Ngày 8/3, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC chủ trì và điều hành Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Tham dự Hội thảo có ông EDAGAWA Mitsushi, luật sư, chuyên gia dài hạn, Văn phòng dự án JICA tại Việt Nam; Giáo sư Kota KUROKI, Viện nghiên cứu và đào tạo, Bộ Tư pháp Nhật Bản; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc hệ thống TAND. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu trong hệ thống TAND.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết, để có thêm cơ sở khoa học phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, TANDTC tổ chức Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Nghị quyết.
Theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Du, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đã phát huy vai trò là một trong những hoạt động tố tụng quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng tranh tụng; đảm bảo hiệu quả của hoạt động hòa giải trong tố tụng dân sự.
“Đây là quy định mới tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nhằm bảo đảm chứng cứ được công khai (trừ trường hợp không được phép công khai) trong quá trình tố tụng, bảo đảm quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ trong vụ án; việc công khai yêu cầu, ý kiến của đương sự”, đồng chí Nguyễn Văn Du nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Du, thực tiễn hoạt động xét xử trong thời gian qua đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, có những cách hiểu và áp dụng không thống nhất liên quan đến phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải như về thời hạn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ; thời điểm tiến hành phiên họp, số lần họp, nội dung phiên họp… Từ đó dẫn đến một số trường hợp chưa phát huy vai trò của phiên họp, đương sự cố tình giấu giếm, chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ làm trì hoãn, kéo dài thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến hiệu quả xét xử.
Để khắc phục những vướng mắc trên, TANDTC xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong trong thực tiễn Tòa án giải quyết tranh chấp dân sự.
Vì vậy, Lãnh đạo TANDTC bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu, có giá trị thực tiễn cũng như pháp lý cao của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu để đơn vị chuyên trách của TANDTC tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện Nghị quyết.
Tham dự Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý và các đại biểu đã tích cực, chủ động đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực về các nội dung chính của dự thảo Nghị quyết đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về nội dung giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và phiên hòa giải theo tố tụng dân sự của Nhật Bản…
Kết luận Hội thảo, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du nhấn mạnh, với tinh thần làm việc nghiêm túc và đầy trách nhiệm, Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đã thành công tốt đẹp.
Các ý kiến tại Hội thảo sẽ được Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nghiên cứu, tiếp thu, góp ý vào dự thảo Nghị quyết để sớm trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC cho ý kiến.