Ngoài TANDTC, các cơ quan khác quản lý Tòa án địa phương đều không phù hợp

Mai Thoa| 15/10/2014 13:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên họp UBTVQH vừa qua, Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được đưa ra, trong đó có đề nghị bổ sung quy định giao việc Chính phủ quản lý các Tòa án địa phương.

Tuy nhiên, đề xuất này không được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình. Qua phân tích thực tiễn cũng cho thấy, việc giao cho TANDTC quản lý Tòa án địa phương phù hợp với các văn kiện của Đảng và thực tế.

Trước đó, khi thẩm tra Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, từ trước năm 2002, TAND địa phương do Chính phủ quản lý. Từ năm 2002, chức năng quản lý TAND địa phương được chuyển giao cho TANDTC quản lý (theo Luật Tổ chức TAND năm 2002). Đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến việc phân công, phối hợp kiểm soát giữa cơ quan thực hiện quyền hành pháp với cơ quan thực hiện quyền tư pháp, còn có ý kiến khác nhau, vì vậy, cần phải tiến hành tổng kết thực tiễn, đánh giá kỹ ưu điểm, hạn chế. Trên cơ sở đó, Quốc hội mới xem xét, quyết định.

Theo Ủy ban Pháp luật, trước mắt, không quy định về vấn đề này như trong Dự thảo Luật TCTA năm 2014 mà cần tổng kết, nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý TAND địa phương theo yêu cầu cải cách tư pháp và phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Ngoài TANDTC, các cơ quan khác quản lý Tòa án địa phương đều không phù hợp

Một buổi hội thảo về Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Quá trình thảo luận Dự thảo Luật TCTA (sửa đổi), đa số các ĐBQH ủng hộ việc tiếp tục giao TANDTC quản lý các TAND về mặt tổ chức, phối hợp với Bộ Quốc phòng quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức (Điều 18) song cần nghiên cứu, quy định cụ thể để tách bạch hoạt động quản lý về tổ chức với hoạt động xét xử, bảo đảm quản lý không ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của Tòa án các cấp.

Đồng tình với ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp và đa số các ĐBQH về nội dung trên, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã phân tích, làm rõ hơn những tồn tại, những mặt tích cực trong quá trình qua hai cơ quan quản lý Tòa án. Cụ thể, trước năm 1992, công tác quản lý Tòa án địa phương có nhiều hạn chế, bất cập… Hiệu quả của việc một cán bộ Tòa án mà do hai cơ quan quản lý (Bộ Tư pháp quản lý về tổ chức và TANDTC quản lý về nghiệp vụ) đã được tiến hành khảo sát và được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đánh giá cặn kẽ, xác định là không hiệu quả. Ngày 2/1/2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, trong đó định hướng việc giao TANDTC quản lý các Tòa án địa phương về tổ chức để bảo đảm gắn việc theo dõi, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn với việc nhận xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; khắc phục những hạn chế, bất cập của việc giao cho Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Tư pháp quản lý các TAND địa phương về tổ chức. Quan điểm, định hướng nêu trên đã được thể chế hóa tại Điều 17 của Luật Tổ chức TAND năm 2002 và được Quốc hội thông qua với số phiếu tuyệt đối.

Quá trình 12 năm thực hiện quy định về việc TANDTC quản lý Tòa án địa phương theo Luật Tổ chức Tòa án 2002 đến nay đã có những thay đổi rõ rệt: Bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của Tòa án ngày càng được cải thiện; hoạt động xét xử và các mặt công tác khác của Tòa án có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng Thẩm phán, cán bộ công chức Tòa án được nâng lên rõ rệt. Chẳng hạn, tính đến nay, 100% Thẩm phán các TAND có trình độ cử nhân luật trở lên. Chỉ tính riêng Thẩm phán TANDTC có 28% trình độ trên đại học, 72% có trình độ cử nhân luật, 100% trình độ cử nhân hoặc Cao cấp lý luận chính trị…

Trong phiên họp UBTVQH thứ 31, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng đã nhấn mạnh, để tăng cường chỉ đạo công tác cải cách tư pháp, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW, KL số 79 và KL số 92 về cải cách tư pháp. Nội dung các văn kiện này đều không đặt lại vấn đề quản lý Tòa án về mặt tổ chức mà giao cho Ban cán sự Đảng TANDTC phải đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án trong sạch, vững mạnh; cải thiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc để cho các Tòa án đáp ứng yêu cầu công tác xét xử và cải cách tư pháp trong tình hình mới. Hiến pháp 2013 đã không quy định một thiết chế khác để quản lý hệ thống TAND; đồng thời, không thể có một thiết chế quyền lực trùm lên quyền lực ngoài sự lãnh đạo của Đảng.

Trong quá trình xây dựng Dự thảo Hiến pháp 2013, cũng đã có ý kiến đề xuất, bổ sung chế định Hội đồng tư pháp Quốc gia vào Hiến pháp để thực hiện chức năng quản lý các Tòa án về tổ chức. Đề xuất này đã được đưa ra thảo luận và không được chấp nhận. Ban cán sự Đảng TANDTC cũng đã có Công văn số 02-CV/BCS/2013 gửi Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương không đồng tình với ý kiến đề xuất nêu trên. Hiến pháp 2013 không quy định Chính phủ quản lý Tòa án về tổ chức, không có thiết chế “Hội đồng tư pháp Quốc gia”. Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và đa số các ĐBQH nhất trí với quy định trong dự thảo Luật về việc giao cho TANDTC quản lý các TAND về tổ chức.

Như vậy, ý kiến đề xuất việc thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia để quản lý các TAND về tổ chức hoặc giao Chính phủ quản lý các TAND về tổ chức là không phù hợp với các văn kiện của Đảng và không phù hợp với Hiến pháp.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngoài TANDTC, các cơ quan khác quản lý Tòa án địa phương đều không phù hợp