Kinh tế

Luật Điện lực (sửa đổi): Tháo gỡ vướng mắc ở tầm luật

Duy Tuấn 07/11/2024 - 19:24

Đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị cân nhắc lược bỏ hoặc quy định khái quát hơn tại dự thảo Luật Điện lực và giao Chính phủ quy định chi tiết, không luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 8, chiều 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Tránh sa vào những vấn đề quá cụ thể

Nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện lực và mục tiêu dự án Luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại 1 kỳ họp..., Đại biểu Đỗ Đức Hiển- Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tập trung vào những vấn đề lớn, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế ở tầm luật.

doduchien.jpeg
Đại biểu Đỗ Đức Hiển- Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.

Đại biểu chỉ rõ, dự thảo Luật vẫn còn có nội dung được luật hóa từ các văn bản dưới luật (chẳng hạn, Mục 2 Chương 7 quy định về an toàn điện (luật hóa từ Nghị định số 14/2014/NĐ-CP); một số nội dung còn khá chi tiết, thậm chí có sự trùng lặp (như các quy định về giấy phép hoạt động điện lực tại Chương V); một số nội dung là hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện các việc cụ thể như hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án...

"Những nội dung này cần được cân nhắc lược bỏ hoặc quy định khái quát hơn tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm yêu cầu luật quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, thuộc thẩm quyền Quốc hội, không luật hóa các quy định của nghị định và thông tư, tránh sa vào những vấn đề quá cụ thể".

Sớm đưa các dự án điện lực đi vào triển khai

Về cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ, đây là các quy định về cơ chế đặc thù, mang tính quy phạm để áp dụng chung cho các trường hợp kể từ khi Luật này có hiệu lực thi hành hay là các quy định áp dụng cho các dự án hiện nay đang chậm tiến độ.

hien3.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

"Nếu các nội dung được quy định tại Điều 17 dự thảo Luật là các phương án cụ thể để xử lý các dự án chậm tiến độ thì cần lược bỏ các quy định này vì nằm ngoài nội dung của chính sách về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực (như ý kiến của Ủy ban KH,CN&MT đã nêu). Mặc dù dự thảo Luật mới tuy đã lược bỏ quy định này nhưng vẫn tiếp tục quy định thế nào là dự án chậm tiến độ và quy định này cũng sẽ gây trùng dẫm với quy định của Luật Đầu tư"- đại biểu Hiển nêu quan điểm.

Tương tự, về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện theo phương thức PPP và đầu tư công: Khoản 2 Điều 27 quy định Hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu ... "Nhưng tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 lại quy định về các nội dung đặc thù, khác với pháp luật về đấu thầu".

hien2.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp

Đáng chú ý, đại biểu Hiển cho rằng, dự thảo Luật quy định việc đàm phán tiến hành 2 lần, tổng thời gian 12 tháng, trong đó 6 tháng sau khi phê duyệt kết quả đấu thầu, 6 tháng sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điện lực. "Bên mua điện và nhà đầu tư trúng thầu mới thực hiện đàm phán là quá dài và không phù hợp với mục tiêu đặt ra là rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục để sớm đưa các dự án điện lực đi vào triển khai".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Điện lực (sửa đổi): Tháo gỡ vướng mắc ở tầm luật