Phát biểu kết thúc phần chấn vấn thuộc lĩnh vực Y tế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng khi dùng thực phẩm chức năng…
Xây dựng văn bản phù hợp để quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, ban hành cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế, góp phần thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Ngành y tế đã chủ động ứng phó hiệu quả trong các tình huống thiên tai; nguồn cung ứng thuốc cơ bản được bảo đảm, giá thuốc cơ bản được duy trì bình ổn; công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đạt nhiều kết quả tích cực; nhiều giải pháp truyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được từng bước triển khai tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như: Nhân lực phục vụ công tác quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh còn thiếu, trong đó có nhân lực làm công tác cấp giấy hành nghề và giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Việc chuyển đổi số còn chậm. Sản xuất thuốc trong nước chưa có tính cạnh tranh cao và phát triển thiếu bền vững. Việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng. Công tác quản lý hoạt động quảng cáo thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội còn gặp khó khăn. Công tác ứng phó trong các tình huống thiên tai còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các vùng hay xảy ra ngập lụt, giao thông bị chia cắt; việc bảo đảm thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ phòng, chống thiên tai còn hạn chế.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, các Bộ liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị quyết số 99 ngày 24/6/2023 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030. Xây dựng kế hoạch tổ chức mua sắm, dự trữ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, sẵn sàng cấp phát hỗ trợ các đơn vị, địa phương.
Hoàn thiện quy trình thẩm định cấp giấy phép theo hướng tinh gọn, minh bạch và rút ngắn thời gian; tăng cường năng lực quản lý, nhân sự thực hiện công tác quản lý nhà nước và huy động sự tham gia hiệu quả các hội nghề nghiệp công tác này. Đẩy mạnh chuyển đổi số; nâng cấp hệ thống quốc gia quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
Tập trung triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thuốc, vắc xin, thiết bị y tế, khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và phát triển công nghiệp dược. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân để hiểu đúng khi dùng thực phẩm chức năng.
Khẩn trương đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội việc sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; nghiên cứu báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương xây dựng văn bản phù hợp để quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh thực phẩm chức năng
Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu về việc quản lý thực phẩm chức năng, quản lý mỹ phẩm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành đối với thực phẩm chức năng, cũng như mỹ phẩm, chúng ta quản lý theo cơ chế hậu kiểm. Theo cơ chế này, tổ chức cá nhân phải chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, đăng ký kinh doanh, đơn vị có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tiến hành công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế hoặc là Sở Y tế. Tùy theo từng loại sản phẩm, cơ quan quản lý sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định pháp luật về thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Công thương cũng trình Chính phủ ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Trong đó, đã có các quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; có định nghĩa liên quan tới hàng nhập lậu.
Đối với việc bán sản phẩm trên website hoặc trên trang thương mại điện tử, tổ chức hội thảo để lừa dối người tiêu dùng đặc biệt là người cao tuổi, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng và mỹ phẩm theo hướng: Quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh, cũng như tăng các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm. Đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo 389, các lực lượng như hải quan, biên phòng, quản lý thị trường và các tổ chức liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra, ngăn chặn lưu thông hàng hóa trái phép trên thị trường. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương để phát hiện những hành vi sai phạm và xử lý theo quy định…
Báo cáo, giải trình làm rõ một số vấn đề liên quan được nêu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của ngành y tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan địa phương liên quan tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bộ đã tham gia hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng trình Quốc hội nhiều dự án Luật, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đôn đốc, kiểm tra công tác tổ chức thực hiện tại các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở.