Kinh tế

Bảo đảm tính khả thi khi sửa Luật Điện lực

Duy Tuấn 26/10/2024 - 20:07

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, chiều 26/10, các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Dự thảo luật được Chính phủ đề xuất thông qua theo quy trình một kỳ họp.

Nhà đầu tư điện không dám làm

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, dự thảo tăng 60 điều, chủ yếu quy định, chính sách cho phát triển các lĩnh vực năng lượng mới.

dien1.jpeg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Dự thảo bổ sung cơ chế đặc thù phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư. Bởi có thực tế, quy hoạch điện 8 đã được ban hành một năm nay, nhưng tới giờ các nhà đầu tư vẫn uể oải, nghe ngóng cơ chế, không dám làm.

Dự thảo luật bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan đến cơ chế giá điện để thúc đẩy hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; bổ sung các quy định về sản lượng điện bao tiêu tối thiểu trong các dự án điện khí, giá khí cũng phải theo thị trường. Giá điện, giá truyền tải, điều độ… cũng sẽ theo thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.

Chỉ sửa những gì đã rõ, mang tính cấp bách

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, có thực trạng các dự án điện gặp vướng mắc liên quan tới quy hoạch. Vì thế, nếu sửa luật nhưng không sửa nguyên tắc quy hoạch, sẽ gây ra vướng mắc khác.

thanh1.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

“Vì vậy việc sửa đổi luật rút gọn trong một kỳ chỉ sửa những gì đã rõ và mang tính cấp bách. Những vấn đề nào chưa rõ và thống nhất cao thì để sau. Cũng phù hợp với tinh thần đổi mới trong làm luật", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Cùng quan điểm, Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, lưu ý: "Đây là luật liên quan đến nhiều luật nên cần rà soát để tránh chồng chéo".

Đi vào cụ thể, Đại biểu Lê Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đề nghị bổ sung quy định: Đối với các trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì yêu cầu phòng quản lý tài nguyên các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố "phải thể hiện đường dây điện cao, hạ áp đi qua và có trên mặt bằng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất".

Lý do, hiện có rất nhiều hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên đường điện đã được xây dựng từ trước, nên các chủ đầu tư, hộ gia đình xây dựng nhà vẫn yêu cầu ngành điện phải di chuyển đường điện ra ngoài mảnh đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, "như vậy là không hợp lý, đúng quy định".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm tính khả thi khi sửa Luật Điện lực