TAND tỉnh Thanh Hoá: Luật hòa giải, đối thoại đã đi vào nề nếp và đạt được nhiều kết quả khả quan

Tài Đức| 18/05/2022 10:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau một năm TAND hai cấp tỉnh Thanh Hoá triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án, đã giúp đơn vị giải quyết hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và hạn chế được việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.

Để triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Lãnh đạo TAND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn hai cấp Tòa án thực hiện tốt công tác thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như lựa chọn những người để bổ nhiệm các Hoà giải viên.

Cụ thể, đối với TAND cấp tỉnh, đã có nhiều hoạt động để tuyên truyền như: Ban hành kế hoạch tuyên truyền; tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật; tuyên truyền thông qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ Thẩm phán, TTV, Thư ký, Hội Thẩm nhân dân; tham gia hoạt động tuyên truyền pháp luật của Hội Luật gia, Trung tâm trợ giúp pháp lý; phối hợp với Đài truyền hình tỉnh Thanh Hóa xây dựng chuyên mục tuyên truyền Luật trên sóng phát thanh và truyền hình nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh đồng thời thông báo đến toàn thể CBCC, NLĐ TAND hai cấp theo dõi.

Đối với TAND cấp huyện, TAND tỉnh xây dựng Kế hoạch số 2685/KH-TATH hướng dẫn TAND cấp huyện triển khai quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật đến toàn thể CBCC, NLĐ và yêu cầu các đơn vị phối hợp với truyền thông địa phương cùng cấp tuyên truyền Luật đến các tầng lớp nhân dân. Tòa án nhân dân cấp huyện đã thực hiện tuyên truyền với nhiều hình thức như: phối hợp với đài phát thanh truyền hình của huyện để tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân tại địa phương; các chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý; Phòng Văn hóa Thông tin huyện tuyên truyền tại các xã trong địa bàn huyện …

Hiện nay số lượng Hòa giải viên ở TAND hai cấp Thanh Hoá là 34 người (tỉnh 03, huyện 31), tất cả đều có trình độ Đại học. Trong đó 32/32 Hòa giải viên nguyên là Thẩm phán, Thư ký, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Công an nên có kinh nghiệm trong công tác Hòa giải đối thoại tại Tòa án. Các Hòa giải viên đều rất nhiệt huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chịu khó nghiên cứu Luật và các văn bản hướng dẫn của TAND tối cao để thực hiện tốt nhiệm vụ, mang lại nhiều kết quả tích cực, có vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đã được hòa giải, đối thoại xong, người khởi kiện rút đơn khởi kiện, giảm bớt áp lực cho Tòa án. Sau 01 năm thực hiện công tác thi hành Luật hòa giải, đối thoại của TAND hai cấp đã đi vào nề nếp và đạt được nhiều kết quả khả quan.

anh-kem-bai-tand-tinh-thanh-hoa-luat-hoa-giai-doi-thoai-da-di-vao-ne-nep-va-dat-duoc-nhieu-ket-qua-kha-quan.jpg
Một buổi hòa giải, đối thoại tại TAND thành phố Thanh Hoá

Tính từ ngày 01/01/2021 đến 30/12/2021, TAND tỉnh Thanh Hoá và 19 TAND cấp huyện đã thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Còn 08 đơn vị chưa thực hiện được là Thành phố Sầm Sơn, các huyện: Thiệu Hóa, Nga Sơn, Triệu Sơn, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Mường Lát, nguyên nhân chính là không nhận được hồ sơ của người có nguyện vọng làm Hòa giải viên.

Trong năm 2021, TAND hai cấp tỉnh Thanh Hoá thụ lý 6832 vụ việc, số lượng vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại lại Tòa án là 1784 vụ việc ( chiếm tỷ lệ 26,1% số lượng đơn khởi kiện, đơn yêu cầu mà Tòa án nhân được). Số lượng vụ việc đã được hòa giải thành, đối thoại thành là 727 vụ việc ( chiếm tỷ lệ 40,8 % số lượng vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại). Số lượng vụ việc đã ra quyết định công nhận công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 598 vụ việc ( chiếm tỷ lệ 82,% số lượng vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành).

Trong đó, một số đơn vị có số lượng vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại tại Tòa án cao và cũng có số lượng hòa giải, đối thoại thành cao như TAND huyện Hoằng Hóa 113 vụ việc hòa giải, đối thoại thành/174vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại/ 620 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu nhận được; TAND thị xã Nghi Sơn 83/198/583; Quảng Xương 98/151/407; Thường Xuân 60/84/173. Các vụ việc được hòa giải thành chủ yếu là vụ việc hôn nhân gia đình, tranh chấp về dấn sự, khiếu kiện hành chính, kinh doanh - thương mại.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thì trong thời gian triển khai Luật Hoà giải đối thoại tại Toà án, các đơn vị cũng gặp những vướng mắc, khó khăn nhất định, như: một số vụ việc phía người bị kiện không đến, đương sự không hợp tác, thiếu địa chỉ, địa chỉ không rõ ràng hoặc đương sự đã đi khỏi nơi cư trú, cố tình giấu địa chỉ…

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Nga – Chánh án TAND tỉnh Thanh Hoá cho biết: Để việc thi hành Luật Hoà giải đối thoại tại Toà án đạt được kết quả cao hơn thì cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đồng thời, bà cũng mong muốn TAND tối cao tiếp tục phân bổ biên chế Thư ký hoặc tuyển dụng lao động giúp việc theo chế độ hợp đồng lao động phục vụ công tác hòa giải, đối thoại và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, hướng dẫn mẫu sổ dùng cho hòa giải; mở lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ đối với Hòa giải viên, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với các trường hợp đề nghị tuyển chọn, bổ nhiệm Hòa giải viên trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Từ đó từng bước đưa Luật vào cuộc sống, trở thành phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND tỉnh Thanh Hoá: Luật hòa giải, đối thoại đã đi vào nề nếp và đạt được nhiều kết quả khả quan