Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông nông thôn

Nam Hoàng| 19/03/2019 06:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, diện mạo khu vực nông thôn đang dần thay đổi. Tuy nhiên, cũng khiến các địa phương phải đối mặt với hàng loạt thách thức, trong đó có công tác đảm bảo an toàn giao thông nông thôn (ATGTNT).

Hệ thống đường GTNT lan tỏa đến mọi vùng, miền

Hiện nay các loại phương tiện ôtô, môtô phát triển nhanh chóng, trong khi hạ tầng giao thông chưa kịp đáp ứng. Bên cạnh đó, hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ của đại bộ phận người dân còn thấp, công tác tuyên truyền chưa được triển khai đúng mức, việc xử phạt nghiêm minh đối với những người vi phạm chưa kiên quyết... Thế nên khả năng xảy ra tai nạn giao thông ở vùng nông thôn luôn ở mức báo động.

Kể từ khi Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới được triển khai đã tạo ra sự thay đổi hết sức tích cực ở nông thôn. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, huy động nội lực từ nhân dân trong việc thực hiện 19 tiêu chí, thì giao thông nông thôn (GTNT) được xem là một trong những tiêu chí quan trọng (đứng thứ 2 sau tiêu chí quy hoạch).

Hệ thống đường GTNT đã lan tỏa đến mọi vùng, miền và các khu vực nông thôn đồng bằng, trung du miền núi, các điểm dân cư tại vùng sâu, vùng xa trong cả nước, trực tiếp phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao lưu văn hóa xã hội, trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân. GTNT với đặc điểm là quy mô nhỏ, cấp kỹ thuật thấp, vốn đầu tư ít, lưu lượng vận tải không lớn như hệ thống đường khác, nhưng có chiều dài (theo km và theo %) lớn nhất so với tất cả các hệ thống đường khác.

Tuy đã có bước phát triển vượt bậc so với những năm trước đây, nhưng kết cấu hạ tầng GTNT còn nhiều tồn tại, nhiều xã ở miền núi có đường ô tô đến trung tâm nhưng vào mùa mưa lũ thường bị ngập, chia cắt tạm thời khi lũ về; nhiều tuyến đường huyện, đường xã chưa được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; nhiều đường thôn xóm, đường trục nội đồng còn lầy lội khi mưa, lũ; công trình biển báo hiệu ATGT thiếu; nhiều địa phương còn thiếu bến, bãi đỗ xe; các công trình vượt sông (phà, đò, cầu phao) thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng và tải trọng khai thác.

Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông nông thôn

Lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát

Cùng với sự phát triển đó, thực tế cũng đặt ra những vấn đề cần quan tâm, đó là hàng nghìn tuyến đường liên thôn, xã được xây dựng kéo theo số đường nhánh, các ngõ xuất hiện ngày càng nhiều, tạo thành những vị trí giao nhau đầy nguy hiểm. Bởi các tuyến đường trong khu dân cư thường có vị trí hẹp, tầm nhìn bị che khuất, trong khi các phương tiện tham gia giao thông chạy với tốc độ cao, khi gặp tình huống bất ngờ rất khó xử lý kịp thời.

 Mặt khác, phần lớn “điểm đen” giao thông trên các địa bàn đều nằm trên tuyến giao thông nông thôn, mặc dù đã được khảo sát, báo cáo nhưng chậm được xử lý, khắc phục. Bên cạnh đó, dù hạ tầng giao thông nông thôn được cải thiện nhưng phải khẳng định rằng, sự kết nối giữa một số tuyến đường giao thông nông thôn với quốc lộ, tỉnh lộ vẫn chưa có sự đồng bộ, hợp lý, chưa tạo được sự an toàn, thông suốt trên toàn tuyến. Nhiều đoạn đường dốc, địa hình khúc khuỷu, quanh co chỉ cần một chút sơ suất nhỏ, người tham gia giao thông có thể gặp nạn bất cứ lúc nào.

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Thời gian qua, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ đảm bảo TTATGT, nhất là vùng nông thôn, ở các địa phương đã có nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả như: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT dưới mọi hình thức; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, từ đó có tác động, làm chuyển biến trong nhận thức của người dân.

Để bảo đảm ATGT nói chung và ATGTNT nói riêng, nhiều tỉnh thành đã ban hành các Chỉ thị, Quyết định và các văn bản chỉ đạo mang tính đột phá như UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định về “Quy định trách nhiệm và các hình thức khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan trong công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh Hà Nam”; UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định về “Quy định tạm thời khen thưởng, xử lý trách nhiệm, kỷ luật trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giải tỏa lấn chiếm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông”; Khánh Hòa, Ninh Thuận ban hành Chỉ thị về việc thực hiện quy định không uống rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc và không lái xe khi đã sử dụng rượu, bia... Đồng thời, lực lượng CSGT Công an ở các địa phương đã tham mưu, chỉ đạo mỗi xã thành lập một đội tuần tra, kiểm soát có sự tham gia của lực lượng Công an cơ sở, tạo nên ý thức chấp hành và ngăn ngừa hạn chế TNGT.

Đặc biệt, Bộ Công an còn tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác TTKS, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, tập trung vào các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT, ùn tắc giao thông như: Chạy quá tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt sai quy định; chở quá tải, quá số người quy định; vi phạm về nồng độ cồn; đón, trả khách không đúng nơi quy định; vi phạm về đội mũ bảo hiểm; không có GPLX hoặc GPLX không hợp lệ; xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; xử lý phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; chở quá số người quy định; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo ATKT, không trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm; thuyền viên, người lái phương tiện thủy không có bằng, chứng chỉ chuyên môn, sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn giả; kiểm tra, xử lý vi phạm về lắp đặt, sử dụng trái phép thiết bị phát tín hiệu được quyền ưu tiên...

Bên cạnh đó, Bộ Công an còn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp đình chỉ ngay các phương tiện thủy không đảm bảo các điều kiện an toàn; tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường sắt, tập trung vào các phương tiện giao thông đường bộ tham gia giao thông nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, nơi các đường ngang phức tạp về ATGT, đường ngang không có cảnh giới, đường ngang trái phép...

Cơ quan quản lý và người dân cần chung tay vào cuộc

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì việc tăng cường tuần tra kiểm soát chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tuyên truyền, vận động người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT, thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn như đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, tuân thủ tốc độ quy định, giảm tốc độ quan sát an toàn khi đi từ đường phụ ra đường chính; đã uống rượu bia thì không lái xe.

Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông nông thôn

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để giảm thiểu TNGT

Công tác tuyên truyền phải làm sao để người dân chuyển biến từ trong nhận thức, cần thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, đến tận các xóm, bản vùng sâu và hiệu quả nhất vẫn là người dân tự nhắc nhở lẫn nhau; tranh thủ cán bộ văn hóa xã cùng với những người có uy tín tham gia tuyên truyền, vận động bà con. Thế nhưng, để thực hiện có hiệu quả công tác này cần có những giải pháp cụ thể, không phải tuyên truyền một cách chung chung mà phải tập trung vào những gì mà người dân nông thôn đang cần và đang thiếu như các kỹ năng điều khiển môtô, xe máy, điểu khiển xe khi đi qua đường, rẽ trái, tránh vượt, dừng xe, đảm bảo tốc độ hợp lý trên từng con đường... Bên cạnh đó, cần nhân rộng và phát huy vai trò mô hình, câu lạc bộ, lực lượng tự quản tại cơ sở về ATGT hoạt động có hiệu quả của các tổ chức đoàn thể, để việc tuyên truyền sát thực, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Trên thực tế, tại các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thì TNGT đã được đẩy lùi. Theo Báo cáo của Ban ATGT các địa phương thì trong năm 2018 có tới 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó 17 địa phương giảm trên 10% số người chết là Tuyên Quang, Bạc Liêu, Hà Giang, Phú Yên, Đà Nẵng, Tiền Giang, Thái Nguyên, Nam Định, Lạng Sơn, Cà Mau, Ninh Bình, Lào Cai, Long An, Hà Tĩnh, Bình Định, Điện Biên, Thái Bình. Đặc biệt, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Hà Giang, Phú Yên giảm trên 20% số người chết do TNGT.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, các địa phương cũng cần chú trọng công tác tổ chức giao thông nông thôn như: Lắp đặt các biển báo, tín hiệu giao thông ở những điểm quan trọng; vận động nhân dân trong xã hội hóa để lắp đèn chiếu sáng, phát quang, giải tỏa những điểm bị che khuất tầm nhìn. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để có quy định tốc độ tối đa trên các tuyến đường nông thôn; quản lý chặt chẽ các loại phương tiện như công nông, máy kéo tự chế... không đủ điều kiện lưu hành.

Có thể khẳng định, có nhiều nguyên nhân khiến TNGT trên các tuyến đường liên thôn, liên xã luôn trở thành một vấn đề nóng, tuy nhiên, một trong những nguyên nhân lớn nhất là ý thức. Ý thức của người dân, của nhà quản lý trong các lĩnh vực có liên quan đến giao thông chưa cao. Vì vậy, để giảm TNGT một cách bền vững không còn cách nào khác là cơ quan quản lý cùng người dân phải chung tay vào cuộc. Chỉ có như vậy, tình hình vi phạm giao thông nói chung và TNGT ở các vùng nông thôn mới có khả năng “hạ nhiệt”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông nông thôn