Tòa án địa phương

TAND tỉnh Tiền Giang: Hội nghị trao đổi, tháo gỡ vướng mắc trong công tác phối hợp

Thái Đoàn 09/08/2024 - 11:53

Ngày 9/8, TAND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp với cơ quan chuyên môn. Ông Huỳnh Xuân Long, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có: ông Nguyễn Như Ý, Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Tiền Giang; bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Tiền Giang; ông Nguyễn Hữu Tiến, Giám đốc Văn phòng Đăng ký Đất đai (Sở TNMT tỉnh Tiền Giang); ông Đinh Văn On, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Tiền Giang.

img_7142.jpg
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang cho biết, sau hơn một năm thực hiện Quy chế về phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc dân sự, hình sự và hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang thực hiện xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật.

Công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan được tăng cường đã giải quyết tốt các vụ án, hạn chế đến mức thấp nhất việc tạm đình chỉ nhiều lần đối với một vụ việc, tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng căn cứ pháp luật.

Trong 10 tháng đầu năm công tác 2024, TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang đã thụ lý tổng cộng 14.315 vụ việc, đã giải quyết 9.426 vụ việc, đạt tỉ lệ 65, 85%. (so với cùng kỳ).

Đạt được những kết quả trên là nhờ sự lãnh, chỉ đạo kịp thời của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Tiền Giang, sự tập trung lãnh đạo của Ban Cán sự đảng, ban lãnh đạo TAND tỉnh Tiền Giang đối với các đơn vị trực thuộc TAND tỉnh.

Đặc biệt là có sự hỗ trợ, phối hợp của UBND các cấp, các sở, ban, ngành của tỉnh, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thị, thành với TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang.

Tuy nhiên, TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang cũng còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải quyết án tranh chấp quyền sử dụng đất và tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất do số lượng án ngày càng tăng, tính chất các loại vụ việc tranh chấp tại Tòa án ngày càng phức tạp.

Một số cơ quan, đơn vị chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ khi được Tòa án yêu cầu. Công tác đo đạc, thẩm định, định giá cũng còn những khó khăn, hạn chế.

Ngoài ra, các đương sự phản ứng gay gắt và gây khó khăn khi Tòa án tiến hành thẩm định, định giá nên phần nào đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải quyết án của TAND hai cấp.

hxl-.jpg
Ông Huỳnh Xuân Long, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang phát biểu kết luận Hội nghị

Tại hội nghị, các phòng nghiệp vụ của TAND tỉnh Tiền Giang và TAND hai cấp đã đưa ra những khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến các vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai như: tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, chia thừa kế có di sản là quyền sử dụng đất…

Đến nay TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang đang thụ 281 vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai nhưng các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tiền Giang chậm gửi bản vẽ đo đạc hoặc chậm phê duyệt đã gây ảnh hưởng đến công tác xét xử án cho các đương sự.

Ông Nguyễn Song Bình, Phó Chánh án TAND TP Mỹ Tho cho biết, khó khăn trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong đo đạc, định giá.

Theo khoản 1 Điều 111; khoản 1 Điều 112; khoản 12 Điều 114; Điều 127 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự thì trong trường hợp có người không hợp tác cho đo đạc, định giá tài sản tranh chấp thì đương sự có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc mở cửa để xem xét, thẩm định tại chỗ.

img_7153.jpg
Các đại biểu tại hội nghị

Tòa án đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc mở cửa để xem xét, thẩm định tại chỗ thì việc thực thi quyết định đó do Chi cục THADS thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay phát sinh tình huống là chi phí cho việc buộc thực hiện quyết định đó do cơ quan nào thu (Tòa án hay Cơ quan thi hành án) và việc chi như thế nào chưa được hướng dẫn cụ thể.

Chi phí này có được tính là chi phí tố tụng mà người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (cũng là người nộp chi phí) có được yêu cầu hoàn trả chi phí này hay không?

Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan thực hiện lập hồ sơ cần nghiên cứu thực hiện đầy đủ trước khi chuyển đến Tòa án xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Đồng thời tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn để các xã, phường và cán bộ Phòng LĐTB&XH về công tác lập hồ sơ.

img_7158.jpg
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Giám đốc Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh Tiền Giang phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Tiến, Giám đốc Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh Tiền Giang ghi nhận những góp ý kiến góp ý, xây dựng của các đại biểu. Đồng thời cho rằng, liên quan đến việc cung cấp hồ sơ tài liệu, Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ theo yêu cầu của cơ quan Tòa án. Đối với các hồ sơ không được lưu giữ thì sẽ có văn bản phúc đáp rõ để cơ quan Tòa án được biết.

Khi giới thiệu đương sự liên hệ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai ký hợp đồng đo đạc, trong văn bản giới thiệu kiến nghị cơ quan Tòa án nêu rõ đo đạc để phục vụ giải quyết tranh chấp gì (như tranh chấp về ranh, tranh chấp đường đi, đường nước, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế, tranh chấp tài sản chung vợ chồng...) và có thể hiện thông tin thửa đất cần đo đạc để Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai có thể nghiên cứu, nắm bắt thông tin và phối hợp hiệu quả, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đo đạc.

Khi tiến hành đo đạc, kiến nghị cơ quan Tòa án thông báo cho đương sự và các hộ giáp ranh biết được ngày, giờ đo đạc để chứng kiến đo đạc; tránh trường hợp các hộ giáp ranh không được biết, vắng mặt, các đương sự chỉ ranh, cắm ranh theo ý kiến cá nhân gây sai lệch ranh giới làm ảnh hưởng đến việc cấp GCNQSDĐ sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; đồng thời tránh không làm phát sinh tranh chấp mới đối với các thửa đất liền kề.

Trường hợp khi ký hợp đồng nhưng chưa xác định được ngày đo đạc thì thời gian trả kết quả đo đạc là 15 ngày làm việc, tính từ ngày đo đạc thực tế tại thửa đất tranh chấp.

Đối với các văn bản trao đổi, đề nghị cung cấp thông tin, kiến nghị cơ quan Tòa án gửi qua hệ thống văn bản điện tử để đảm bảo được nhanh chóng, kịp thời và tiện lợi hơn việc gửi văn bản giấy như hiện nay đang thực hiện.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Huỳnh Xuân Long, Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang ghi nhận những ý kiến phát biểu và thảo luận đóng góp hết sức thẳng thắn, đầy trách nhiệm về những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua. Đồng thời tiếp thu và ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Sau cuộc họp, Ban Cán sự đảng, ban lãnh đạo TAND tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện các ý kiến chỉ đạo, đóng góp trong hội nghị này để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà TAND hai cấp gặp phải thời gian qua và sẽ ký quy chế phối hợp với chính quyền, sở, ngành liên quan tùy lĩnh vực, chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị chuyên môn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND tỉnh Tiền Giang: Hội nghị trao đổi, tháo gỡ vướng mắc trong công tác phối hợp