Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2024, đồng chí Nguyễn Thanh Phong, Phó Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang đã trình bày tham luận với nội dung “Các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2024”.
Năm 2023 TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang thụ lý 15.468 vụ việc các loại, đã giải quyết được 13.610 vụ việc, tỷ lệ giải quyết chung 87,99%; Chất lượng xét xử, các mặt công tác khác đều đạt và vượt chỉ tiêu thi đua; không có án quá thời hạn chuẩn bị xét xử.
Có được kết quả trên, là nhờ có sự tập trung cao độ, chú trọng vào những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, đi sâu phân tích tìm ra nguyên nhân; đồng thời, nghiên cứu dự báo tình hình kinh tế, xã hội của địa phương có tác động đến diễn biến của tội phạm, các tranh chấp, khiếu kiện thuộc thẩm quyền của TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang; quan tâm đánh giá một cách khách quan, toàn diện về thực trạng đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, cán bộ, công chức của từng đơn vị. Đặc biệt, lãnh đạo TAND tỉnh Tiền Giang đã chú trọng đến các giải pháp đột phá mang tính trọng tâm, chủ yếu phù hợp với tình hình thực tế của Tòa án 2 cấp tỉnh Tiền Giang.
Lãnh đạo TAND tỉnh Tiền Giang thể hiện vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và công tác cán bộ là rất quan trọng, là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ, việc; bởi lẽ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Đặc biệt chú trọng đến việc rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức có chức danh tư pháp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu đơn vị của tỉnh và huyện.
Việc rèn luyện bản lĩnh chính trị được tiến hành đồng bộ thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, phương pháp làm việc, năng lực công tác,… gắn liền với việc tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị của mỗi người.
Tăng cường học tập, rèn luyện phong cách lãnh đạo, quản lý, chú trọng nêu gương về phẩm chất, lối sống, đạo đức; tính khách quan, khoa học trong xử lý, giải quyết công việc; nâng cao tư duy về tầm nhìn vừa đảm bảo bao quát, vừa sâu sát thực tiễn, nói đi đôi với làm; từng bước khắc phục được tình trạng chủ quan, duy ý chí. Thể hiện tốt tinh thần quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hành động vì lợi ích chung, không có sự độc đoán, đề cao vai trò cá nhân.
Bên cạnh đó, lãnh đạo TAND tỉnh Tiền Giang xác định tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm là giải pháp đột phá, hữu hiệu để nâng cao chất lượng xét xử.
Thực hiện Chỉ thị của Chánh án TANDTC và Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày 30/3/2017 của TANDTC đã đặt ra yêu cầu đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp; trên cơ sở đó, lãnh đạo TAND tỉnh giao chỉ tiêu cho mỗi Thẩm phán chủ tọa xét xử ít nhất 01 phiên tòa rút kinh nghiệm.
Việc lựa chọn các vụ án để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm tại đơn vị, đảm bảo thực chất và đạt chất lượng, hiệu quả cao. Ưu tiên lựa chọn các vụ án có tính chất phức tạp hoặc các vụ án có luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.
Trong năm 2023, TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang đã tổ chức được 256 phiên tòa rút kinh nghiệm (tỉnh 50, huyện 206); tất cả các phiên tòa đều tuân thủ đúng quy định pháp luật tố tụng, đảm bảo cho những người tham gia tố tụng được thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ tố tụng tại phiên tòa.
Hội đồng xét xử chủ động đặt vấn đề để các bên tranh luận, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án; góp phần tích cực cho việc ban hành quyết định của bản án mang tính thuyết phục cao, tạo sự đồng thuận của đương sự, đồng tình ủng hộ của xã hội.
TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang thường xuyên tổ chức quán triệt tới cán bộ, đảng viên; xây dựng những chuẩn mực đạo đức cán bộ, công chức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm hoạt động, công việc của TAND, gắn với nội dung lời dạy của Người “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.
Học tập, làm theo và nêu gương gắn với các phong trào thi đua “Vì công lý” và “Cán bộ, công chức, người lao động TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, nêu gương, vì công lý, quyết tâm thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cụ thể hóa bằng việc nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, Thư ký, công chức trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn và tinh thần thái độ, trách nhiệm vì nhân dân phục vụ.
Sang năm 2024, TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang sẽ không ngừng nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn, hạn chế thiếu sót, phát huy trí tuệ, khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã được Ban cán sự đảng và Chánh án TANDTC giao tại Nghị quyết số 512-NQ/BCSĐ ngày 12/12/2023.
Đặc biệt quan tâm phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động của cấp ủy gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm của cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt việc bổ sung, xây dựng các chuẩn mực đạo đức, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở cơ quan, đơn vị và nhân rộng các điển hình tiên tiến các gương người tốt việc tốt trong học tập và làm theo Bác..
Tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Vì công lý” bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tòa án nhân dân 2 cấp. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng, lấy hiệu quả công việc làm thước đo để đánh giá, bình xét thi đua, làm cho công tác này thực sự trở thành động lực khuyến khích các tập thể, cá nhân không ngừng phấn đấu vươn lên.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, người lao động Tòa án hai cấp, trước hết là các lãnh đạo Tòa án tỉnh, huyện, các công chức có chức danh tư pháp nhằm củng cố và tạo niềm tin của nhân dân đối với Tòa án.
Đồng thời, tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức TAND 2 cấp, nhất là đội ngũ Thẩm phán có đạo đức cách mạng trong sáng, có bản lĩnh, tính chiến đấu cao, có lương tâm, tấm lòng nhân ái, luôn “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, có phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng, tinh thông pháp luật, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học - công nghệ.