Chính trị

Công tác xây dựng pháp luật cần chặt chẽ, để không thể “cài cắm” được lợi ích nhóm

Bình Nguyên 23/05/2023 - 14:03

Sáng nay 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023.

Nhiều ý kiến đóng góp vào xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhằm đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, hay luật khung, luật ống  khó khả thi trong thực tiễn,...

230520231059-z4368855007915_cf033064aa62e93a9699db38c91ef460.jpg

Dự kiến điều chỉnh chương trình năm 2023

Về việc điều chỉnh Chương trình năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBTVQH đã quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2023 các dự án luật, dự thảo Nghị quyết sau:

Trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp đối với 02 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (dự kiến đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 5).

Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với 02 dự án luật, bao gồm: Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

UBTVQH cũng đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh Chương trình năm 2023: Bổ sung 04 dự án luật, bao gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vào Chương trình năm 2023 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7. Bổ sung dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng vào Chương trình năm 2023.

Đối với 03 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 và đã trình hồ sơ đầy đủ của 03 dự án.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu đánh giá, trong thời gian qua, việc lập chương trình xây dựng pháp luật (CTXDPL) ngày càng được nâng cao về chất lượng và tiến độ. Các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh ngày càng được xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn, chất lượng hồ sơ ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định CTXDPL còn lớn. Điều này, một mặt thể hiện sự thay đổi của tình hình thực tiễn đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh chương trình nhằm hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, việc phải bổ sung quá nhiều dự án so với Chương trình chính thức cũng thể hiện tính dự báo của Chương trình chưa cao; tư duy lập pháp, tầm nhìn chính sách thiếu nhất quán...

230520231155-z4368894564603_acda37255bdefc6f947daa042a5caf43.jpg
Đại biểu Lê Thanh Vân- đoàn ĐBQH Cà Mau phát biểu thảo luận.

Đại biểu Lê Thanh Vân- đoàn ĐBQH Cà Mau cho rằng, hoạt động lập pháp vẫn còn có những hạn chế nhất định, trong đó có 3 hạn chế cố hữu là việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; chất lượng các đạo luật chưa cao, đặc biệt là các quy phạm chính trị còn tồn tại khá phổ biến trong các đạo luật; kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ và đặc biệt lưu ý là quá trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh còn cài cắm lợi ích.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, sớm khôi phục lại việc xây dựng CTXDPL toàn khóa bám vào nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng, hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh CTXDPL hàng năm; khắc phục tình trạng luật khung, luật ống. Cùng với đó là đổi mới thành phần Ban soạn thảo theo hướng huy động sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà chuyên môn, đặc biệt là sự tham gia của đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản; tăng cường kỷ cương lập pháp; Thủ tướng Chính phủ cần phân công một Phó Thủ tướng tham gia xây dựng, lập pháp nhằm đảm bảo chất lượng xây dựng luật ngày càng tốt hơn.

Quy trình xây dựng pháp luật rất chặt chẽ

Còn theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa - đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh, cần có giải pháp để khắc phục được các tình trạng như lợi ích nhóm, có lợi cho người quản lý, những điều luật xa lạ với người dân,…trong xây dựng chính sách. Để làm được điều đó, thành phần Ban soạn thảo phải có thêm các chuyên gia độc lập, cán bộ chuyên ngành, các nhà khoa học, hoặc những người có kinh nghiệm, có uy tín có thể đại diện cho nhóm đối tượng mà chính sách điều chỉnh đến... để đảm bảo chất lượng sự khách quan.

230520231143-z4368923595528_8fc8a545b25401322d6d9711897d7b2e.jpg
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu thảo luận tại hội trường sáng nay 23/5.

Phát biểu giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, quá trình làm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong những năm trở lại đây làm rất kỹ. Theo đó, Ủy ban Pháp luật thẩm tra, mời đại diện các cơ quan có liên quan, Bộ Tư pháp và các cơ quan, các bộ, các ngành chủ trì đề xuất đến làm việc; UBTVQH cho ý kiến cụ thể và nhiều vòng, đảm bảo rất chặt chẽ.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến góp để tham mưu cho Chính phủ nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác lập pháp nói chung và xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng.

Lý giải việc có số lượng lớn các dự án trình bổ sung vào kỳ này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề xuất bổ sung 10 luật và Nghị quyết nhằm tháo gỡ một số các khó khăn vướng mắc để xử lý các công trình trong thực hiện các dự án giao thông; xử lý vấn đề về kinh phí chi thường xuyên; đề xuất bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng để kế vào Nghị quyết 42/2017/QH14 là sắp hết hạn; Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp, góp phần phục hồi sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, việc tăng cường phòng chống lợi ích nhóm và tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật là trách nhiệm rất nặng nề đối với các cơ quan tham mưu và đặc biệt là các cơ quan tham gia vào quá trình xây dựng.

230520231157-z4368949746923_fc77225e817ab6378634c67f4df2d21e.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình thêm một số nội dung đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị, đối với các bộ, các ngành trong phạm vi của mình tiếp tục chủ động và chủ động hết sức quan trọng bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định ở trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời đề nghị các Ủy ban của Quốc hội, UBTVQH và Quốc hội tiếp tục giám sát công tác xây dựng ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác xây dựng pháp luật cần chặt chẽ, để không thể “cài cắm” được lợi ích nhóm