Nhịp cầu Công lý

Tây Ninh: Giải quyết tranh chấp không đúng thẩm quyền bị Toà huỷ bỏ

Phong Vân 06/09/2024 - 09:45

Tranh chấp phần đất giáp ranh có diện tích 28,4m² đã được UBND hai cấp ở Tây Ninh ban hành nhiều quyết định giải quyết. Tuy nhiên các quyết định hành chính đó đã bị Tòa án tuyên hủy vì không đúng thẩm quyền nên sau hơn 35 năm theo kiện, giờ đây các bên tranh chấp phải trở về vạch xuất phát.

Tranh chấp 28,4m² đất giáp ranh

Năm 1986, vợ chồng ông Đặng Văn Hoài ký giấy nhượng đất ở cho vợ chồng bà Trần Thị Đỉnh, ông Nguyễn Văn Hưng với chiều ngang 6m, dài 20m, được UBND phường 1 và Phòng nhà đất thị xã Tây Ninh chấp thuận.

Ngày 13/6/1987, vợ chồng bà Đỉnh cất thêm một chái nhà trước cửa thì ông Đặng Minh Hai tranh chấp cho rằng phần đất này (phần sân trước nhà bà Đỉnh) là của ông Hai.

Sau đó, vợ chồng bà Đỉnh làm đơn xin hợp thức hoá nhà đất, đến ngày 23/6/1987, Sở Xây dựng Tây Ninh cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà đất cho vợ chồng bà Đỉnh với diện tích đất là 120m². Ông Đặng Minh Hai khiếu nại.

khu-dat-tranh-chap(1).jpg
Phần đất tranh chấp

Ngày 21/4/1988, UBND thị xã Tây Ninh ban hành Quyết định số 143/QĐ-UB, chấp thuận phần sân trước nhà bà Đỉnh là thuộc quyền sử dụng của bà Đỉnh, không chấp nhận việc khiếu nại của ông Hai.

Do ông Hai tiếp tục khiếu nại nên ngày 18/01/1989, các ban ngành thị xã tiến hành lập biên bản, đo đạc lại tổng diện tích đất của bà Đỉnh và phần đất tranh chấp (sân). Cụ thể, phần đất bà Đỉnh mua là 111,65m², ngang 5,5m; dài 20,3m; Phần đất tranh chấp: ngang 5,5m; dài 5,5m, tổng diện tích 30,25m². Việc đo đạc được hai bên tranh chấp bà Trần Thị Đỉnh và ông Đặng Minh Hai thừa nhận là chính xác và ký tên vào biên bản.

Sau đó, UBND thị xã Tây Ninh tổ chức thực hiện Quyết định số 143. Ông Hai không đồng ý và khiếu nại.

Ngày 18/12/1992, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 370/QĐ-UB, công nhận Quyết định số 143/QĐ-UB ngày 21/4/1988 của UBND thị xã Tây Ninh, công nhận phần đất tranh chấp có diện tích 25m² cho bà Đỉnh.

Đến ngày 12/8/2002, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 89/QĐ-CT, thu hồi Quyết định số 370/QĐ-UB. Tuy nhiên, ngày 25/5/2006 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 35/QĐ-UBND thu hồi Quyết định số 89/QĐ-CT ngày 12/8/2002 của UBND tỉnh, giữ nguyên Quyết định số 370/QĐ-UB ngày 18/12/1992 của UBND tỉnh công nhận cho bà Đỉnh được quyền sử dụng phần đất tranh chấp.

Tuy nhiên, Quyết định số 35/QĐ-UBND không ghi tứ cận nên ngày 31/12/2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3096/QĐ-UBND, bổ sung Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 25/5/2006 của UBND tỉnh về tứ cận đất tranh chấp.

Ngày 16/8/2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1533/QĐ-UBND điều chỉnh điều chỉnh, bổ sung một phần Quyết định số 35/QĐ-UBND; Quyết định số 3096/QĐ-UBND, công nhận phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của vợ chồng bà Trần Thị Đỉnh có diện tích 28,4m².

Ngày 20/12/2010, UBND tỉnh Tây Ninh tiếp tục ban hành Quyết định số 1381/QĐ-UBND điều chỉnh Điều 1 Quyết định số 1533/QĐ-UBND, công nhận cho vợ chồng bà Trần Thị Đỉnh được quyền sử dụng diện tích 28,4m² đất tranh chấp. Buộc gia đình ông Đặng Minh Hai và ông Mai Thành Phương có trách nhiệm giao lại diện tích đất lấn chiếm cho vợ chồng bà Đỉnh.

Tòa án hủy các quyết định do không đúng thẩm quyền

Không đồng ý với các quyết định của UBND tỉnh Tây Ninh, bà Đặng Thị Gấm (con ông Đặng Minh Hai) khởi kiện yêu cầu hủy các quyết định hành chính.

Tại bản án phúc thẩm số 733/2022/HC-PT ngày 06/9/2022 của TAND cấp cao tại TP.HCM nhận định, tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai 2003 thì "Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Toà án nhân dân giải quyết".

Ông Hưng và bà Đỉnh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất ngày 23/6/1987, theo "Đơn xin hợp thức hóa nhà đất". Năm 1990, UBND thị xã Tây Ninh đã cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký ruộng, đất số 114/ĐKRĐ, diện tích 120 m² cho ông Hưng và Giấy chứng nhận đăng ký ruộng, đất số 129/ĐKRĐ, diện tích 469 m² cho ông Hai (các loại giấy tờ trên là các loại giấy tờ theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 50 Luật đất đai 2003).

ban-an-cua-toa-cap-cao-tai-tp.hcm(1).jpg
Bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy các quyết định hành chính của UBND tỉnh Tây Ninh

Ngày 04/5/2005, ông Đặng Minh Hai được UBND tỉnh Tây Ninh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC199228, số vào số H00270/P1, diện tích đất 428,1 m², thửa số 162, tờ bản đồ số 75.

Như vậy, đến năm 2006 (là thời điểm Luật đất đai 2003 đã có hiệu lực thi hành), sự việc tranh chấp giữa bà Trần Thị Đỉnh và ông Đặng Văn Hai đã có đầy đủ các giấy tờ để áp dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 136, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Tuy nhiên, ngày 26/5/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 35/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Trần Thị Đỉnh có nội dung tiếp tục giải quyết tranh chấp đất đai của bà Đỉnh với ông Hai là không đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, Điều 136 Luật đất đai 2003.

Mặt khác, ngày 13/6/2012, Chủ tịch UBND TP. Tây Ninh ban hành Quyết định số 403/QĐ-UBND về áp dụng biện pháp cưỡng chế để thực hiện Quyết định số 1533/QĐ-UBND ngày 16/8/2010 và Quyết định số 2381/QĐ-UBND ngày 20/12/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh. Với nội dung buộc phá bỏ cây trái, vật kiến trúc trong phạm vi 6,3 m² và buộc giao trả đất.

Qua đó thể hiện trên đất có cây trái, công trình kiến trúc, tường rào, mái che là tài sản trên đất nên việc tranh chấp đất đai này phải do Tòa án giải quyết. Đúng ra, cơ quan có thẩm quyền phải hướng dẫn gia đình bà Trần Thị Đỉnh và gia đình bà Đặng Thị Gấm khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất (ranh đất) thì mới giải quyết triệt để, toàn diện vụ án.

Từ nhận định trên, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên hủy tất cả các quyết định hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, UBND thị xã Tây Ninh.

Hiện nay, vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Trần Thị Đỉnh, ông Nguyễn Văn Hưng với bà Đặng Thị Gấm đang được TAND TP. Tây Ninh thụ lý, giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Ninh: Giải quyết tranh chấp không đúng thẩm quyền bị Toà huỷ bỏ