Chiều 14/11, TAND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND.
Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Võ Công Trí- Phó Bí thư Trường trực Thành ủy- Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm; đồng chí Nguyễn Thành, Chánh án TAND TP Đà Nẵng- Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đồng chí Trần Đình Quảng- Phó Chánh án; đồng chí Nguyễn Thị Cảnh- Phó Chánh án, các Chánh án tòa án quận- Giám đốc trung tâm hòa giải, đối thoại cùng các đồng chí hòa giải viên.
Đồng chí Nguyễn Thành, Chánh án TAND TP Đà Nẵng báo cáo kết quả thí điểm.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành đã báo cáo kết quả thực hiện thí điểm tại TAND hai cấp TP Đà Nẵng từ ngày 1/11/2018 đến ngày 30/9/2019. Thực hiện thí điểm công tác này, đã có 6 Trung tâm Hòa giải, đối thoại được thành lập với 36 Hòa giải viên, Đối thoại viên. Sau 11 tháng triển khai thí điểm, các Trung tâm hòa giải, đối thoại đã thực hiện trình tự, thủ tục, đối thoại theo đúng hướng dẫn tại các công văn của TAND tối cao cũng như các quy định khác của Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính có liên quan.
Theo đó, Tòa án nhận được là 4.755 đơn (bao gồm tất cả các loại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án nhận được). Các Trung tâm thụ lý 3.797 vụ việc. Đã hòa giải, đối thoại xong 2.795 vụ việc (73,61%.). Hòa giải thành, đối thoại thành: 2.117 vụ việc (75,74%.).
Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí trao Bằng khen của Chánh án TAND Tối cao cho 2 tập thể và 1 cá nhân.
Nhiều Trung tâm, nhiều hòa giải viên có tỷ lệ kết quả hòa giải thành, đối thoại trên 80%. Nhiều vụ tranh chấp có giá trị lớn, phức tạp nhưng cũng được hòa giải thành, đối thoại thành. Trong đó, có những vụ tranh chấp về đất đai, thừa kế, tranh chấp về hợp đồng vay tài sản có giá trị hơn 10 tỷ đồng.
Với 2.117 vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành thì có 821 vụ đương sự rút đơn khởi kiện, tự giải quyết, Tòa án không phải thụ lý giải quyết vụ việc. Đối với 1.296 vụ việc đương sự yêu cầu công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành thì Tòa án chỉ ra quyết định công nhận, đây là những việc không còn tranh chấp, thời gian giải quyết nhanh hơn, đương sự không phải chịu án phí theo giá ngạch.
Trung tâm tại TAND Q. Liên Chiểu và TAND Q.Cẩm Lệ là hai trung tâm có tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành có tỷ lệ hòa giải thành/số vụ việc đã giải quyết cao nhất. Trong đó, Liên chiểu là 85,57% và Cẩm Lệ là 83,92%. Trung tâm tại TAND quận Thanh Khê có số lượng vụ việc tiếp nhận và giải quyết cao nhất với 1.057 vụ việc thụ lý, giải quyết 851 vụ việc đạt tỷ lệ 80,51%. Trung tâm tại TAND Q.Hải Châu với 903 vụ việc thụ lý, giải quyết 577 vụ việc đạt tỷ lệ 63,9%. Các Trung tâm được đánh giá có cách thức làm việc linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Thành, Chánh án TAND TP Đà Nẵng trao Giấy khen cho 3 tập thể và 9 cá nhân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thí điểm về hòa giải, đối thoại trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: Các vụ việc hòa giải thành tập trung chủ yếu trong lĩnh vực Hôn nhân gia đình. Tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đối với các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính còn thấp.
Một số đơn khởi kiện đương sự có đề nghị không yêu cầu hòa giải, đối thoại tại Trung tâm. Có trường hợp đang trong thời gian chuẩn bị hòa giải, đối thoại hoặc Hòa giải viên, Đối thoại viên mới tiến hành gặp gỡ, tiếp xúc các bên tranh chấp thì đương sự đã có văn bản đề nghị không tiếp tục hòa giải, đối thoại, chuyển vụ việc qua Tòa án giải quyết. Sự phối hợp giữa Hòa giải viên, Đối thoại viên với Thẩm phán, thư ký giúp việc tại Trung tâm có lúc chưa thật nhịp nhàng; một số trường hợp việc thụ lý của Tòa án chậm hơn ngày lập biên bản hòa giải, đối thoại thành tại Trung tâm.
Tại hội nghị, một số cá nhân và tập thể tham gia các ý kiến tham luận. Hầu hết các tham luận trình bày đều cho rằng việc triển khai thí điểm công tác này đã thể hiện tính nhân văn, đem lại lợi ích nhiều mặt, giảm tải công việc cho Tòa án... Việc thực hiện thí điểm thời gian qua tại Tòa án nhân dân 2 cấp thành phố Đà Nẵng cũng như tại các địa phương thực hiện thí điểm đã đạt kết quả tốt, đem lại lợi ích nhiều mặt, giảm tải công việc cho Tòa án, cho thấy việc thể chế hóa để hình thành cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án bên cạnh các loại hình hòa giải ngoài tố tụng hiện nay là cần thiết, phù hợp hợp điều kiện nước ta hiện nay.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí Thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho rằng, những kết quả mà các Trung tâm Hòa giải, Đối thoại đã đạt được qua 11 tháng thực thí điểm là con số phản ánh thực chất kết quả thực hiện thí điểm của TAND 2 cấp. Có thể nói, kết quả đạt được tại TP Đà Nẵng cùng với 15 tỉnh thành phố khác đã góp phần củng cố về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của Dư án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án mà TAND tối cao chủ trì xây dựng, đang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.
Cũng theo Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, nếu dự thảo Luật này được Quốc hội thông qua thì hoạt động thí điểm gần 1 năm qua là kinh nghiệm quý báu để đội ngũ làm công tác tư pháp vận dụng trong thực tiễn khi Luật có hiệu lực thi hành, cả trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện và cũng là kinh nghiệm đối với các Hòa giải viên, Đối thoại viên.
Dịp này, có 2 tập thể (TAND Q.Sơn Trà và TAND Q.Hải Châu) và 1 cá nhân (TAND Q.Sơn Trà) được Chánh án TAND Tối cao tặng bằng khen, 9 cá nhân và 3 tập thể được Chánh án TAND TP tặng giấy khen.