Hội thảo Cải cách tư pháp tại TANDTC

Mai Đỉnh - Mai Thoa| 11/01/2022 09:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 11/1, TANDTC tổ chức hội thảo cải cách tư pháp Trung ương tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” chủ trì, phát biểu khai mạc hội thảo.

Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; cùng các nhà khoa học và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương.

Về phía lãnh đạo TANDTC có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC; các Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án, Thẩm phán TANDTC...

hoithao2.jpg
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau 20 năm thực hiện cải cách theo các Nghị quyết của Đảng, công tác cải cách tư pháp trong TAND đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo, uy tín và kết quả hoạt động của Tòa án với tư cách là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Tuy nhiên, nền tư pháp nước ta còn những bất cập, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu và mong muốn của người dân; công tác cải cách tư pháp vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu như: chưa có sự thống nhất trong nhận thức về nội hàm quyền tư pháp, chủ thể thực hiện quyền tư pháp; một số nhiệm vụ được Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra nhưng chưa được triển khai thực hiện hoặc đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; thực tiễn tổ chức và hoạt động của Tòa án cũng còn những tồn tại cần được tháo gỡ như: mâu thuẫn về chế độ chính sách và điều kiện bảo đảm, mâu thuẫn giữa áp lực công việc và biên chế....

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới phát sinh do tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp để thích ứng tốt hơn với tình hình mới, thúc đẩy và bảo vệ quá trình phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần hữu hiệu vào việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển chung của đất nước.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, ở bình diện quốc tế, cải cách tư pháp nhằm thích ứng với sự thay đổi nhanh, phức tạp trong tình hình mới đang là xu thế tất yếu, liên tục và phổ biến không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả ở tất cả các quốc gia.

Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng, đòi hỏi phải tiếp tục cải cách, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống TAND, phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế, xây dựng nền tư pháp nước nhà tương đồng với trình độ chung của thế giới. Cải cách tư pháp trong hệ thống TAND nhằm mục tiêu thực hiện hiệu quả, nghiêm túc những nguyên tắc căn cốt trong hoạt động xét xử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND - cơ quan thực hiện quyền tư pháp; xây dựng hệ thống TAND chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, văn minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, “thượng tôn pháp luật”.

Thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐ ngày 20/7/2021 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Ban cán sự đảng TANDTC xây dựng Đề án “Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.

Để củng cố các cơ sở khoa học và thực tiễn của các đề xuất cải cách tư pháp tại Tòa án và bảo đảm hoàn thiện Đề án chất lượng, Ban cán sự đảng TANDTC tổ chức Hội thảo khoa học “Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. Tại Hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận, phát biểu, cho ý kiến trực tiếp đối với các định hướng về nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp của Tòa án và các vấn đề khác có liên quan.

hoithao1.jpg
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trong bộ máy nhà nước ta, TAND có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Điều 102 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp…”. Các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp cũng nhấn mạnh vị trí, vai trò trung tâm của Tòa án và hoạt động xét xử là trọng tâm. Do đó, việc không ngừng đổi mới, cải cách về tổ chức và hoạt động của Tòa án là vô cùng cần thiết, đặc biệt là trước yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao sự tích cực, nghiêm túc và trách nhiệm của Ban cán sự đảng và lãnh đạo TANDTC trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp thời gian qua mà các Nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra. Kết quả thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án đã có những bước phát triển mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo và uy tín của Tòa án xứng đáng với vai trò là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Một số thành tựu tiêu biểu có thể kể đến như:

Thứ nhất, tổ chức bộ máy của Tòa án các cấp ngày càng hoàn thiện, xây dựng hệ thống Tòa án bốn cấp bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương được kiện toàn theo hướng tinh gọn và chuyên nghiệp, bảo đảm thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ.

Thứ hai, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ Tòa án theo hướng tinh gọn, coi trọng chất lượng để phát huy năng lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định về công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức TAND bảo đảm kỷ cương và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác.

Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về tố tụng tư pháp. Thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, nhiều đạo luật quan trọng liên quan thủ tục tố tụng tư pháp đã được xây dựng và ban hành. Công tác ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, xây dựng và phát triển án lệ cũng có nhiều đổi mới, qua đó từng bước hoàn thiện pháp luật về tố tụng tư pháp, đổi mới cách thức tổ chức phiên tòa, hình thức bố trí phòng xử án, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử.

Thứ tư, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của TAND được cải thiện đáng kể. Việc xây dựng trụ sở cho TAND cấp huyện chưa có trụ sở làm việc theo Nghị quyết của Quốc hội đã hoàn thành. Từng bước xây dựng trụ sở làm việc của Tòa án khang trang, hiện đại. Đặc biệt, TANDTC đã khánh thành và đưa vào sử dụng công trình trụ sở làm việc mới, với kiến trúc rất ấn tượng, thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp cao nhất của đất nước, xứng đáng là công trình kiến trúc, văn hóa có ý nghĩa biểu tượng cho nền Công lý của quốc gia.

Thứ năm, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án được chú trọng và đóng góp hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án. Đặc biệt, vừa qua TANDTC đã xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Tổ chức phiên tòa trực tuyến là văn bản mới mang tính cải cách đột phá về tổ chức phiên tòa, phù hợp với nhu cầu thực tế, xu hướng toàn cầu về ứng dụng công nghệ thông tin; bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời, bảo vệ tốt nhất lợi ích của nhà nước, quyền và lợi tích hợp pháp của nhân dân.

Thứ sáu, công tác hợp tác quốc tế được mở rộng và tăng cường. Nhiệm kỳ vừa qua, các Tòa án đã tích cực, chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế với nhiều kết quả, dấu ấn nổi bật. Đã mở rộng hợp tác được với nhiều tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia. Tổ chức thành công nhiều Hội nghị quốc tế quan trọng, gần đây nhất là Hội nghị lần thứ 8 của Hội đồng Chánh án ASEAN tại Việt Nam năm 2020. TANDTC đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Chánh án ASEAN và có nhiều sáng kiến, đóng góp tích cực vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều kinh nghiệm quý về các vấn đề mới của nền tư pháp tiến bộ trên thế giới đã được Tòa án nghiên cứu, tham khảo, vận dung vào thực tiễn của Việt Nam.

hoithao3.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng các thành tích và trân trọng biểu dương sự cố gắng, nỗ lực, những đóng góp thiết thực của TAND trong công cuộc cải cách tư pháp trong thời gian qua.

Bên cạnh các kết quả đạt được, nền tư pháp nước ta còn những bất cập, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu và mong muốn của người dân; công tác cải cách tư pháp vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu như: chưa có sự thống nhất trong nhận thức về nội hàm quyền tư pháp, chủ thể thực hiện quyền tư pháp; một số nhiệm vụ được Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra nhưng chưa được triển khai thực hiện hoặc đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; thực tiễn tổ chức và hoạt động của Tòa án cũng còn những tồn tại cần được tháo gỡ như: mâu thuẫn về chế độ chính sách và điều kiện bảo đảm, mâu thuẫn giữa áp lực công việc và biên chế.... Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới phát sinh do tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp để thích ứng tốt hơn với tình hình mới, thúc đẩy và bảo vệ quá trình phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần hữu hiệu vào việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển chung của đất nước.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã giao Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược cải cách tư pháp. Chiến lược này có ý hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước ta, của chế độ ta trong giai đoạn mới, nhất là đối với hệ thống bộ máy nhà nước, gồm cả hệ thống TAND. Đối với lĩnh vực tư pháp, văn kiện Đại hội xác định mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, vừa qua, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã phân công Ban cán sự đảng TANDTC chủ trì, xây dựng chuyên đề “Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. Gọi là chuyên đề nhưng thực tế Tòa án được giao nghiên cứu và đề xuất một chiến lược cải cách tư pháp mới, hay nói cách khác công tác cải cách tư pháp, trọng tâm là cải cách tư pháp trong TAND là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của chiến lược xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thực tiễn đã chứng minh, công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước bên cạnh những thuận lợi, thời cơ còn có những khó khăn, thách thức, đặt ra cho nền tư pháp nước ta những vấn đề mới, yêu cầu mới. Đứng trước yêu cầu đó, Tòa án và cả nền tư pháp phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách nhằm thích nghi và đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết trong tình hình mới. Cải cách, đổi mới để nền tư pháp nước ta phát triển tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với trình độ chung của thế giới. Đây là thử thách lớn đối với hệ thống Tòa án, do đó cần phải xác định cải cách tư pháp chính là động lực phát triển để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của Toà án.

Chủ tịch nước yêu cầu Tòa án cần xác định rõ những nội dung trọng tâm, trọng điểm; có chương trình, kế hoạch, lộ trình cải cách phù hợp theo hai phương diện như sau:

Tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ hết sức đúng đắn đã được Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra nhưng chưa được triển khai thực hiện hoặc đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu;

Đề xuất những giải pháp cải cách mới trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và xu thế phát triển chung của thế giới. Trong đó tập trung vào các giải pháp cải cách về tổ chức và hoạt động của TAND; Đổi mới, hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp chuyên nghiệp, hiệu quả; Xây dựng chế độ xét xử độc lập, công khai, minh bạch; Nâng cao chất lượng cán bộ, đặc biệt là chức danh tư pháp, có chế độ chính sách phù hợp dành cho cán bộ Tòa án; Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm nguồn lực để xây dựng Tòa án chính quy, hiện đại, hoạt động hiệu quả, trong đó chú trọng xây dựng, phát triển Tòa án điện tử ngang tầm với trình độ phát triển chung của thế giới…

Từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch nước tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị và sự tích cực, chủ động, cầu thị cao trong công tác, lắng nghe ý kiến, khuyến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học, TANDTC sẽ hoàn thành xuất sắc việc nghiên cứu Chuyên đề “Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN”, làm cơ sở đề xuất Ban Chấp hành Trung ương xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 góp phần tích cực vào việc hoạch định Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo Cải cách tư pháp tại TANDTC