Theo Đại biểu Trần Hữu Hậu, muốn có thị trường điện cạnh tranh phải tách bạch rõ ràng giữa kinh doanh với quản lý nhà nước, giữa kinh doanh với thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Hàng loạt vấn đề đang gây bức xúc, tranh cãi
Theo Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, nhiều nội dung đưa ra trong dự luật chưa tạo được hành lang thông thoáng và căn cứ pháp lý mạnh mẽ để phát triển ngành điện.
Theo đó, hàng loạt vấn đề đang gây bức xúc, tranh cãi liên quan đến ngành điện như: giá điện, mua bán điện, hòa điện lên lưới của các nhà máy ngoài EVN..., đại biểu Hậu cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do chưa có thị trường điện cạnh tranh.
Theo ông Hậu, muốn có thị trường điện cạnh tranh phải tách bạch 3 khâu then chốt của ngành điện là phát điện, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia, "đồng thời tách bạch rõ ràng giữa kinh doanh với quản lý nhà nước, giữa kinh doanh với thực hiện chính sách an sinh xã hội".
Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư nguồn điện, lưới điện
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, hiện nay đang thiếu điện nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn cắt giảm, sa thải sản lượng điện của các dự án điện mặt trời áp mái quy mô nhỏ đã ký với nhà đầu tư hợp đồng 20 năm không có điều khoản cắt giảm. "Trong khi EVN tăng giá điện là chưa đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về khuyến khích các dự án này".
Từ luật, đại biểu phân tích, điểm c khoản 2 Điều 5 dự thảo luật quy định "Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện, truyền tải điện, trừ lưới điện truyền tải điện do tư nhân đầu tư xây dựng".
Tuy nhiên, quy định này mâu thuẫn với khoản 5 Điều 5 quy định "xóa bỏ mọi độc quyền, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch... Các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật".
Đại biểu kiến nghị sửa lại điểm c khoản 2 Điều 5 theo hướng giới hạn "Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải cao áp và siêu cao áp".
Cùng quan điểm, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, dự thảo luật nên thiết kế các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu.
Đại biểu đề xuất, Nhà nước chỉ độc quyền về hệ thống điều độ, vận hành, sau đó cho doanh nghiệp sản xuất "thuê đường truyền tải theo thị trường".