Ngày 29/10, TANDTC phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Tòa phá án Pháp tổ chức Hội thảo kinh nghiệm giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên. Thẩm phán TANDTC Lê Văn Minh chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia và nhà khoa học đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương. Về phía Pháp có ông Besla Hegedus, Trưởng ban Pháp luật và quản trị, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; bà Florence Merloz, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tòa Phá án Pháp; ông Christophe Seys, Cố vấn Tòa hình sự, Tòa Phá án Pháp
Mục đích của Hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng pháp luật và kỹ năng giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thẩm phán TANDTC Lê Văn Minh nhấn mạnh, Hội thảo là hoạt động rất có ý nghĩa đối với TAND, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống TAND đang nỗ lực tiến hành cải cách, hoàn thiện hệ thống tư pháp và pháp luật.
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, người chưa thành niên. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động xét xử của Tòa án cho thấy tình trạng xâm hại trẻ em, số vụ án ly hôn, cũng như tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy và các chất kích thích khác diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điều này đe dọa trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, là ảnh hưởng đến môi trường sống của trẻ em, đồng thời đe dọa sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Thẩm phán Lê Văn Minh cho biết, hiện nay, ngoài Hiến pháp, Việt Nam có 30 Bộ luật, Luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến người chưa thành niên và 23 văn bản dưới luật (Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư liên tịch, Thông tư, Nghị quyết) của các bộ, ban, ngành được ban hành có nội dung liên quan đến người chưa thành niên.
Trong bối cảnh đó, TANDTC đang tiến hành đánh giá thực trạng thi hành pháp luật về bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về luật tư pháp người chưa thành niên một số nước trên thế giới để đề xuất xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt. Những kinh nghiệm quốc tế này sẽ góp phần rất quan trọng vào việc xây dựng luật tư pháp cho người chưa thành niên thành công.
Thẩm thán Lê Văn Minh mong muốn qua Hội thảo này, đồng nghiệp từ Tòa phá án Pháp sẽ giới thiệu, chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm quý báu của mình về pháp luật cũng như kỹ năng giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên tại các Tòa án Pháp như thế nào. Đồng thời đề nghị các đại biểu phía Việt Nam tích cực tham gia trao đổi, thảo luận, đặc biệt tập trung vào các quy định pháp luật, những đặc thù cần chú ý trong giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên tại Tòa án.
Đồng phát biểu khai mạc, ông Besla Hegedus, Trưởng phòng Pháp luật và quản trị, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã chia sẻ ý nghĩa, tầm quan trọng về chủ đề của cuộc hội thảo này. Theo ông Besla Hegedus, chủ đề giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên là một chủ đề phức tạp, đồng thời nó cũng đang phát triển và nhận được nhiều sự quan tâm ở Pháp và Việt Nam. Tại Pháp cũng có Bộ Luật tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên, và mới có hiệu lực cách đây khoảng một tháng. Sự hiện diện của nó thể hiện mong muốn của Pháp, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm đó cho phía Việt Nam.
Chia sẻ từ điểm cầu tại Pháp, ông Christophe Seys, Cố vấn Tòa hình sự, Tòa Phá án Pháp cũng khẳng định chủ đề hội thảo về người thành niên rất là quan trọng với cả Pháp và Việt Nam tại thời điểm hiện nay. ông Christophe Seys cho biết, tại Pháp, Công ước về trẻ em có những quy định bắt buộc Chính phủ cũng như nhà lập pháp phải đưa ra nguyên tắc hay các quy định trong các văn bản pháp luật, dưới luật, đồng thời các quy định đó luôn đảm bảo các Thẩm phán trong các phiên Tòa xét xử phải áp dụng và tuân thủ theo. Sẽ không có những cách thức khác hay thay đổi các quy tắc trong Công ước. Trong đó điển hình như quy tắc: Cho người chưa thành niên được bày tỏ các ý kiến của mình; trẻ em được giữ mối quan hệ với gia đình của mình; được xem theo một định kỳ nhất định trước khi tách trẻ ra khỏi gia đình… Ngoài ra, Công ước cũng đưa ra định nghĩa về độ tuổi tối thiểu, mà nếu ở dưới độ tuổi tối thiểu đó thì trẻ em đó được coi không có khả năng vi phạm pháp luật. Đối với kinh nghiệm quốc tế, ông Christophe Seys thông tin, Công ước Liên minh Châu Âu cũng có các quy định về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản. Trong đó, các quy định này đưa ra nhân danh đó là quyền được xét xử công bằng… Cách đây một vài năm, Tòa án nhân quyền Châu Âu cũng đưa ra một phán quyết bắt buộc đối với Thẩm phán chuyên biệt khi xét xử các vụ án liên quan đến trẻ em…
Trình bày tham luận tổng quan hệ thống văn bản quy phạm điều chỉnh các vấn đề liên quan người chưa thành niên, đại diện Vụ pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC cho biết, hệ thống pháp luật của Việt Nam điều chỉnh các vấn đề liên quan đến người chưa thành niên, đặc biệt người chưa thành niên có hoàn cảnh pháp lý đặc biệt mặc dù đã được quy định đây đủ, toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, các chế định còn rải rác ở nhiều văn bản khác nhau dẫn đến sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ.
Hiện nay, vẫn chưa có một đạo luật về tư pháp người chưa thành niên, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho một hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên riêng biệt và đặc thù. Việc phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên được thực hiện thông qua một loạt các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư và các chương trình, chính sách khác nhau. Trong thập kỷ vừa qua, các đạo luật cơ bản liên quan đến tư pháp người chưa thành niên đêu lần lượt được sửa đổi, bổ sung, nhưng lại không theo một định hướng chiến lược nên chưa hỗ trợ, bổ sung đầy đủ được cho nhau để tạo thành một khung pháp lý hoàn chỉnh điều chỉnh cả quá trình phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên. Đặc biệt, việc xử lý người chưa thành niên được thực hiện theo hai hệ thống pháp luật hành chính và hình sự với sự độc lập nhất định dẫn đến tình trạng không nhất quán trong chính sách xử lý.
Tại Hội thảo, các chuyên gia và nhà khoa học đã tập trung thảo luận, phát biểu ý kiến về các vấn đề như: Tổng quan pháp luật Việt Nam đối với người chưa thành niên và định hướng trong thời gian tới; Pháp luật đối với người chưa thành niên của Pháp và Thực tiễn giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên tại Tòa án Pháp...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thẩm phán TANDTC Lê Văn Minh ghi nhận và đánh giá cao những thông tin, kinh nghiệm được các chuyên gia Pháp chia sẻ và hy vọng những thông tin quý giá mà TANDTC thu được ngày hôm nay sẽ là những tài liệu quý giá để TANDTC xây dựng thành công Luật tư pháp người chưa thành niên trong thời gian tới.
Thông qua Hội thảo này, Thẩm phán Lê Văn Minh mong muốn Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Tòa phá án Pháp tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm quốc tế về pháp luật cũng như kỹ năng giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên tại các Tòa án Pháp.