đón mừng năm mới. Có thể nói, đây luôn là nơi được đón mùa xuân sớm trong niềm mến thương của đất liền gửi tới đảo xa. Thêm một cái tết nơi ngàn trùng sóng vỗ, nhưng người chiến sĩ canh giữ bình yên cho biển trời cực Đông của Tổ quốc vẫn lạc quan, tin tưởng bởi họ hiểu, biển bình yên sẽ góp phần làm cho hương Xuân, sắc tết nơi đất liền thêm thắm.
Mỗi dịp cuối năm, mùa xuân dường như cũng ưu ái đến sớm hơn trên quần đảo Trường Sa. Các đoàn công tác thường đem tết ra Trường Sa từ rất sớm, để ngay sau mỗi tết dương lịch, những chiếc tàu chất đầy hàng hóa lại rộn ràng hướng mũi ra khơi. Những ngày này ở Trường Sa, nắng tràn trên khắp đảo, gió thả sức trên cao, sóng dội vào bờ kè trắng xóa. Hoa phong ba, hoa bàng vuông nở bung theo từng chùm trắng phớt xanh vời vợi. Toàn đảo, từ bộ đội hải quân cho đến bộ đội rađa, không quân; bộ phận nhà đèn, khí tượng đến các hộ dân trên đảo… đâu đâu cũng tràn ngập không khí khẩn trương, tất bật, khuôn mặt ai cũng hân hoan rạng ngời.
Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Đỗ Thế Tuyến chia sẻ, mỗi dịp gần Tết, đảo tổ chức rất nhiều hoạt động như xây dựng Vườn hoa Hồ Chí Minh, trang trí cổng đảo, xây khu hoạt động CLB quân nhân, các công trình sân bóng chuyền, bóng đá... Đây là các công trình để anh em chiến sĩ và nhân dân vui xuân mới. Bên cạnh những chuyến hàng từ đất liền, đảo luôn có sự chuẩn bị rất tốt về lương thực thực phẩm, có đầy đủ thịt ngan, thịt gà, vịt, thịt heo, cá tươi, rau củ quả… cho ngày Tết. Nguồn thực phẩm này thu được từ việc quân, dân trên đảo tăng gia sản xuất, nuôi trồng và đánh bắt.
Lính đảo Trường Sa vui đón tết
Do điều kiện khắc nghiệt của muối biển nên những cành mai, cành đào dù bảo quản cẩn thận đến mấy, khi ra tới đảo cũng khô héo hết. Do vậy, có những ý tưởng của lính Trường Sa, tạo ra những cành mai, cành đào rất đặc trưng đẹp không kém gì đất liền. Những đôi tay người lính vốn chỉ quen cầm súng giờ đây khéo léo chuẩn bị gạo nếp, thịt heo, đậu xanh, hạt tiêu…để gói những tấm bánh chưng đầy nghĩa tình. Do lá dong bị ngấm nước biển không còn được xanh, các anh sáng tạo dùng lá bàng vuông gói lót bên trong, bên ngoài mới gói lá dong nên khi thưởng thức, bánh chưng có hương vị của lá cây nơi miền nắng gió và vẫn xanh thắm nghĩa tình của những người mẹ, người cha, người vợ nơi đất liền.
Từ nhiều năm nay, ở Trường Sa vẫn duy trì một việc mà nhiều nơi trong đất liền không làm được là: Trồng cây năm mới. Một tháng trước Tết, những cành bàng vuông, phong ba, bão táp có khả năng làm giống được cạo vỏ, đắp đất, cuốn vải và tưới ẩm hàng ngày. Sau khi đón Tết xong, các đơn vị đồng loạt ra quân trồng cây. Việc trồng cây được duy trì từ khi bộ đội ra đảo và vì thế, trừ những “đảo chìm” thì đảo nào cũng xanh ngời bàng vuông, phong ba, bão táp - những thứ cây đủ sức để chịu sóng và gió biển Đông cùng quân và dân trên đảo.
Chiến sỹ Nguyễn Minh Khang (SN 1996, trợ lý chỉ huy đảo Trường Sa) chia sẻ: “Vui nhất là được tham gia gói bánh chưng đón tết anh ạ. Cảm giác gần gũi, thân thương chả khác là mấy so với ở đất liền, khi quây quần bên nồi bánh đêm ba mươi cùng bố mẹ canh đón giao thừa”. Bánh chưng chín, mâm cỗ bày ra trang trọng dâng lên Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Trường Sa; Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng thỉnh ước Bác Hồ, những đồng đội đã khuất về vui Tết với huyện đảo Trường Sa.
Đêm giao thừa, các cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và các lực lượng đóng quân trên đảo thường tập trung tại hội trường lớn của đảo để cùng nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước qua cầu truyền hình trực tiếp, sau đó nghe Chỉ huy đảo chúc Tết và tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, hái hoa dân chủ “Mừng Đảng, mừng Xuân”. Hội trường trang trí bắt mắt với tâm điểm là những cành mai, chậu quất cảnh mang ra từ đất liền. Lúc này, tuy không thể cùng đoàn tụ với gia đình, song mỗi người lính Trường Sa đều rất tự hào về nhiệm vụ của mình: Chắc tay súng, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và bảo vệ sự bình yên cho đất nước.