TAND TP Bạc Liêu (Bạc Liêu): Xứng danh “Cờ thi đua Chính phủ”

Trung Thành| 02/11/2020 15:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong năm 2020, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng bằng sự cố gắng, phấn đấu của toàn thể cán bộ công chức, TAND TP Bạc Liêu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vượt chỉ tiêu đề ra trên nhiều mặt công tác, nhất là trong công tác giải quyết, xét xử các loại án.

Theo Chánh án TAND TP Bạc Liêu Trần Bích Ngọc cho biết, cũng giống như nhiều đơn vị Tòa án khác, trong năm 2020, TAND TP Bạc Liêu gặp rất nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, số lượng án đơn vị phải thụ lý lại tăng, cả về số lượng (trên 10%) và tính chất phức tạp, trong khi đó biên chế đơn vị lại giảm 1 Thẩm phán. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị đã triển khai áp dụng nhiều sáng kiến, giải pháp trong giải quyết án.

Trước đó, từ đầu năm 2018, để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, với phương châm “minh bạch, khách quan, kịp thời và hiệu quả”, hướng đến mục tiêu phục vụ tốt nhất yêu cầu của nhân dân và công khai hoạt động của Tòa án, TAND TP Bạc Liêu đã cho thành lập Tổ hành chính tư pháp, có nhiệm vụ đảm nhận toàn bộ hoạt động tiếp nhận đơn thư, yêu cầu của người dân, tham mưu phân công, xử lý công việc chuyên môn của đơn vị. Việc thành lập Tổ hành chính tư pháp tại đơn vị đã thể hiện rõ về hiệu quả phục vụ nhân dân, đảm bảo tính liên thông, kịp thời, chính xác trong quá trình giải quyết yêu cầu của người dân, không gây phiền hà, hạn chế chi phí cho nhân dân. Đây là bước chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính tư pháp tại Tòa án thành phố.

Năm 2020, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp theo hướng nhanh, gọn, hiệu quả và hiệu lực. Đồng thời cho triển khai áp dụng công nghệ thông tin vào công việc, từ việc thụ lý, báo gọi triệu tập phiên tòa, thống kê báo cáo, nghiên cứu văn bản nghiệp vụ đều được lập bảng biểu theo dõi khoa học, kịp thời, hiệu quả, chính xác nên tiến độ giải quyết án của đơn vị tăng lên rõ rệt, hạn chế nhiều được án quá luật định.

an.jpg
Thẩm phán Trần Bích Ngọc (ngoài cùng bên trái) đại diện cho TAND TP Bạc Liêu nhận Cờ thi đua Chính phủ, năm 2019

Ngoài ra, để phục vụ tốt hơn cho nhân dân, đơn vị tổ chức niêm yết các mẫu đơn khởi kiện và các hướng dẫn kèm theo, phát mẫu đơn khởi kiện miễn phí khi người dân có nhu cầu, đồng thời phân công cán bộ có kinh nghiệm, có tác phong hòa nhã, tận tụy làm công tác tiếp công dân, nhận đơn khởi kiện và hướng dẫn các thủ tục cho người dân. Vì vậy, công tác tiếp công dân và nhận đơn luôn nhận được sự hài lòng của người dân nên không xảy ra việc khiếu nại, tố cáo gì về công tác tiếp công dân.

Nhờ triển khai áp dụng nhiều sáng kiến, giải pháp đó nên các mặt công tác của TAND TP Bạc Liêu có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, trong năm 2020, đơn vị đã giải quyết 1.293/1.428 vụ việc; ra quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 156/156 trường hợp; quyết định miễn, giảm thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính 248 trường hợp... Tính trung bình mỗi Thẩm phán của đơn vị phải thụ lý và giải quyết 12-13 vụ việc/tháng.

Tuy số lượng án thụ lý và giải quyết tăng so với năm 2019, nhưng chất lượng giải quyết các loại án của đơn vị không ngừng được nâng cao; việc tranh tụng tại các phiên tòa luôn được quan tâm, chú trọng thực hiên theo đúng tinh thần cải cách tư pháp; xét xử có căn cứ, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị tại địa phương.

Bên cạnh đó, công tác hòa giải, đối thoại cũng được Tòa án thành phố đặc biệt chú trọng nên số vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động phải đưa ra xét xử không nhiều. Tỷ lệ hòa giải thành và công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình đạt 75,128% (740/985 vụ). Việc hòa giải thành làm giảm bớt sự tranh chấp mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giúp cho việc giải quyết vụ án nhanh chóng, giảm bớt chi phí và thời gian cho các bên đương sự, đồng thời tiết kiệm kinh phí cho công tác xét xử. Qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, giữ vững trật tự trị an ở địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, trong năm 2020, đơn vị đã tổ chức được 39 phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó có Thẩm phán đã tổ chức được 05 phiên. Tất cả các phiên tòa rút kinh nghiệm đều được thực hiện theo đúng hướng dẫn của TANDTC. Trước khi tổ chức, Thẩm phán có đăng ký và lên kế hoạch cụ thể. Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, đơn vị tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm hết sức nghiêm túc nhằm mục đích đánh giá các mặt ưu điểm, khuyết điểm của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và các thành viên Hội đồng xét xử trong việc xét xử vụ án. Đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án ngày một tốt hơn; xây dựng hình ảnh của đội ngũ công chức, Thẩm phán Tòa án trở thành vị trí trung tâm, mẫu mực, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Cùng với đó TAND TP Bạc Liêu còn chú trọng triển khai thực hiện và hoàn thành tốt nhiều mặt công tác khác, như: công tác tổ chức cán bộ; công tác xây dựng Đảng và các tổ chức, đoàn thể; công tác văn phòng; quản lý kinh phí, cơ sở vật chất; công tác thống kê, tổng hợp và ứng dụng công nghệ thông tin; công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; công tác Hội thẩm nhân dân; việc triển khai thi hành Hiến pháp và thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp; công tác xây dựng nông thôn mới; công tác phối hợp của chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành có liên quan đối với hoạt động của Tòa án.

Nhờ những thành tích đó, mới đây, TAND TP Bạc Liêu được Cụm thi đua số V – TAND suy tôn là đơn vị đạt “Cờ thi đua Chính phủ” năm 2020. Trước đó, Tòa án thành phố cũng từng vinh dự được đón nhận danh hiệu này vào năm 2019. Những danh hiệu, phần thưởng cao quý đó vừa là nguồn động viên to lớn, vừa là động lực để toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị phấn đấu hơn nữa trong những năm công tác tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND TP Bạc Liêu (Bạc Liêu): Xứng danh “Cờ thi đua Chính phủ”