Đời sống

Tăng cường công tác hỗ trợ, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về

Lan Nhi 15/07/2024 - 11:21

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các tổ chức xã hội trên địa bàn TP Hà Nội đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 65 nạn nhân bị mua bán, trong đó 3 người nghi nạn nhân là công dân Hà Nội bị lừa sang Myanmar lao động, số còn lại đều là người ngoại tỉnh.

Đây là thông tin tại Hội nghị tuyên truyền phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán năm 2024 do Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội phối hợp với UBND phường Yên Nghĩa, Phú Lương, quận Hà Đông, tổ chức.

Hội nghị diễn ra từ ngày 11 đến 12/7, với sự tham gia đông đảo của người dân, đại biểu các phường, Đội công tác xã hội tình nguyện các phường.

z5634337124985_a87b0c21ec19bc4914ee2498633f6b82.jpg
Tuyên truyền phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho người dân tại phường Phú Lương, quận Hà Đông.

Hội nghị nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn chính sách pháp luật trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho cán bộ và người dân tại các xã, phường, thị trấn.

Nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ và người dân trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người, góp phần làm giảm nguy cơ bị mua bán, bị mua bán trở lại và kịp thời hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng.

Theo cơ quan chức năng, từ cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến hết sức phức tạp trên khắp các tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào.

Hà Nội là trung tâm kinh tế - chính trị lớn của cả nước, mật độ dân cư đông đúc, người dân ở các tỉnh, thành về Thủ đô tìm việc ngày càng tăng; Việc giao lưu buôn bán, đi lại giữa Việt Nam và các nước Asean, đặc biệt là Trung Quốc có nhiều thuận lợi. Tất cả các yếu tố trên là một trong những điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm hoạt động, đặc biệt là tội phạm mua bán người.

Theo Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội, tại Việt Nam, từ năm 2021-2023, cơ quan chức năng đã phát hiện tổng cộng 314 vụ án mua bán người và xác định được gần 700 nạn nhân.

Riêng trong quý 1/2024 tổng số vụ án thụ lý điều tra là 84 vụ, trong đó có 223 đối tượng phạm tội và 178 nạn nhân.

Tội phạm mua bán người được phát hiện với nhiều thủ đoạn khác nhau như: Việc nhẹ lương cao, môi giới hôn nhân, xuất khẩu lao động sang Campuchia, Myanmar,... hoặc thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo để thành lập các hội nhóm tiếp cận tới những hoàn cảnh khó khăn, ít học, thất nghiệp, nợ nần.

z5634350338063_f74ea5edd34d79498facf2de0438cb90.jpg
Hội nghị đã góp phần nâng cao nhận thức cho các cán bộ, ban ngành địa phương, đội công tác xã hội và hội viên phụ nữ về tình hình tội phạm, kỹ năng nhận diện để phòng chống tội phạm mua bán người.

Nhóm tội phạm này thường có những mục đích phi nhân đạo với các nạn nhân như bắt họ lao động khổ sai, cưỡng bức bán dâm, làm việc như tình trạng nô lệ, thậm chí còn lấy đi các bộ phận cơ thể của nạn nhân.

Tại hội nghị tuyên truyền, đại diện Đội công tác tình nguyện các các phường, Chi Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Mặt trận tổ quốc, Cựu chiến binh, Hội Nông dân… đã được cán bộ Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội phổ biến các nội dung cơ bản của Luật phòng chống mua bán người hiện nay.

Nội dung tuyên truyền bám sát các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đảm bảo tính chính xác, khách quan và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Hội nghị đã nêu rõ nguyên nhân, tác hại; đồng thời đưa ra những chính sách pháp luật và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ và người dân trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người, góp phần làm giảm nguy cơ bị mua bán, bị mua bán trở lại và kịp thời hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng.

Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách của Nhà nước về công tác phòng, chống mua bán người, công tác hỗ trợ, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về. Tình hình mua bán người trên thế giới và tại Việt Nam; những thủ đoạn tội phạm lợi dụng để lừa gạt nạn nhân.

Thông qua hội nghị nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong công tác phòng, chống mua bán người và công tác hỗ trợ nạn nhân để giải đáp và hướng dẫn kịp thời; tham mưu, kiến nghị, đề xuất những nội dung vượt quá thẩm quyền.

Hội nghị đã góp phần nâng cao nhận thức cho các cán bộ, ban ngành địa phương, đội công tác xã hội và hội viên phụ nữ về tình hình tội phạm, kỹ năng nhận diện để phòng chống tội phạm mua bán người và nắm được các kỹ năng phòng ngừa để nêu cao tinh than cảnh giác tự bảo vệ mình và người thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường công tác hỗ trợ, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về