TAND huyện Cần Giờ tổ chức phiên tòa giả định trực tuyến

Kim Sáng| 31/03/2022 13:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 31/3, TAND huyện Cần Giờ (TP.HCM) tổ chức phiên tòa giả định bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu trung tâm TAND huyện Cần Giờ và hai điểm cầu thành phần tại Nhà tạm giữ huyện Cần Giờ và xã đảo Thạnh An.

Theo đó, TAND huyện Cần Giờ mở phiên tòa giả định xét xử sơ thẩm vụ án “Cướp giật tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Văn F, sinh năm 2000 tại TPHCM. Bị cáo bị TAND huyện Cần Giờ tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù về tội “Cướp giật tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 171; điểm h, s khoản 1 Điều 51; Điều 54, Điều 91, Điều 101 Bộ luật Hình sự.

Để chuẩn bị cho việc xét xử trực tuyến, từ tháng 3/2022, TAND huyện Cần Giờ đã trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị cho điểm cầu trung tâm tại TAND huyện và phối hợp kết nối hệ thống cùng hai điểm cầu thành phần tại Nhà tạm giữ Cần Giờ và xã đảo Thạnh An.

1.jpg
TAND huyện Cần Giờ tổ chức phiên tòa giả định trực tuyến ở điểm cầu trung tâm TAND huyện Cần Giờ và hai điểm cầu thành phần Nhà tạm giữ Cần Giờ và xã đảo Thạnh An

Ghi nhận của phóng viên, tại phiên tòa giả định, mọi công tác chuẩn bị, thành phần tham gia đến hệ thống máy móc, đường truyền, hệ thống âm thanh… đều được TAND huyện Cần Giờ đảm bảo theo quy định của TANDTC.

Sau phiên tòa giả định, TAND huyện Cần Giờ sẽ tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với các vụ án tranh chấp dân sự với điểm cầu thành phần tại xã đảo Thạnh An vào giữa tháng 4/2022. Đến tháng 5/2022, TAND huyện Cần Giờ sẽ cố gắng kết nối hệ thống xét xử trực tuyến đến các xã còn lại của huyện, duy chỉ có thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa do có vị trị địa lý thuận lợi, người dân dễ dàng di chuyển đến Tòa án nên vẫn duy trì việc xét xử trực tiếp.

2.jpg
Việc xét xử trực tuyến giúp giảm chi phí, thời gian đi lại cho các bên tham gia tố tụng

TAND huyện Cần Giờ là địa phương đầu tiên tại TPHCM kết nối hệ thống xử trực tuyến xuống địa bàn xã. Ông Phù Quốc Tuấn - Chánh án TAND huyện Cần Giờ cho biết, thực hiện chỉ đạo của TANDTC, TAND TPHCM, TAND huyện Cần Giờ tổ chức xét xử trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình tham gia tố tụng các vụ án, nhất là người dân sinh sống tại xã có vị trí địa lý cách xa Tòa án, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.

7-1-.jpg
Ông Phù Quốc Tuấn, Chánh án TAND huyện Cần Giờ

“Huyện Cần Giờ có vị trí địa lý cách xa trung tâm thành phố, địa bàn rộng nên người dân, công chức nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển. Người dân sống tại xã đảo Thạnh An, đặc biệt tại ấp Thiềng Liềng muốn đến Toà án phải đi bằng ghe nên tốn nhiều thời gian, công sức. Nếu hệ thống xét xử trực tuyến được kết nối đến tất cả các xã còn lại thì sẽ hỗ trợ người dân rất lớn”, ông Tuấn nói.

3.jpg
Toàn cảnh phiên tòa xét xử trực tuyến

Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Tuấn cũng mong muốn TANDTC sẽ sớm xây dựng, hoàn thiện hệ thống xét xử trực tuyến cho tất cả địa phương trên cả nước để tiến tới đồng bộ, tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức phiên toà trực tuyến, mở rộng kết nối về sau.

Cùng với việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, trong thời gian tới, TAND huyện Cần Giờ sẽ thực hiện hoà giải, đối thoại bằng hình thức trực tuyến.

4.jpg
Người bị hại tại điểm cầu thành phần xã đảo Thạnh An

Trung bình 1 năm, TAND huyện Cần Giờ giải quyết 500 vụ án các loại, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ giải quyết án của đơn vị.

Trước đó, vào ngày 22/3, TAND TP Thủ Đức đã tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đầu tiên tại TPHCM. Theo đó, TAND TP Thủ Đức xét xử 4 vụ án hình sự tại điểm cầu tại trụ sở chính TAND TP Thủ Đức và điểm cầu thành phần là nhà tạm giữ Công an TP Thủ Đức.

5.jpg
Bị cáo Nguyễn Văn F tại điểm cầu thành phần Nhà tạm giữ Cần Giờ

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết việc xét xử trực tuyến. Theo đó, TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng (trừ các vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự).

6.jpg
Các thành viên tham gia phiên tòa giả định

Phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

Có thể thấy rằng, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến rất phù hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Đây là cũng là bước tiến trong công tác cải cách tư pháp, tạo tiền đề quan trọng trong việc xây dựng và phát triển mô hình Tòa án điện tử.

Để việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đạt hiệu quả cao, TAND các địa phương mong muốn nhận được sự hỗ trợ, giúp sức của các cơ quan, đơn vị ngoài hệ thống, nhất là việc trang bị, nâng cấp hệ thống máy móc, công nghệ thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND huyện Cần Giờ tổ chức phiên tòa giả định trực tuyến