Men rượu cần nồng nàn khiến lòng người chếch choáng, con đường đến với Rơ Măm nơi cuối trời biên giới Mô Rai xa ngái cũng vì sự nồng đượm này mà gần đi trong cảm nhận. Đến với Mô Rai, được cùng người Rơ Măm đón “Tết cơm mới” là điều vô cùng thú vị mà không phải ai cũng có cơ hội được thưởng ngoạn.
Làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy cách thành phố Kon Tum gần 100km. Con đường đến làng Le sâu hun hút, quanh co nằm lọt thỏm giữa núi rừng, hai bên đường- một màu hoa đuôi chồn phủ trắng.
Theo già làng A Ren, đối với người Rơ Măm, lễ “Tết cơm mới” chứa đựng những khát vọng, ước muốn chinh phục tự nhiên mong có cuộc sống no đủ, tốt lành…Người Rơ Măm sẽ chuẩn bị các nghi thức cho việc tổ chức lễ hội “Tết cơm mới” vào cuối tháng 11, 12 (Dương lịch), khi hạt lúa, hạt bắp đã được đem về cất kỹ trong nhà lúa trên rẫy.
Những phụ nữ trong làng cùng nhau thổi lửa nấu cơm lam, chuẩn bị cho lễ hội
Lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày, tuy nhiên, trước đó cả tháng dân làng phải chuẩn bị các vật dụng, nghi lễ, lễ vật…Khi ngày giờ đã được ấn định, tất cả gia đình bắt tay vào chuẩn bị rượu, gạo, trâu, bò, heo, gà... Đàn ông sẽ lên dây chiêng, sửa lại đàn. Đàn bà, con gái khẩn trương dệt nốt những bộ váy áo đẹp cho mình và người thân trong gia đình để kịp mặc trong ngày hội. Các thanh niên trai tráng sẽ được già làng phân công nhiệm vụ cụ thể, vào rừng tìm cây tre già thẳng ngọn, cây lồ ô giữa bụi để làm cây nêu...
Sau khi các bước chuẩn bị đã hoàn tất, già làng sẽ tổ chức cái lễ nhỏ. Trong lễ này, sẽ có một con gà, một ghè rượu để thông báo với Giàng và xin phép để làng làm cây nêu. Những người khéo tay nhất trong làng được tuyển chọn làm cây nêu cho lễ hội. Cây nêu lúc này không còn là cây tre bình thường nữa, mà nó là một vật thiêng, là đường lên xuống, là cầu nối, là mối liên hệ giữa dân làng với cõi trên.
Lễ “Tết cơm mới” được chia làm 3 ngày với các lễ vật như dê trắng, dê đen, gà trắng, gà đen, trâu trắng và trâu đen đem tới nhà rông truyền thống để làm vật hiến tế cho Giàng.
Ngày thứ nhất, khi mặt trời vừa thức dậy, các gia đình mang lễ vật gồm heo, gà, rượu lên rẫy để mở cửa kho lúa. Đến nơi, đàn bà nhóm lửa, đàn ông chuẩn bị các điều kiện và nghi lễ cần thiết. Ông chủ làm cầu thang cho hồn lúa theo đó bò về nhà, làm thịt heo, gà cắt tiết, gan con vật đặt lên tai ghè, gắn cây nến nhỏ bằng sáp ong được thắp sáng lên miệng ghè và bắt đầu cầu khấn và xin được no đủ cùng những điều tốt lành.
Dân làng chuẩn bị lễ vật để dâng lên Giàng để cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến
Sau khi chủ nhà khấn xong, lấy rượu trong ghè tưới trước cửa kho lúa, lấy máu con vật hiến sinh vẩy lên cửa kho và mở cửa kho để người đàn bà lấy những gùi lúa đầu tiên. Sau đó, chủ nhà cài cành lá xanh lên cửa kho làm dấu và mọi người gùi lúa về làng. Lúc này, tại nhà Rông, già làng tiến hành nghi lễ cộng đồng với sự có mặt của tất cả các chủ gia đình. Khi già làng làm lễ xong, các chủ gia đình lấy ý thiêng từ "Ngọn lửa thần" trên miệng ghè của cộng đồng về nhà mình để nhóm lửa tại từng bếp gia đình và chuẩn bị cho bữa cơm mới đầu năm.
Ngày thứ hai,già làng sẽ buộc con heo nhỏ vào cây nêu, cắm cần rượu nghi lễ xin phép giàng: "Hôm nay dân làng làm lễ mở cửa kho lúa, làng có ăn trâu, đây là con trâu của Giàng, xin Giàng hãy vui lòng nhận lấy và hãy giúp đỡ chúng tôi có nhiều trâu hơn, nhiều lúa nhiều bắp, để dân làng được no đủ...". Đến ngày cuối của lễ được gọi là ngày ăn đầu trâu, già làng làm lễ hạ Giàng. Đám rước Giàng và đầu trâu lên nhà Rông, già làng làm lễ tại nhà Rông. Lúc này, già làng tiến hành một cách cẩn thận nghi thức rất quan trọng là Lễ rửa Giàng.
Rượu ghè là thức uống không thể thiếu mỗi khi dân làng tổ chức lễ hội
Dân làng sẽ lấy rượu ghè pha với các loại lá rừng, thành một thứ nước màu, có mùi thơm để rửa vật tổ một cách cẩn thận vào giỏ và gắn cây nến nhỏ làm bằng sáp ong được thắp sáng lên miệng giỏ và bắt đầu một lời khấn Giàng… làm cho dân làng được nhiều lúa ở vụ sau, dân làng không đau ốm dịch bệnh, hẹn sang năm làng lại tiếp tục làm lễ mời Giàng cùng tham dự.
Sau khi khấn xong, già làng đặt Giàng lên đúng vị trí trang trọng nhất trên nóc nhà Rông trong niềm vui mãn nguyện của lòng thành đã được chứng giám. Dân làng sau khi tham gia lễ sẽ cảm thấy mình như được gột rửa toàn bộ những phàm tục của đời thường, những gian khổ và tội lỗi được tẩy trần.
Sau phần nghi lễ trang trọng, làng tập trung ở sân nhà Rông cùng hát múa, thưởng thức cơm lam, mời nhau ché rượu cần. Chúng tôi thấy được những khát vọng, ước muốn chinh phục tự nhiên, mong có cuộc sống tốt hơn của đồng bào Rơ Măm trong “Tết cơm mới”. “Tết cơm mới” cũng là dịp để người dân vui chơi sau một mùa vụ vất vả, là dịp để con cháu nhớ về cội nguồn, tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ, cũng là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết một lòng của đồng bào Rơ Măm. Mong rằng theo thời gian, dù cộng đồng người Rơ Măm là một trong 7 dân tộc có dân số ít nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nhưng tại làng Le, người Rơ Măm sẽ luôn gìn giữ và lưu truyền những nét văn hóa đặc sắc cho hậu thế.
Tất cả già trẻ, trai gái trong làng quây quần bên cây nêu nhảy múa, ca hát theo điệu chiêng