TAND TP Việt Trì: Xét xử trực tuyến là bước đi quan trọng để tiến tới xây dựng Tòa án thông minh, Tòa án điện tử

Mạnh Hùng| 28/06/2022 21:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhận thấy vai trò và tầm quan trọng của việc xét xử trực tuyến trong giai đoạn hiện nay, TAND TP Việt Trì (Phú Thọ) đã có sự chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng, đường truyền không bị gián đoạn, âm thanh và hình ảnh rõ nên phiên tòa xét xử trực tuyến của đơn vị được diễn ra thành công và đúng quy định của pháp luật.

d0f1ce35-6739-4a45-b299-d9708c8e9b88.jpeg
Thẩm phán Ngô Sỹ Quý, Chánh án TAND TP Việt Trì

Ngày 28/6, TAND TP Việt Trì (Phú Thọ) đã phối hợp với Viện KSND cùng cấp mở phiên toà xét xử theo hình thức trực tuyến đối với bị cáo Nguyễn Thành Nam (SN 1985) và Nguyễn Văn Tuân (SN 1976) cùng trú tại xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”với 2 điểm cầu, gồm: Điểm cầu trung tâm tại Hội trường xét xử TAND TP Việt Trì và điểm cầu thành phần là Trại tạm giam Công an tỉnh.

Được biết, đây là phiên tòa xét xử đầu tiên được TAND TP Việt Trì phối hợp với Viện KSND cùng cấp và cơ quan Công an tổ chức các phiên tòa hình sự dưới hình thức trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội.

Tại điểm cầu trung tâm trụ sở TAND TP Việt Trì gồm có: HĐXX và đại diện Viện KSND, được trang bị máy tính điều khiển, hệ thống âm thanh, màn hình kích thước lớn hiển thị thông tin, hình ảnh. Điểm cầu tại Trại tạm giam Công an tỉnh có bị cáo, kiểm sát viên giám sát, và lực lượng công an làm nhiệm vụ giữ trật tự phiên tòa cùng trang bị hệ thống đường truyền, màn hình và hệ thống âm thanh tốt nhất để đảm bảo tín hiệu liền mạnh khi trao đổi thông tin giữa hai điểm cầu.

Xét xử trực tuyến - bước đầu xây dựng tòa án điện tử

Trao đổi về vấn đề lần đầu tiên đơn vị áp dụng công tác xét xử bằng hình thức trực tuyến vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” ngày hôm nay với phóng viên Báo Công lý, Thẩm phán Ngô Sỹ Quý, Chánh án TAND TP Việt Trì cho biết, thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội; Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của TANDTC, Viện KSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp về tổ chức phiên tòa trực tuyến; chỉ đạo của Chánh án TANDTC về việc hệ thống TAND triển khai xét xử trực tuyến vào quý 1/2022.

Sau khi cùng một số đơn vị nghiên cứu các phương án sử dụng phương tiện kỹ thuật; TAND TP Việt Trì đã phối hợp với Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ và Viện KSND TP Việt Trì triển khai xét xử phiên tòa trực tuyến đầu tiên vào ngày 28/6/2022.

Bước đầu, để thuận tiện cho việc thí điểm, nghiên cứu, rút kinh nghiệm, TAND TP Việt Trì và Viện KSND cùng cấp thống nhất chọn vụ án hình sự có ít người tham gia tố tụng để có thể thực hiện những phiên tòa trực tuyến đầu tiên trong phạm vi tối đa 2 điểm cầu gồm điểm cầu trung tâm tại phòng xử án, điểm cầu thành phần tại cơ sở giam giữ.

0e1cfe87-9f51-415a-be67-72799dc9769b.jpeg
Hình ảnh xét xử trực tuyến tại điểm cầu trung tâm của TAND TP Việt Trì

Bên cạnh đó, TAND TP Việt Trì cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng như Viettel, Vinaphone để được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, cũng như lắp ráp các thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng CNTT tại tòa án, đặc biệt là giúp cho việc xét xử trực tuyến được hiệu quả.

Ngoài yếu tố đường truyền, đội ngũ nhân lực, cán bộ chuyên trách về CNTT là rất quan trọng.

Đối với TAND TP Việt Trì, đội ngũ cán bộ CNTT còn rất hạn chế nhưng không vì thế mà chúng tôi không tiến hành xét xử trực tuyến, không tiến hành chuyển đổi số trong xu thế của quốc gia. Hiện đơn vị đã tiến hành công tác tập huấn, đặc biệt nâng cao tinh thần tự học công nghệ của các cán bộ.

Thẩm phán Ngô Sỹ Quý, Chánh án TAND TP Việt Trì nhấn mạnh: “Chủ trương xét xử trực tuyến là điều mà tất cả các Thẩm phán đều mong đợi, phù hợp với xu hướng hiện nay của đất nước, là bước đi quan trọng để tiến tới xây dựng Tòa án thông minh, Tòa án điện tử mà TANDTC đang quyết tâm phấn đấu thực hiện thật tốt.

fb40c79e-086d-4e2b-9072-f6384752ab86.jpeg
TAND TP Việt Trì đã có sự phối hợp chặt chẽ với Viện KSND cùng cấp để việc xét xử trực tuyến được diễn ra tốt nhất

Trong tình hình mới như hiện nay, xét xử trực tuyến sẽ giúp đảm bảo an toàn trong điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid -19, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giải quyết án, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Bước đầu thực hiện một nội dung mới, chắc chắn có những khó khăn nhưng được sự ủng hộ của cấp ủy địa phương, của lãnh đạo TAND tỉnh Phú Thọ và sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể lãnh đạo, cán bộ đơn vị TAND TP Việt Trì đã thực hiện được tốt phiên tòa trực tuyến đầu tiên, đảm bảo đúng các quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến”.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Thẩm phán Lương Ngọc Dũng, người đầu tiên giữ vai trò chủ toạ, điều hành phiên toà xét xử trực tuyến của đơn vị trong vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” ngày hôm nay cho biết: Dịch bệnh Covid -19 đã đi qua, chúng ta đang dần thích nghi với tình hình mới, nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan, bởi đâu đó trong xã hội và trên thế giới nó vẫn đang còn có những diễn biến phức tạp…, Do đó, việc xét xử trực tuyến sẽ giúp tránh lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề dẫn giải bị cáo tới tòa, Thẩm phán Lương Ngọc Dũng cho biết, trên địa bàn đơn vị cách xa trụ sở của trại tạm giam, nên nếu xét xử trực tuyến sẽ đảm bảo được thời gian khai mạc và xét xử theo đúng thời gian mà Tòa án đề ra, đảm bảo an toàn cho người dẫn giải và cả bị cáo.

Hơn nữa, khi bị cáo không phải đứng trực diện với HĐXX, tâm lý của bị cáo sẽ tốt hơn, trả lời đúng trọng tâm vụ việc hơn và đúng tâm trạng của bị cáo hơn. Tuy nhiên, việc xét xử trực tuyến đối với TAND TP Việt Trì hiện nay vẫn còn một số hạn chế khi Tòa án cần nhiều thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất tốt hơn nữa. Đặc biệt, nếu đường truyền trực tuyến không tốt sẽ ảnh hưởng đến việc xét hỏi cũng như tranh tụng tại phiên tòa.

Cũng theo nữ Thẩm phán Lương Ngọc Dũng, những phiên tòa nên xét xử trực tuyến là những vụ án mà bị cáo đang bị tạm giam tại trại tạm giam của công an. Các vụ án có số người tham gia tố tụng không nhiều sẽ thuận lợi hơn, đảm bảo cho tất cả những người tham gia tố tụng.

Theo Thẩm phán Lương Ngọc Dũng, mô hình xét xử trực tuyến này sẽ tạo điều kiện cho người tham gia tố tụng tham gia vào phiên tòa khi ở xa, không tiện di chuyển, không thể có mặt trực tiếp tại phiên xét xử vì nhiều lí do khách quan khác nhau. Việc xét xử trực tuyến cũng giúp tòa án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Đảm bảo được việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ vụ án khi không phải di chuyển nhiều và giảm thiểu các chi phí, thời gian đi lại…

de1f75aa-63eb-44d5-bd65-047310a9971e.jpeg
Hai bị cáo Nam và Tuân tại điểm cầu trại giam công an tỉnh Phú Thọ

Đôi bạn nghiện “rủ nhau’ vào tù vì góp tiền mua ma túy

Theo cáo trạng truy tố, khoảng 12h 25’ ngày 16/02/2022, tại khu vực ven đê của xã Sông Lô, Việt Trì, Phú Thọ, Công an xã Sông Lô phát hiện và bắt quả tang đối với Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Văn Tuân có hành vi tàng trữ trái phép ma túy nhằm mục đích để sử dụng.

Quá trình kiểm tra, thu giữ vật chứng gồm: 1 gói giấy mặt ngoài màu trắng có dòng kẻ và mặt trong màu trắng có dòng kẻ và chữ, bên trong có chứa chất bột cục màu trắng. Nam và Tuân đều khai nhận gói ma túy trên là ma túy Heroine của Nam và Tuân mua về để sử dụng.

Theo kết luận giám định của cơ quan chức năng, chất bột, cục màu trắng thu giữ được của hai bị cáo được xác định là ma túy, có khối lượng 0,283 gam, loại Heroine”.

Về nguồn gốc số ma túy trên các bị cáo khai nhận, do có mối quan hệ từ trước Nam gặp Tuân tại khu vực gần nhà Tuân và cùng rủ nhau góp tiền mua ma túy về để sử dụng. Tuân góp 100 nghìn đồng, Nam góp 400 nghìn đồng, Nam là người cầm tiền.

Sau đó, Nam và Tuân đi nhờ xe khách đến khu vực cầu Việt Trì thuộc phường Bạch Hạc, TP Việt Trì (Phú Thọ) để tìm mua ma túy, đến nơi Nam bảo Tuân đứng chờ còn Nam một mình đi xuống khu vực gầm cầu Việt Trì tìm mua ma túy. Tại đây, Nam gặp một người đàn ông không quen biết, khoảng 30 tuổi, Nam hỏi và mua được của người này 1 gói ma túy Heroine được gói bằng giấy mặt ngoài màu trắng có dòng kẻ, mặt trong màu trắng có dòng kẻ, chữ với giá 500 nghìn đồng.

Sau đó, Nam cầm gói ma túy quay lại chỗ Tuân chờ rồi cùng Tuân tìm nơi sử dụng. Khi đi bộ đến khu vực ven đê thuộc xã Sông Lô, thành phố Việt Trì, Nam mở gói ma túy vừa mua được ra rồi Nam và Tuân đều tách một phần ma túy sử dụng, phần còn lại Tuân gói lại như cũ, để lại trên mặt đất. Khi vừa sử dụng xong thì bị Công an xã Sông Lô phát hiện, kiểm tra đồng thời lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Văn Tuân, thu giữ và niêm phong vật chứng cùng một số tài sản khác.

Đối với người đàn ông bán ma túy cho Nam, do Nam không biết họ tên và địa chỉ cụ thể ở đâu nên Cơ quan điều tra không đủ căn cứ để làm rõ, xử lý.

Tại Cơ quan điều tra, cũng như tại phiên toà xét xử ngày hôm nay, các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho mình

Theo nhận định của HĐXX, hành vi của hai bị cáo đã phạm tội với lỗi cố ý, đây là vụ án đồng phạm giản đơn, 2 bị cáo đều tham gia tích cực vào việc mua bán ma túy khi cùng góp tiền, Nam giữ vai trò tích cực hơn khi là người trực tiến đi mua ma túy để hai người cùng sử dụng.

Hành vi của hai bị cáo đã xâm phạm chế độ độc quyền quản lý của nhà nước về ma túy, gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an ở địa phương thuộc trường hợp nghiêm trọng,… nên cần phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian, mới có tác dụng riêng và phòng ngừa chung.

Theo đó, HĐXX đã quyết định bị cáo Nguyễn Thành Nam mức án 18 tháng tù và Nguyễn Văn Tuân mức án 24 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND TP Việt Trì: Xét xử trực tuyến là bước đi quan trọng để tiến tới xây dựng Tòa án thông minh, Tòa án điện tử