Tòa án địa phương

TAND tỉnh Sóc Trăng: Nhiều kết quả tích cực trong triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Tâm Phúc 15/06/2023 - 10:57

Kể từ khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực, TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng đã triển khai với tinh thần nghiêm túc, tích cực và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành cao

Xác định nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Luật), là nhiệm vụ chính trị quan trọng, TAND tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất và được Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Sóc Trăng đồng ý nội dung triển khai thi hành Luật vào nhiệm vụ trọng tâm công tác.

TAND tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch để triển khai thi hành Luật đến TAND hai cấp, thành lập Ban Chỉ đạo thi hành Luật; chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí để triển khai thi hành theo kế hoạch của TANDTC; chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện công tác tham mưu, thống kê, tổng hợp; kiểm tra các đơn vị thực hiện theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

z4433591425363_07f0f032603715bcd32383a6d7019182.jpg
TAND tỉnh Sóc Trăng đã tích cực triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Từ năm 2021 đến 31/5/2023, tổng số vụ, việc hòa giải viên đã hòa giải, đối thoại là 5.065 vụ, việc, trong đó: tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành (bao gồm đương sự rút đơn), trên tổng số vụ việc hòa giải viên đã hòa giải, đối thoại là 71,37%; tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành (bao gồm đương sự rút đơn), trên tổng số đơn khởi kiện Tòa án nhận được là 21,89%.

Bình quân một hòa giải viên phải giải quyết là 125 vụ, việc. Bình quân một hòa giải viên đã hòa giải, đối thoại thành là 71 vụ, việc, đạt tỷ lệ 56,8% so với bình quân số lượng vụ, việc được phân công.

Tăng cường công tác tuyên truyền về hòa giải, đối thoại

TAND tỉnh Sóc Trăng đã cử các cá nhân đủ điều kiện tiêu chuẩn đăng ký làm hòa giải viên tham gia các đợt bồi dưỡng nghiệp vụ do TANDTC tổ chức.

Tính đến nay, TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng có tổng số 51 hòa giải viên. Hầu hết các hòa giải viên đều có trình độ, hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm tiến hành hòa giải, đối thoại, đặc biệt là đều rất nhiệt huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.

z4433545119378_515d68f2df73febf727134416a083c43.jpg
Danh sách hòa giải viên được niêm yết công khai.

TAND tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết, các hoạt động triển khai Luật được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: ban hành kế hoạch tuyên truyền; tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật; tuyên truyền thông qua các đợt tập huấn Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký; tổ chức Lễ công bố quyết định bổ nhiệm hòa giải viên.

Lãnh đạo TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật với các hình thức đa dạng, phong phú như: tại các cuộc họp hàng tháng, họp giao ban, hội nghị tập huấn nghiệp vụ; Thẩm phán, Thư ký phổ biến, tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân khi đến liên hệ công tác.

Qua công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và văn bản quy định chi tiết thi hành, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã có chuyển biến tích cực, từng bước đưa Luật vào cuộc sống.

Nhằm bảo đảm trang bị kịp thời về cơ sở vật chất cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng đã sắp xếp, bố trí phòng làm việc, kịp thời mua sắm các trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác hòa giải, đối thoại tại đơn vị, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải của hòa giải viên. Chế độ chính sách đãi ngộ đối với hòa giải viên được thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng quy định.

Chỉ đạo quyết liệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hòa giải, đối thoại

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong quá trình triển khai thi hành Luật, Ban cán sự đảng và lãnh đạo TAND tỉnh Sóc Trăng đã có những chỉ đạo quyết liệt. Thẩm phán, thư ký, công chức TAND hai cấp luôn nêu cao nhận thức về vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác hòa giải, đối thoại, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác triển khai thi hành Luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ, đảm bảo quyền, lợi ích của đương sự và nâng cao hiệu quả giải quyết án của đơn vị.

Đa số các hòa giải viên trước khi được bổ nhiệm là các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thanh tra viên nghỉ hưu, đã có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác chuyên môn nên tạo được sự tín nhiệm của đương sự, người dân khi lựa chọn hòa giải, đối thoại.

Các hòa giải viên đều là những người nhiệt huyết, có trình độ, có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, có kỹ năng hòa giải đáp ứng được yêu cầu của công tác hòa giải, đối thoại.

Thẩm phán Tòa án có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và các thư ký Tòa án tích cực hỗ trợ về nghiệp vụ cho hòa giải viên khi có yêu cầu.

z4433545141287_8b8c0c5a4a248c40a26ed8e88dbcd207.jpg
Hòa giải viên đều là những người am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm trong công tác luật pháp.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực pháp luật, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, giải đáp nghiệp vụ được ban hành và triển khai kịp thời đến đội ngũ cán bộ, công chức, hòa giải viên đã tạo điều kiện cho việc triển khai và áp dụng Luật vào trong thực tiễn. Do đó, việc phân công, phân nhiệm Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại, Thư ký hỗ trợ, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất cũng như các hoạt động hòa giải, đối thoại được tiến hành đúng pháp luật, đảm bảo tiến độ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được tiến hành nghiêm túc, theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của TANDTC góp phần phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân.

Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm, Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng, quá trình thực hiện Luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc đó là: Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật còn gặp phải một số khó khăn, công tác tuyên truyền đôi khi chưa được sâu, rộng đến từng ấp, xã.

Đối với việc hướng dẫn áp dụng thống nhất, chưa có quy định thống nhất về quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án; chưa có chế độ về việc được sử dụng lao động hợp đồng trong hoạt động hỗ trợ hòa giải viên, trong khi hiện tại hầu hết các Tòa án đang phải phân công bổ sung nhiệm vụ liên quan đến hoạt động hòa giải, đối thoại.

z4433545150946_58f5cfbb7e26faff66ffbac809baf81a.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng.

Cơ sở vật chất cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án cơ bản chưa được đảm bảo. Đa số các đơn vị chỉ bố trí được một phòng vừa là phòng hòa giải, đối thoại, vừa là phòng làm việc của hòa giải viên.

Phòng hòa giải, đối thoại hầu hết được trưng dụng từ phòng họp, phòng tiếp dân, phòng xét xử; diện tích phòng hòa giải, đối thoại nhỏ, không đúng tiêu chuẩn theo quy định, trang thiết bị; chưa có hướng dẫn cụ thể về kinh phí đảm bảo cho việc lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho phòng hòa giải, đối thoại và phòng làm việc của hòa giải viên.

Chưa có quy định về chế độ đối với Thẩm phán khi tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

z4433545147924_b4ccb2111f83d549ebc3253ceb6e1ef2.jpg
Cơ sở vật chất cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án chưa được đảm bảo.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Phó Chánh TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm, ngoài các khó khăn nêu trên, trong quá trình triển khai còn gặp một số vướng mắc như: Trường hợp hình thức, nội dung đơn khởi kiện không đúng quy định hoặc chưa cung cấp đủ tài liệu thì trước khi chuyển đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cho Hòa giải viên, Tòa án có được yêu cầu sửa đổi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu không và trình tự, thủ tục yêu cầu sửa đổi đơn khởi kiện? Người bị kiện đang đi làm xa hoặc không hợp tác trong khi thời hạn thực hiện các thủ tục ban đầu của việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngắn nên không đảm bảo được thời gian thông báo cho người bị kiện, dẫn đến người khởi kiện không đồng ý tiến hành hòa giải, đối thoại.

Thời hạn hòa giải đối thoại ngắn, chưa đảm bảo đối với vụ việc phức tạp trong các trường hợp như: cần chờ ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn trong một số lĩnh vực đang tranh chấp; cần thời gian để xác minh địa chỉ liên lạc và thông tin của các bên….

Luật chỉ quy định việc gửi thông báo chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại và quyết định chỉ định hòa giải viên cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định chỉ định hòa giải viên.

Do đó, xảy ra trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không biết người khởi kiện yêu cầu gì để quyết định việc đồng ý hoặc không đồng ý hòa giải, đối thoại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND tỉnh Sóc Trăng: Nhiều kết quả tích cực trong triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án