TAND tỉnh An Giang: Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử

Mạnh Hùng - Ý Thơ| 22/12/2020 07:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Hội nghị triển khai công tác Toà án năm 2021, đồng chí La Hồng - Chánh án TAND tỉnh An Giang đã chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc tại TAND hai cấp tỉnh An Giang.

Theo đồng chí La Hồng - Chánh án TAND tỉnh An Giang cho biết, việc ứng dụng công nghệ tin học vào trong hoạt động của Tòa án đã được TAND thị xã Châu Đốc (nay là TP Châu Đốc), tỉnh An Giang đưa vào áp dụng từ năm 2003. Qua đó, đã giúp cho công tác quản lý điều hành khoa học và hiệu quả, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho Thẩm phán, Thư ký trong thao tác nghiệp vụ, đồng thời là điều kiện để học tập, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

lanh-dao-dang-nha-nuoc-moi.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về tham dự Hội nghị triển khai công tác Toà án năm 2021

Thành quả về công nghệ tin học của TAND TP Châu Đốc đã được lãnh đạo TAND tỉnh triển khai thực hiện trong toàn tỉnh. Đó cũng là thực hiện một trong 14 giải pháp theo chỉ đạo của Chánh án TANDTC tại Hội nghị Chánh án 4 cấp được tổ chức ngày 11, 12/9/2017.

Bước đầu, lãnh đạo đã tạo điều kiện cho cán bộ công chức học tập, nâng cao trình độ tin học, trang bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hoạt động của cán bộ, công chức về áp dụng tin học.

Về thực tiễn ứng dụng công nghệ thông tin tại TAND hai cấp trong tỉnh với các hoạt động sau:

Một là hệ thống Quản lý Văn bản - Điều hành (phần mềm VNPT ioffice) - tham mưu lãnh đạo trong tiếp nhận, xử lý văn bản đến, đi của TAND hai cấp tỉnh An Giang

Phần mềm VNPT - ioffice do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam sản xuất và cung cấp. Là hệ thống phần mềm sử dụng công nghệ điện toán đám mây - công nghệ tiên tiến và phổ biến nhất hiện nay, bảo đảm kết nối liên thông văn bản giữa Tòa án cấp tỉnh và cấp huyện.

Dữ liệu được lưu trữ tại hệ thống Trung tâm dữ liệu của Tập đoàn VNPT, tính bảo mật cao, đảm bảo an toàn thông tin. Khi triển khai phần mềm, hầu hết các văn bản không mang tính bảo mật của cơ quan đều được chuyển dưới dạng văn bản điện tử, giúp tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm, tiết kiệm nguồn nhân lực khai thác, vận hành hệ thống máy chủ, quản lý, khai thác hệ thống... Phần mềm cho phép cấu hình đa quy trình, phân công, phân quyền sử dụng đến từng cá nhân một cách khoa học, hợp lý; cho phép thiết lập người sử dụng với nhiều vai trò khác nhau; liên thông văn bản từ khi Tòa án tỉnh tiếp nhận xuống các phòng, tòa và Tòa án cấp huyện; giám sát quy trình luân chuyển văn bản. Các chức năng phần mềm phong phú, đơn giản, dễ sử dụng, tích hợp chức năng điều hành, quản lý lịch họp và lịch công tác của từng cá nhân, đơn vị… Vì vậy, đã giúp đơn vị thực hiện hóa các mục tiêu xây dựng một văn phòng điện tử không giấy tờ...

toa-an-nhan-dan-tinh-an-giang.jpg
Đồng chí La Hồng Chánh án TAND tỉnh An Giang trình bày trước Hội nghị

Hai là hệ thống lưu trữ dữ liệu tập trung - tham mưu lãnh đạo trong quản lý dữ liệu nội bộ của đơn vị.

Được TANDTC cấp 01 máy chủ (năm 2012), TAND tỉnh An Giang đã kết hợp sử dụng máy chủ này triển khai ứng dụng Hệ thống lưu trữ dữ liệu tập trung với tên miền https://files.tandtinh.angiang.vn dùng để kết nối, quản lý, chia sẻ các dữ liệu nội bộ thông qua mạng LAN.

Phần mềm cho phép phân công, phân quyền sử dụng đến từng cá nhân một cách khoa học, hợp lý; cho phép thiết lập người sử dụng với nhiều vai trò khác nhau, quản lý dữ liệu cá nhân như một ổ đĩa cứng di động, đồng thời có thể chia sẻ dữ liệu giữa các cá nhân với nhau. Tất cả các sổ sách hành chính và nghiệp vụ chuyên môn của đơn vị được tải lên và cập nhật trực tiếp trên hệ thống. Cán bộ, công chức có thể lấy số, cập nhật dữ liệu ở bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ trường hợp nào (đang đi công tác, hội họp hay ngay cả tại nhà - chỉ cần điện thoại, máy tính có kết nối mạng internet).

Đối với những vụ án phức tạp, có nhiều bị cáo, nhiều bị hại, nhiều người tham gia tố tụng, các Thư ký tham gia phiên tòa có thể cùng lúc gõ văn bản trên máy tính nội dung diễn biến phiên tòa trên cùng một biên bản và ngay tại thời điểm đó Thẩm phán cũng có thể trực tiếp điều chỉnh nội dung của biên bản để đảm bảo hoàn chỉnh biên bản ngay sau khi kết thúc phiên tòa dù phiên tòa có thể diễn ra trong nhiều ngày liên tiếp …

Ngoài ra, việc đăng ký phòng xử trực tiếp trên Hệ thống lưu trữ dữ liệu tập trung đã tránh được tình trạng trùng lịch, trùng phòng xử án nên các HĐXX, Thẩm phán chủ động được kế hoạch công tác trong tháng, hạn chế hoãn phiên tòa và tạo điều kiện thuận tiện cho người dân theo dõi, tham dự phiên tòa.

Ba là File Excel thống kê, báo cáo số liệu án - tham mưu lãnh đạo trong quản lý và theo dõi án quá hạn của từng Thẩm phán.

Bộ phận một cửa Văn phòng Tòa án tỉnh An Giang đã thiết lập bảng tính Excel cập nhật theo dõi các vụ việc từ khi phân công đến khi kết thúc việc xét xử. Bảng tính được xây dựng dựa trên phần mềm Excel, các công thức được vận dụng từ các hàm tương ứng đã được cài đặt sẵn như hàm if, hàm subtotal, hàm day, hàm today, hàm or…

Hàng tuần, hàng tháng vào các buổi họp báo, chào cờ, số liệu này luôn được cập nhật và báo cáo cho lãnh đạo. Đồng thời bảng tính được chia sẻ đến lãnh đạo thông qua ứng dụng chia sẻ đường link trên Google drive thuận tiện cho lãnh đạo giám sát, kiểm tra (kể cả trên điện thoại và bất cứ thời điểm nào khi cần) để kịp thời nhắc nhở tiến độ giải quyết án của từng Thẩm phán, có hướng xử lý đối với các vụ án gần hết thời gian chuẩn bị xét xử, từng bước hạn chế án quá thời hạn chuẩn bị xét xử.

Từ việc theo dõi này TAND tỉnh An Giang đã hạn chế được tối đa lượng án tồn quá hạn luật định, kiểm soát được số lượng án đang được phân công của từng Thẩm phán, thời gian thụ lý giải quyết vụ án, án tạm đình chỉ, án quá thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn tạm giam của bị can, bị cáo …. đảm bảo không vi phạm tố tụng.

Bốn là File Excel tính tạm ứng án phí, án phí theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thiết lập bảng tính Excel về cách tính án phí của từng loại vụ việc bằng việc tạo hàm if dù không phức tạp nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho Thẩm phán, Thư ký trong việc tính tạm ứng án phí, án phí với thủ thuật đơn giản chỉ nhập giá trị tài sản tranh chấp vào ô định sẵn sẽ có thông tin số tiền tạm ứng án phí, án phí phải nộp.

Cuối cùng là việc tra cứu văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho việc nghiên cứu và xét xử.

Tổng hợp đồng thời pháp điển hóa những văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, giải đáp vướng mắc, kết luận, những nội dung nhận định những bản án giám đốc thẩm, tình huống pháp lý của án lệ vào trong văn bản luật file word thành bộ sách “tổng hợp”.

Thẩm phán, Thư ký khi tra cứu văn bản cần sử dụng, chỉ việc sử dụng ctrl+f và gõ những từ cần tìm kiếm để tìm kết quả…

Với những kết quả đạt được từ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức triển khai nhiệm vụ chuyên môn tại TAND hai cấp tỉnh An Giang nhưng vẫn chưa thật sự đáp ứng hoàn toàn yêu cầu cải cách tư pháp.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả xử lý công việc và công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”; để Toà án có thể trở thành “Toà án điện tử” thì việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính tư pháp là một trong những nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác của Tòa án. Đây chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của TAND hai cấp tỉnh An Giang trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND tỉnh An Giang: Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử