Đời sống

Nam giới là nạn nhân của mua bán người có xu hướng tăng

09/06/2024 - 08:47

Theo các đại biểu, hiện nạn nhân của mua bán người là nam có xu hướng gia tăng, chủ yếu nhằm bóc lột sức lao động.

Hôm qua (8-6), tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng tình trạng mua bán người đang ngày càng biến tướng với nhiều hành vi, thủ đoạn khó lường.

Mua bán người phổ biến nhất vẫn là "việc nhẹ lương cao"

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Phòng, chống mua bán người.

Đi vào nội dung cụ thể, bà Trang cho rằng để đảm bảo đầy đủ quyền của nạn nhân bị mua bán, Luật cần quy định cụ thể về cơ sở chuyên biệt để hỗ trợ nạn nhân của mua bán người, dành cho nam giới và phụ nữ.

Cần có những quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới, quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nạn nhân cũng như người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Nam giới là nạn nhân của mua bán người có xu hướng tăng
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long). Ảnh: QH

Theo đại biểu, thực tế hiện nay cho thấy vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ giữa nạn nhân nam và nạn nhân nữ.

Nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp nhận hỗ trợ thường chuyển đến các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc trung tâm công tác xã hội. Ngoài ra, còn được tiếp nhận, hỗ trợ ở các cơ sở địa chỉ mô hình do tổ chức quốc tế hỗ trợ hoặc sự chủ động của các cơ quan đơn vị, địa phương…

Bà Trang cho hay hầu hết các cơ sở bảo trợ xã hội này không có khu vực để trợ giúp nạn nhân mua bán người chuyên biệt mà thường lồng ghép chung với nhóm đối tượng khác. Điều này tạo ra những bất cập trong cân đối các khoản chi phí, phiên dịch cho nạn nhân người nước ngoài hay nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận cũng như lấy lời khai, hỗ trợ lưu trú…

Mặt khác, các dịch vụ hỗ trợ hiện nay thường chú trọng đến cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân là nữ, trong khi những nhóm nguy cơ khác như nam công nhân, thanh thiếu niên... thường ít có hỗ trợ chuyên biệt.

"Nhu cầu, quyền lợi chính đáng của nạn nhân nam và các đối tượng đặc thù khác dường như đang bỏ ngỏ" - đại biểu Trang đánh giá và thông tin qua nghiên cứu từ năm 2022 đến nay, nạn nhân là nam có xu hướng gia tăng, chủ yếu bị mua bán nhằm thực hiện vào mục đích bóc lột sức lao động.

Bà cũng đề xuất bổ sung thêm một điều riêng trong dự thảo luật quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đoàn trong tham gia phòng ngừa mua bán người. Bởi theo bà, độ tuổi bị mua bán người thường ở nhóm tuổi trẻ, có thanh thiếu niên nên việc tham gia, vai trò trách nhiệm của tổ chức đoàn là rất cần thiết.

Liên quan đến công tác tuyên truyền, đại biểu đoàn Vĩnh Long cơ bản thống nhất với các quy định của dự thảo Luật...

“Hiện, phổ biến vẫn là lừa tìm việc làm theo hình thức việc nhẹ lương cao, môi giới lấy chồng nước ngoài, mua bán nội tạng, mua bán trẻ em… Đây là những nguyên nhân khiến cho một bộ phận phụ nữ, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người” - bà nói.

dai-bieu-ly-thi-tiet-hanh-doan-binh-dinh.jpg
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định). Ảnh: QH

Xử lý nghiêm hành vi mua bán thai nhi

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cũng cho rằng đây là lĩnh vực rất phức tạp nên cần có những quy định rất rõ và sát thực tiễn.

Theo bà, có nhiều khái niệm trong dự thảo Luật còn chung chung. Chẳng hạn, khái niệm mua bán người quy định: “Mua bán người là việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa lừa gạt và các thủ đoạn khác”.

“Vậy “mục đích vô nhân đạo khác”, “lừa gạt bằng thủ đoạn khác” là gì? Những nội dung này đã thể hiện được hết thực trạng hiện nay hay chưa” – bà Hạnh đặt vấn đề.

Nữ đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ, tình trạng mang thai hộ không chính đáng… và cho rằng cần phải được xử lý nghiêm minh.

“Đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung hành vi mua bán thai nhi cũng là một hành vi mua bán người để có căn cứ, xem xét xử lý trách nhiệm hình sự” - bà Hạnh nêu ý kiến.

nam-gioi-la-nan-nhan-cua-mua-ban-nguoi-co-xu-huong-tang-dao-chi-nghia.jpg
Đại biểu Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Cần Thơ. Ảnh: QH

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Cần Thơ, nói hiện nay đã có những vụ án liên quan đến mua bán thai nhi trong bụng mẹ. “Biến tướng của việc mang thai hộ là hành vi rất nguy hiểm” – ông Nghĩa nói và cho rằng điều này cần được cân nhắc đưa vào hành vi nghiêm cấm.

Ông Đào Chí Nghĩa cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đối tượng cần tuyên truyền sâu, rộng, thường xuyên đó là vùng đồng bào người dân tộc thiểu số vào dự thảo luật.

“Hiện nay, một bộ phận người dân tộc thiểu số ở nước ta do có cuộc sống còn khó khăn, việc nắm, hiểu biết kiến thức pháp luật còn hạn chế, chưa hiểu rõ các thủ đoạn của tội phạm nên dễ trở thành nạn nhân và tội phạm của tội mua bán người” – ông Nghĩa lý giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam giới là nạn nhân của mua bán người có xu hướng tăng