Tâm điểm dư luận

Tăng cường kỷ cương lập pháp

Trung Nguyễn 25/05/2023 - 08:39

Vấn đề kiểm soát quyền lực để phòng, chống "lợi ích nhóm", "tham nhũng chính sách" trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật từng được TS.Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ tịch Quốc hội đề cập tại Hội nghị “Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho đại biểu Quốc hội”.

Vấn đề này cũng được nhiều đại biểu quan tâm khi Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023. Một số đại biểu cho rằng, hoạt động lập pháp vẫn còn có những hạn chế nhất định, đặc biệt là quá trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh còn có biểu hiện cài cắm lợi ích.

Có thể nhận thấy rằng, trong tất cả các quy trình ban hành chính sách, các quy trình quyết định, thực hiện các công việc của Nhà nước, thì quy trình lập pháp là quy trình được quy định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể và phức tạp nhất, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ hoạt động lập pháp. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn còn một số hạn chế, dẫn đến hiệu quả kiểm soát quyền lực để phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng từ hoạch định chính sách chưa cao.

Trong quá trình soạn thảo luật, việc lấy ý kiến đối với dự thảo và kể cả đối với đề nghị xây dựng luật, có nơi, có lúc còn mang tính hình thức; chất lượng ý kiến đóng góp chưa cao, nhất là đối với những vấn đề mới, phức tạp, còn nhiều tranh luận.

Cơ quan trình dự án chưa dành thời gian thỏa đáng để xem xét, thông qua dự thảo luật trước khi trình sang Quốc hội. Chất lượng các báo cáo thẩm định, thẩm tra chưa đồng đều, nội dung của một số báo cáo còn sơ sài, xuôi chiều, tính phản biện chưa cao; chưa dựa trên lập luận mang tính khoa học, nên còn thiếu tính thuyết phục. Một số dự án luật có chất lượng chưa tốt được trình ra Quốc hội và sau khi Quốc hội cho ý kiến thì cần phải sửa lại rất nhiều. Còn tình trạng chính sách quy định trong luật không chặt chẽ dẫn đến sơ hở, lợi dụng trong việc thi hành; Sự tham gia của các cơ quan hữu quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý một số dự án luật còn hạn chế. Việc tham gia xây dựng và giám sát hoạt động lập pháp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Trong thành phần đại biểu Quốc hội, có nhiều đại biểu kiêm nhiệm là lãnh đạo bộ máy cơ quan hành pháp, tư pháp, có thể dẫn đến tình trạng "nể nang", "lợi ích cục bộ ngành, địa phương" khi bày tỏ quan điểm, phát biểu chính kiến.

Hiện nay, Dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật” đang được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội xây dựng và dự kiến sẽ trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua trong năm 2023. Góp ý cho dự thảo Quy định, nhiều ý kiến cho rằng, cần nhận diện rõ “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật và xây dựng cơ chế thực chất, hiệu quả để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu và kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật.

Để thực hiện tốt mục tiêu này, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật, tăng cường trách nhiệm của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong việc chỉ đạo hoạt động xây dựng pháp luật.

Mỗi dự án luật trước khi trình sang Quốc hội phải được thẩm định kỹ lưỡng, khách quan, khoa học và phải được Chính phủ dành thời gian thỏa đáng thảo luận kỹ về các nội dung của từng dự án, nhất là những vấn đề mang tính quan điểm, chính sách và những vấn đề liên ngành còn có ý kiến khác nhau. Qua đó, không để lọt lợi ích cục bộ, không để sơ hở về chính sách dễ dẫn đến lạm dụng để tham nhũng. Trong xây dựng chính sách, phải đổi mới, thay đổi từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ nhân dân.

Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan tham gia thẩm tra. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong quy trình xây dựng pháp luật. Đồng thời, cần nâng cao đạo đức, giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, công chức, đảng viên, để phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng từ hoạch định chính sách.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách và giảm số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp, bảo đảm hoạt động lập pháp chuyên nghiệp, độc lập, khách quan trong việc xem xét, quyết định các chính sách.

Đổi mới thành phần Ban soạn thảo theo hướng huy động sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà chuyên môn, đặc biệt là sự tham gia của đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản; tăng cường kỷ cương lập pháp.                                                              

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường kỷ cương lập pháp