Sáng nay (8/1), tại trụ sở TANDTC, Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND kết nối phiên tòa xét xử trực tuyến tại điểm cầu TAND cấp cao tại Hà Nội; TAND TP Hải Phòng; TAND tỉnh Bắc Giang- Trại tạm giam Công an tỉnh. Đây là lần đầu tiên hệ thống TAND tổ chức xét xử trực tuyến trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tham dự tại Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Bùi Văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội; Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông…
Về phía TANDTC có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; các đồng chí Phó Chánh án TANDTC cùng các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC.
Dự án xây dựng Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND do Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel thiết kế, xây dựng, tích hợp và phối hợp với TANDTC để triển khai thực hiện. Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND được coi là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số Tòa án cũng như xây dựng Tòa án điện tử.
Trung tâm được xây dựng nhằm mục đích tạo ra “bộ não số” của Tòa án với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra cái nhìn tổng thể toàn cảnh trên mọi lĩnh vực hoạt động của Tòa án.
Cơ sở vật chất của Trung tâm được đầu tư đồng bộ, hiện đại, gồm: Hạ tầng tính toán và truyền dẫn; Hệ thống tổng hợp dữ liệu; Hệ thống màn hình hiển thị, giám sát thông tin lớn với 24 màn hình ghép loại 49 inch và thiết bị điều khiển màn hình thông minh; Hệ thống âm thanh và các máy tính chuyên dụng để vận hành khai thác dữ liệu, hệ thống phần mềm điều khiển trung tâm…
Tại Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cùng các đại biểu đã thăm quan mô hình trung tâm và trực tiếp theo dõi phiên tòa xét xử trực tuyến tại các điểm cầu TAND cấp cao tại Hà Nội kết nối TAND tỉnh Lạng Sơn; TAND TP Hải Phòng - UBND TP Hải Phòng; TAND tỉnh Bắc Giang- Trại tạm giam tỉnh.
Theo ghi nhận, tại điểm cầu TAND cấp cao tại Hà Nội diễn ra phiên xét xử trực tuyến phiên tòa phúc thẩm đối với bị cáo Phạm Tiến Giang phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Trước đó, TAND tỉnh Lạng Sơn đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phạm Tiến Giang 2 năm tù. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Giang kháng cáo xin hưởng án treo.
Hình ảnh phiên tòa trực tuyến được kết nối trực tiếp về Trung tâm. Ảnh: Mạnh Hùng
Phiên tòa xét xử có hai điểm cầu. Trong đó, điểm cầu trung tâm đặt tại trụ sở TAND cấp cao tại Hà Nội. Thành phần Hội đồng xét xử gồm 3 Thẩm phán, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên VKSND cấp cao tại Hà Nội.
Điểm cầu thành phần đặt tại TAND tỉnh Lạng Sơn có những người tham gia tố tụng gồm bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại là bố mẹ của nạn nhân Hoàng Phùng Dung.
Ghi nhận tại điểm cầu TAND TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang sáng nay (8/1) diễn ra phiên tòa xét xử trực tuyến sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn Tuấn (SN 1995) bị VKSND thành phố Bắc Giang truy tố về tội “Cướp giật tài sản”. Bị cáo hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang.
Phiên tòa xét xử có 3 điểm cầu. Điểm cầu trung tâm đặt tại trụ sở TAND tỉnh Bắc Giang. Điểm cầu thành phần gồm Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang và điểm cầu tại TAND huyện Tân Yên (Bắc Giang) gồm những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cũng trong sáng nay, tại điểm cầu TAND TP Hải Phòng mở phiên tòa xét xử trực tuyến liên quan đến vụ án hành chính “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất”.
Người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Thu Thủy (trú tại Xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Còn người bị kiện là UBND huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đại diện là Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên; ông Lê Văn Tiến địa chỉ tại xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.
Phiên tòa xét xử có 2 điểm cầu gồm điểm cầu trung tâm tại TAND TP Hải Phòng; điểm cầu thành phần tại UBND thành phố Hải Phòng có Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện.
Tại điểm cầu còn có cán bộ Tòa án, VKS, Công an, Sở TT&TT để thực hiện nghiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, hỗ trợ về tố tụng, nghiệp vụ và kỹ thuật công nghệ thông tin.
Phòng xét xử trực tuyến của các các điểm cầu được thiết kế gồm các Camera chuẩn Full HD quay quét được nhiều góc độ, thiết bị giải mã hình ảnh, máy tính điều khiển, thiết bị trình chiếu tài liệu, chứng cứ, hệ thống âm thanh, các màn hình kích thước lớn hiển thị thông tin, hình ảnh các điểm cầu thành phần, thiết bị mạng, thiết bị lưu điện, đường truyền mạng riêng kết nối thẳng về TANDTC.
Ngoài ra, đối với hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến được thiết kế với đầy đủ các chức năng như: chức năng quản lý thông tin, hồ sơ vụ án; chức năng điều khiển các thiết bị camera, âm thanh, trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; chức năng ghi hình có âm thanh toàn bộ diễn biến phiên tòa xét xử trực tuyến, chức năng chuyển đổi giọng sang văn bản để hỗ trợ Thư ký xây dựng biên bản phiên tòa. Đặc biệt, phần mềm có giao diện đơn giản, thân thiện, dễ sử dụng giúp các Thư ký phiên tòa dễ dàng điều khiển phiên tòa trực tuyến theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa mà không cần đến cán bộ kỹ thuật hỗ trợ.
Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc áp dụng phiên tòa xét xử trực tuyến nhằm góp phần chủ động và thích ứng linh hoạt, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân có liên quan. Đồng thời tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, giảm thiểu thời gian, chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động và quản trị Tòa án theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử.