Tập huấn thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán

Mai Đỉnh| 14/07/2022 16:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 14/7, tại Hà Nội, TANDTC tổ chức Tập huấn về “Thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán trong việc thi hành Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự”. Khóa tập huấn do TANDTC phối hợp với Liên minh Châu Âu (EU) và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức.

Chương trình tập huấn do đồng chí Trần Văn Thư - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế TANDTC chủ trì. Đến dự còn có đồng chí Đặng Quang Phương - nguyên Phó Chánh án Thường trực TANDTC; ông Jesus Lavina, Phó trưởng bộ phận hợp tác, Phái đoàn EU tại Việt Nam; ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cùng các đại biểu là Thẩm phán, cán bộ Tòa án đến từ TAND các tỉnh khu vực phía Bắc.

img_0500.jpg
Quang cảnh buổi Tập huấn

Mục tiêu của khóa tập huấn nhằm cung cấp cho học viên một số quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và mối liên hệ của hai bộ luật này với Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán mà các Thẩm phán cần chú ý trong việc giải quyết các vụ án hình sự; thảo luận về giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cũng như kỹ năng cần chú ý khi soạn thảo bản án hình sự.

img_0497.jpg
Ông Trần Văn Thư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC phát biểu tại buổi Tập huấn

Phát biểu chủ trì buổi tập huấn, ông Trần Văn Thư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC đã chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế về quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán như: Một số nguyên tắc, mạng lưới về đạo đức tư pháp; Giới thiệu Bộ quy tắc đạo đức tư pháp của một số nước; Ứng xử của Thẩm phán Việt Nam với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài... Trong đó, một số nguyên tắc, mạng lưới về đạo đức tư pháp nổi bật như: Nguyên tắc Bangalore về đạo đức tư pháp; Mạng lưới liêm chính toàn cầu; Bộ quy tắc đạo đức tư pháp của Hoa Kỳ, Singapore, Israel...

Ông Trần Văn Thư cho biết, Thẩm phán Việt Nam là người được Chủ tịch nước bổ nhiệm để nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Trọng trách của Thẩm phán rất nặng nề, sứ mệnh của Thẩm phán rất cao quý. Xét xử là công việc rất khó khăn, vất vả, rủi ro, nguy hiểm và nhiều cám dỗ, bởi đó là quá trình đi tìm sự thật được che giấu một cách tinh vi. Nếu không rèn luyện cho mình bản lĩnh vững vàng, sự liêm chính, trong sạch, thẳng thắn, trung thực thì Thẩm phán sẽ không thể hoàn thành trọng trách.

img_0503.jpg
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định UNDP luôn sẵn sàng ủng hộ Việt Nam trong công tác tiến trình thúc đẩy về tư pháp. 

Để xây dựng những chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ Thẩm phán phấn đấu, rèn luyện và thực hiện, ngày 4/7/2018, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đã ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử Thẩm phán.

Bộ quy tắc đã hệ thống những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử, là kim chỉ nam đối với các hành vi ứng xử của Thẩm phán trong công việc cũng như trong đời sống hàng ngày. Bộ Quy tắc đã quy định rõ ràng, cụ thể các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, hành vi Thẩm phán không được làm hoặc phải tránh để đảm bảo sự liêm chính; là cơ sở để xem xét và xử lý kỷ luật đối với Thẩm phán nếu có hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử.

img_0506.jpg
Ông Jesus Lavina, Phó trưởng bộ phận hợp tác, Phái đoàn EU tại Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn

Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, chúng ta đang hướng đến mục tiêu chung đó là liêm chính tư pháp. Những quy tắc được giới thiệu trong buổi tập huấn này không chỉ giới thiệu trong một quốc gia mà còn mang tầm cỡ quốc tế. Đây là những quy tắc được coi là những điều kiện tiên quyết trong quá trình xây dựng lên Nhà nước pháp quyền, và những quy tắc này không chỉ tuân theo đối với mỗi Thẩm phán mà còn nó có được sự tôn trọng nhất định từ các cán bộ tư pháp liên quan khác như Luật sư, Kiểm sát viên…

Thông qua buổi tập huấn này, ông Jesus Lavina khẳng định UNDP luôn sẵn sàng ủng hộ Việt Nam trong công tác tiến trình thúc đẩy về tư pháp, cũng như xây dựng Nhà nước pháp quyền, từ đó để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.

Chia sẻ về hệ thống tư pháp ở các quốc gia ở Châu Âu, ông Jesus Lavina, Phó trưởng bộ phận hợp tác, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho hay, các bộ quy tắc ứng xử của Thẩm phán đã được phổ cập từ nhiều năm qua và không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn dành cho 27 quốc gia thành viên EU.

Theo ông Jesus Lavina những điểm quy tắc được giới thiệu hôm nay khá là mới, do đó việc đào tạo cho các Thẩm phán - những người được coi là biểu tượng của sự đạo đức và liêm chính là hết sức quan trọng. Thông qua việc đào tạo này các Thẩm phán sẽ tuân thủ tốt và tuyệt đối hơn các quy tắc mới, từ đó đảm bảo tốt hơn nguyên tắc về quyền được xét xử công bằng; tăng cường chất lượng của tư pháp, đảm bảo quyền lợi của người dân và nâng cao niềm tin của dân chúng đối với hệ thống tư pháp.

img_0512.jpg
Các đại biểu tham gia buổi tập huấn chụp ảnh lưu niệm

Tại buổi tấp huấn, các Thẩm phán và đại biểu đã tham gia thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực mang đến thành công cho Tập huấn thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán trong việc thi hành BLHS và BLTTHS.

Khóa tập huấn này được đánh giá hữu ích đối với Thẩm phán, cán bộ Tòa án. Ngoài ra, đây không chỉ là diễn đàn để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm mà còn là dịp để các Thẩm phán trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết về cách giải quyết những tình huống khó xử liên quan đến đạo đức, tập trung vào các yêu cầu mà Thẩm phán cần chú ý khi xét xử.

Lớp tập huấn được diễn ra từ ngày 14 - 15/7/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập huấn thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán