Tập trận Mỹ - Hàn: “Phép thử” khả năng hạt nhân của Triều Tiên?

Nhật Minh| 09/03/2016 06:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có ý kiến cho rằng Mỹ - Hàn đang "đổ thêm dầu vào lửa" khi quyết định tiến hành cuộc tập trận thường niên. Tuy nhiên, cũng có thể đây chính là phép thử khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đến đâu...

Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang nghiêm trọng, ngày 7/3, cuộc tập trận thường niên giữa quân đội hai nước Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu diễn ra theo kế hoạch, bất chấp sự chỉ trích gay gắt và tuyên bố sẽ “tấn công phủ đầu” bằng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tập trận Mỹ - Hàn: “Phép thử” khả năng hạt nhân của Triều Tiên?

Một vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên

Với quy mô được đánh giá lớn nhất từ trước tới nay, cuộc tập trận năm nay quy tụ hơn 300.000 binh sĩ Hàn Quốc, 15.000 binh sĩ Mỹ, cùng hàng loạt khí tài hiện đại. Cuộc tập trận chia làm 2 phần: Giải pháp Then chốt và Đại bàng non, kéo dài đến hết 30/4. Đáng lưu ý, ở Giải pháp Then chốt, quân đội hai nước sẽ tiến hành Kế hoạch Tác chiến 5015 (OPLAN 5015) với kịch bản triển khai giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt và đánh phủ đầu Triều Tiên. Phía Seoul cũng khẳng định “không rời mắt” khỏi bất kỳ động thái nào của Bình Nhưỡng trong suốt quá trình diễn ra tập trận; và sẽ “đáp trả mạnh gấp 10 lần” nếu Triều Tiên cố tình khiêu khích.

Thực tế, những cuộc tập trận chung thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc thường làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2016, tình hình đặc biệt bất ổn, có thời điểm tưởng chừng tất cả mọi nỗ lực nhằm duy trì “mối hòa khí xã giao” giữa hai miền sẽ hoàn toàn vô tác dụng. Ngày 3/3, HĐBALHQ đã thông qua biện pháp trừng phạt mới nhằm gây sức ép lên Triều Tiên sau tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch và phóng vệ tinh vào quỹ đạo (mà Hàn Quốc cho là tên lửa tầm xa) thời gian gần đây.

Đáp trả, cùng ngày 3/3, Triều Tiên phóng một số tên lửa tầm ngắn ra vùng biển ngoài khơi phía đông nước này. Ngay ngày hôm sau, 4/3, Chủ tịch Kim đã hạ lệnh yêu cầu đặt toàn bộ vũ khí hạt nhân trong tình trạng báo động hoàn toàn, và có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Một số chuyên gia quốc tế nghiên cứu tình hình Triều Tiên trong nhiều năm qua cho rằng, phản ứng của Bình Nhưỡng không có gì đáng ngạc nhiên, thậm chí hoàn toàn nằm trong dự liệu, nhất là sau khi bị áp đặt lệnh trừng phạt mới và sắp đến thời điểm diễn ra tập trận chung Mỹ - Hàn.

Tập trận Mỹ - Hàn: “Phép thử” khả năng hạt nhân của Triều Tiên?

Cuộc tập trận thường niên năm 2016 giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc được xem là lớn nhất từ trước tới nay

Cộng đồng quốc tế tỏ ra lo ngại về tình hình nóng bỏng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay. Trong khi Giáo sư Nghiên cứu Đông Á Rüdiger Frank cho rằng, lệnh trừng phạt mới nhất đối với Bình Nhưỡng chẳng khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”, thì ngày 8/3, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc lại đưa tin, chính phủ nước này có khả năng công bố biện pháp trừng phạt đơn phương bổ sung đối với Triều Tiên. Đặc biệt, đây sẽ lần đầu tiên Hàn Quốc áp đặt các biện pháp phong tỏa tài sản và hạn chế đi lại đối với các thực thể và cá nhân của Triều Tiên.

Có vẻ như tình hình hiện nay đang diễn ra ngoài dự đoán của nhiều nhà phân tích. Năm ngoái, chính Lầu Năm Góc đã phải quyết định tạm hoãn cuộc tập trận thường niên “Người bảo vệ tự do Ulchi” với Hàn Quốc do căng thẳng với Triều Tiên leo thang và Bình Nhưỡng dọa tiến hành chiến tranh. Nhiều người bình luận, phải chăng Chủ tịch Kim đang chơi lại “quân bài” năm trước khi Triều Tiên tuyên bố “tấn công phủ đầu” bằng vũ khí hạt nhân và bắn một loạt tên lửa tầm ngắn sau khi bị HĐBALHQ ra nghị quyết trừng phạt mới?

Tuy nhiên, việc lặp lại một sách lược, nếu đúng, ắt hẳn cũng chỉ nhằm “dụ” đối phương tung đòn trước mà thôi; bởi thực tế, cuộc tập trận Ulchi 2015 sau đó đã được nối lại. Những gì mà mọi người đang chờ đợi lúc này là, nếu Mỹ - Hàn quyết tâm không lùi bước, Triều Tiên liệu có tung kho vũ khí hạt nhân để tấn công như đã tuyên bố hay không?

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết, mục đích của nghị quyết trừng phạt mới là nhằm gia tăng áp lực và hối thúc các lãnh đạo cấp cao của Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân. Tuy nhiên, điều này có khả năng hay không thì hoàn toàn không thể nói trước được, đối với một chính quyền “chứa nhiều bí mật” như nhà lãnh đạo Kim Jong-Un.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trận Mỹ - Hàn: “Phép thử” khả năng hạt nhân của Triều Tiên?