Giáo dục

Tạo đột phá đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới

Minh Lý 29/11/2023 - 07:54

Chiều 28/11, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cùng các bộ, ngành liên quan, một số địa phương về tình hình triển khai nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Công tác đổi mới giáo dục, đào tạo đang đi đúng hướng

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã báo cáo về tình hình triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Theo đó, đến nay, về cơ bản tiến độ công việc đã được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.

Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT đã phối hợp với các cơ quan, bộ ngành liên quan thành lập Ban Chỉ đạo; ban hành và triển khai Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Đến nay, 63 tỉnh ủy, thành ủy và 18 bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã gửi báo cáo tổng kết Nghị quyết 29 về Bộ GDĐT.

Dự thảo Đề án trình tổng kết Nghị quyết 29 đã nhận định rõ những thành tựu quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua, với những đóng góp to lớn vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

bo-truong-bo-gddt-nguyen-kim-son-bao-cao-tai-cuoc-lam-viec..png
Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn báo cáo tại cuộc làm việc

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ban, ngành, cơ quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo dục để hoàn thiện dự thảo Đề án, trình các cấp có thẩm quyền theo kế hoạch đã đề ra.

Các ý kiến trao đổi tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá công tác đổi mới giáo dục, đào tạo đang đi đúng hướng nhưng nguồn lực dành cho lĩnh vực này, cả nhân lực, vật lực, tài lực, cần được quan tâm sâu sát hơn để bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện. Đồng thời, đưa ra những nhận định về tồn tại, hạn chế cần khắc phục và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết 29 trong giai đoạn tiếp theo.

Xác định những định hướng lớn, tiếp tục kiên định triển khai

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, công tác tổng kết 10 năm thực hiện cần bám sát nội dung đề ra trong Nghị quyết số 29/NQ-TW, Kết luận số 51/KL-TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW, từ công tác thể chế hóa đến tổ chức triển khai thực hiện.

Phó thủ tướng lưu ý, công tác tổng kết, đánh giá không chỉ liệt kê đầy đủ những nội dung, nhiệm vụ đã triển khai, cần tập trung làm rõ nguyên nhân, bất cập, tình trạng thiếu phối hợp, kết nối, liên thông, đồng bộ giữa các bộ, ngành, nhiệm vụ đặt ra trong nghị quyết dẫn đến tình trạng “văn bản có đầy đủ nhưng làm không được”, “chủ trương đúng, nhưng hiểu và vận dụng chưa thông”.

pho-thu-tuong-tran-hong-ha-phat-bieu-tai-cuoc-hop..png
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận cuộc làm việc

Cùng với đó, hệ thống quan điểm, tư duy, phương pháp thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo cần được đánh giá, nhìn nhận lại trong bối cảnh nền giáo dục quốc tế đang thay đổi rất mạnh mẽ, nhằm xác định những định hướng lớn tiếp tục kiên định triển khai; đồng thời bổ sung các vấn đề, đòi hỏi mới về thực tiễn, lý luận, tạo đột phá hơn nữa đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới. “Đổi mới giáo dục, đào tạo cần cách tiếp cận liên ngành, gắn với yêu cầu của xã hội, nền kinh tế, cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay”, Phó thủ tướng chỉ rõ.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của Nghị quyết số 29/NQ-TW để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, phát triển nguồn nhân lực trong xu thế chuyển đổi mô hình phát triển trên thế giới từ dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng trước bối cảnh, yêu cầu trong nước và quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng trong kỷ nguyên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, thì hệ thống quan điểm, tư duy, phương pháp thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo cần được đánh giá, nhìn nhận lại. Từ đó, xác định những định hướng lớn tiếp tục kiên định, kiên trì triển khai; đồng thời bổ sung các vấn đề, đòi hỏi mới từ thực tiễn, lý luận, tạo đột phá hơn nữa đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới.

"Đổi mới giáo dục, đào tạo cần cách tiếp cận liên ngành, gắn với yêu cầu của xã hội, nền kinh tế cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay", Phó Thủ tướng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới