TANDTC dự kiến xây dựng mới một số luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Mai Thoa| 04/11/2021 11:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, TANDTC đã báo cáo dự kiến nội dung phần việc của TANDTC.

toan-canh.jpg

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Theo Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án “Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV”, TANDTC được giao phụ trách 14 luật, pháp lệnh; trong đó, chủ trì soạn thảo 09 luật, pháp lệnh; phối hợp rà soát 05 luật).

Theo đó, TANDTC dự kiến triển khai thực hiện các nội dung gồm các dự án luật, pháp lệnh do TANDTC chủ trì và phối hợp.

Các luật, pháp lệnh do TANDTC chủ trì

Các luật, pháp lệnh do TANDTC chủ trì thuộc danh mục nhiệm vụ xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm:

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, dự kiến hoàn thành rà soát vào năm 2022 để đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023-2025.

Định hướng sửa đổi, bổ sung tập trung vào các vấn đề như: Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ xét xử và Thẩm phán, Thẩm tra viên...

Về tổ chức bộ máy của các Tòa án: Đề nghị cân nhắc sửa đổi, bổ sung về cơ cấu, tổ chức của các Tòa án cho phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ; sửa đổi, bổ sung các ngạch Thẩm phán của các cấp Tòa án; ban hành văn bản quy định về mô hình tổ chức hành chính tư pháp áp dụng cho các cấp Tòa án, trong đó phải quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quy trình thực hiện nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của bộ phận hành chính tư pháp nhằm phân tách hoàn toàn các quy trình thủ tục mang tính chất hành chính với quy trình thủ tục tố tụng tại các Tòa án;

Thành lập thêm 01 TAND cấp cao tại thành phố Cần Thơ với thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 10 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và 01 TAND cấp cao tại tỉnh Yên Bái với thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 15 tỉnh trung du miền núi phía Bắc; triển khai việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực, trong đó tổ chức đầy đủ các Tòa chuyên trách như tại TAND cấp tỉnh nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án cấp huyện hiện nay.

Về nhiệm vụ xét xử: Đề nghị cân nhắc sửa đổi về thẩm quyền và việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; bổ sung biên chế, sắp xếp lại ngạch Thẩm phán và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán.

anh-tue.jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ.

Về Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký: Đề nghị cân nhắc sửa đổi về nhiệm kỳ, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán; thực hiện việc cải cách chế độ chính sách tiền lương của Thẩm phán, cán bộ công chức TAND phù hợp với đặc thù hoạt động chuyên môn.

Nội dung tiếp theo là Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND.

TANDTC sẽ hoàn thành rà soát vào năm 2022 để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022. Định hướng sửa đổi, bổ sung: những quy định của Pháp lệnh này để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi và các luật có liên quan.

Đề xuất xây dựng 2 luật, 2 pháp lệnh mới

TANDTC cũng dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mới gồm: Luật điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên; Luật điều chỉnh về Hội thẩm nhân dân; Pháp lệnh điều chỉnh về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án; Pháp lệnh về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định,.. để đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023-2024.

toan-canh2(1).jpg

Về Luật điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên,  định hướng xây dựng gồm: Cung cấp một khung pháp lý thống nhất hơn dành cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên thông qua tổng hợp và tăng cường các quy định đang nằm rải rác trong nhiều luật; Nhấn mạnh cách tiếp cận người chưa thành niên về cơ bản khác với người trưởng thành và việc xử lý người chưa thành niên hiệu quả đòi hỏi phải có các biện pháp chuyên biệt ghi nhận nhu cầu cụ thể và tính dễ bị tổn thương của người chưa thành niên;

Hướng dẫn chi tiết cho các cơ quan tiến hành tố tụng về các biện pháp phù hợp và hiệu quả để xử lý người chưa thành niên ở tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự và tố tụng hành chính; Đảm bảo tiếp cận toàn diện và chuyên nghiệp hơn trong giáo dục và giám sát người chưa thành niên vi phạm pháp luật đang chịu các biện pháp phạt cải tạo không giam giữ; Tăng cường phối hợp, hợp tác và cải thiện hiệu quả của các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên.

Với Luật điều chỉnh về Hội thẩm nhân dân, TANDTC dự kiến thời hạn gửi hồ sơ đề xuất xây dựng vào năm 2022, để đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023-2024.

TANDTC đã nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” trình Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương cho ý kiến tại phiên họp ngày 26/8/2021. Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương thống nhất với đề xuất của TANDTC về việc nghiên cứu, xây dựng Luật điều chỉnh về Hội thẩm nhân dân. TANDTC tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá sâu sắc và hoàn thiện hơn nữa về chế định hội thẩm nhân dân.

Định hướng xây dựng được cơ chế pháp lý hữu hiệu bảo đảm nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án một cách thực chất, phù hợp với nguyên tắc pháp quyền, góp phần nâng cao chất lượng xét xử, thúc đẩy công bằng tư pháp, nâng cao niềm tin của công chúng vào công lý, hướng tới xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp,hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Hai pháp lệnh mà TANDTC dự kiến gồm: Pháp lệnh điều chỉnh về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án. Pháp lệnh này quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, chế tài xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án phù hợp với quy định của các luật tố tụng tư pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi và các luật có liên quan. Dự kiến thời hạn trình dự án luật này là trong năm 2022;

Pháp lệnh về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch; chi phí tố tụng khác do luật khác quy định và việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án (thay thế Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 về Chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng).

Pháp lệnh này quy định cụ thể về chi phí tố tụng dân sự theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự. Thời hạn lập hồ sơ đề nghị vào năm 2022 để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cũng cho hay, các luật do TANDTC chủ trì, sẽ hoàn thành rà soát vào năm 2023 đối với các luật: Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Còn các luật do TANDTC phối hợp với cơ quan chủ trì, sẽ hoàn thành rà soát vào năm 2023 đối với các luật: Luật Thi hành án hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Hoàn thành rà soát vào năm 2025-2026 đối với Luật Trẻ em, năm 2026 đối với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, qua công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn xét xử, TANDTC đề xuất Quốc hội xem xét, bổ sung vào Đề án gồm 01 luật và 01 pháp lệnh mới, gồm: Luật về tố tụng điện tử và Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa nguời nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TAND. Hai luật này dự kiến lập hồ sơ đề nghị vào năm 2022 để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC dự kiến xây dựng mới một số luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV