Thực hiện chương trình, kế hoạch công tác năm 2022 về triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chiều ngày 29/11, TAND TP.Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hòa giải, đối thoại năm 2022, triển khai, nhiệm vụ hoà giải, đối thoại năm 2023.
Báo cáo tại hội nghị, Phó chánh án TAND TP. Hải Phòng Lê Đức Lập cho biết, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực và triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2021 đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tính từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022, tổng số vụ việc Tòa án nhận được là 6.737 vụ việc, số lượng vụ việc mà Tòa án chuyển hòa giải, đối thoại là 4.680 vụ việc, trong đó TAND thành phố chuyển hòa giải, đối thoại 98 vụ việc, TAND các quận/huyện chuyển hòa giải, đối thoại 4.582 vụ việc.
TAND hai cấp thành phố đã hòa giải, đối thoại thành 3.745/4.680 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,02%. So với năm 2021 (hòa giải, đối thoại thành 1.505 vụ, việc /1.878 vụ, việc) thì số lượng hoà giải, đối thoại thành tăng 2.240 vụ, việc (tăng gấp 2,5 lần; trong đó, hòa giải, đối thoại thành 223 vụ việc dân sự, chiếm tỷ lệ 5,9% số vụ việc hòa giải, đối thoại thành; 61 vụ việc kinh doanh thương mại chiếm 1,7%, 02 vụ việc lao động chiếm 0,05%, 13 vụ việc hành chính chiếm 0,35%, 3.444 vụ việc hôn nhân gia đình chiếm 92%.
Việc hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Từ những kết quả đạt được đã mang lại những ưu điểm như: Tỷ lệ các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính mà Tòa án chuyển sang hòa giải, đối thoại so với số lượng vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính mà Tòa án nhận được đạt tỷ lệ 82,8% (vượt 2,8% so với chỉ tiêu TAND tối cao giao tại Chỉ thị số 02/2002/CT-CA ngày 14/3/2022).
Tỷ lệ các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính được Hòa giải viên hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án so với số lượng vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính mà Tòa án chuyển sang hòa giải, đối thoại đạt tỷ lệ 80,02% (vượt 10,02% so với chỉ tiêu TAND tối cao giao tại Chỉ thị số 02/2002/CT-CA ngày 14/3/2022).Đã ra 3.059 quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt 100% so với số lượng yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.100% quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án không bị hủy, không có quyết định khó thi hành hoặc không thi hành đượcĐội ngũ Hòa giải viên tâm huyết, nhiệt tình với công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; các Thẩm phán, Thư ký được phân công hỗ trợ công tác hòa giải đều trách nhiệm, cơ bản phối hợp tốt với Hòa giải viên trong trình tiến hành hoà giải, đối thoại.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thi hành Luật cũng gặp những khó khăn, vướng mắc cần được tổng hợp nghiên cứu, đưa ra những giải pháp khắc phục như: Tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành các vụ việc tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại và khiếu kiện hành chính còn rất thấp, số lượng các vụ việc hòa giải thành chủ yếu là các vụ việc hôn nhân gia đình; vẫn còn trường hợp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu dân sự, khiếu kiện hành chính từ khâu tiếp nhận chưa được xem xét, nghiên cứu đầy đủ về thẩm quyền giải quyết, điều kiện thụ lý theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020, dẫn đến tình trạng Hòa giải viên hòa giải, đối thoại không thành hoặc không tiến hành hòa giải được, vụ việc được chuyển đến Tòa án để giải quyết theo pháp luật tố tụng mới yêu cầu đương sự sửa đổi, bổ sung đơn, cung cấp thêm tài liệu chứng cứ, có trường hợp đơn không thuộc thẩm quyền phải trả lại đơn theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 123 Luật Tố tụng hành chính làm kéo dài thời gian giải quyết đơn, gây bức xúc không đáng có cho người dân; vẫn còn có một số Hòa giải viên chưa chủ động trong công việc, còn phụ thuộc vào Thẩm phán, thư ký tòa án trong các việc ghi biên bản, soạn thảo biên bản; cơ sở vật chất, trang thiết bị của các đơn vị còn chưa đáp ứng được yêu cầu; cán bộ hành chính tư pháp giúp việc cho các Hòa giải viên đều là kiêm nhiệm tất cả các công việc từ khâu thụ lý, báo gọi đến quá trình tổ chức hòa giải, đối thoại ngoài ra còn phải vào các loại sổ sách, thống kê, báo cáo, soạn thảo các văn bản; tinh thần trách nhiệm của một số Hòa giải viên chưa cao, thiếu chủ động, chưa tích cực thực hiện đúng vai trò theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Thẩm phán phụ trách hòa giải chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc nghiên cứu, xem xét đơn trước khi chuyển đến Hòa giải viên.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những đề xuất kiến nghị để đảm bảo việc thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu quả, đề nghị TAND tối cao quan tâm xem xét việc bổ sung nhân sự giúp việc cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại các đơn vị bằng hình thức tuyển dụng hoặc ký hợp đồng. Cùng với đó, đề nghị TAND tối cao mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hòa giải, đối thoại và cấp phát tài liệu các văn bản pháp luật cho Hòa giải viên; cung cấp bổ sung trang thiết bị và kinh phí để tạo dựng cơ sở vật chất phòng hòa giải, đối thoại, phòng làm việc cho Hòa giải viên.