TAND hai cấp tỉnh An Giang: Đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa theo hướng cải cách tư pháp

Ths Trần Duy Bình| 26/12/2015 15:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, TAND hai cấp tỉnh An Giang luôn thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng, đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh và có nhiều đổi mới trong việc điều hành phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp.

HĐXX bảo đảm sự bình đẳng của các bên khi tham gia tranh tụng

Xác định tầm quan trọng của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa và để nâng cao chất lượng xét xử, TAND hai cấp tỉnh An Giang xác định tranh tụng là tranh luận trong tố tụng, là hình thức tố tụng trong giải quyết các vụ án. Tranh tụng tồn tại trong tất cả thủ tục tố tụng hình sự, dân sự, hành chính…, nên phải đẩy mạnh việc tranh tụng tại các phiên tòa để xác định sự thật khách quan của vụ án. Hội đồng xét xử (HĐXX) ra phán quyết phải trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa nhằm giải quyết vụ án đúng đắn, đảm bảo sự công bằng và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng.

Để làm tốt việc tranh tụng trong phiên tòa hình sự, HĐXX đã bám sát quy định của BLTTHS bảo đảm khách quan, dân chủ, xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; nội dung xét hỏi, phạm vi và phương pháp xét hỏi đã có sự cân nhắc, chuẩn bị chu đáo; Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã xử lý nhạy bén, điều chỉnh kịp thời diễn biến phát sinh tại phiên tòa. Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa đã bảo đảm không chỉ cho các thành viên HĐXX mà cả Kiểm sát viên, người bào chữa,…được tham gia xét hỏi theo quy định của pháp luật. Đồng thời, HĐXX đã quan tâm đến việc đảm bảo cho Kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác quyền bình đẳng trong việc đưa ra các yêu cầu cũng như các chứng cứ, tài liệu... Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa đã chú trọng đến việc công bố các tài liệu, lời khai của người vắng mặt để làm cơ sở cho việc tranh luận tại phiên tòa và ra các phán quyết khi nghị án. Trong quá trình xét hỏi cũng như tranh luận, đối đáp, HĐXX đã tôn trọng sự thỏa thuận và quyền định đoạt của các bên đương sự về việc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.

Trong quá trình tranh luận, đối đáp, Chủ tọa phiên tòa đã tạo mọi điều kiện để Kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến. HĐXX đã chủ động hướng các vấn đề tranh luận, đối đáp làm rõ các tình tiết của vụ án, quan điểm xử lý từng nội dung của các bên, bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan, đúng pháp luật. Đặc biệt, trong phần tranh luận, HĐXX cũng không hạn chế thời gian tranh luận, trừ trường hợp họ không đi vào trọng tâm hoặc nội dung tranh luận lặp đi, lặp lại nhiều lần thì chủ tọa phiên tòa hướng cho các bên tranh luận, đối đáp đi đúng vào trọng tâm.

TAND hai cấp tỉnh An Giang: Đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa theo hướng cải cách tư pháp

Một phiên tòa xét xử của TAND tỉnh An Giang diễn ra ngày 17/12/2015

Đối với các vụ án có bị cáo là người chưa thành niên, quá trình chuẩn bị xét xử, cũng như xét hỏi tại phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án luôn tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác; đảm bảo sự có mặt của đại diện gia đình bị cáo tại phiên tòa, cũng như thành phần hội thẩm được phân công xét xử có sự tham gia của Hội thẩm là giáo viên.

Đối với bị cáo là người có nhược điểm về thể chất (câm), Thẩm phán tạo điều kiện cho người phiên dịch thực hiện tốt nhiệm vụ phiên dịch, đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị cáo được pháp luật quy định.

Đối với các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động… do tính đặc thù của các chủ thể tham gia tố tụng và chủ thể tiến hành tố tụng cùng nhau xác định sự thật khách quan, trên cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, tài liệu, các tình tiết khác nhau của vụ án để tìm ra chân lý, nên HĐXX luôn tạo điều kiện thuận lợi để các bên được quyền trình bày ý kiến tranh luận của mình; được tham gia đối đáp một cách công bằng, khách quan. Việc tranh luận và đối đáp giữa các bên được TAND hai cấp trong tỉnh không giới hạn về thời gian, tạo điều kiện để các bên thực quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình một cách khách quan, bỉnh đẳng, dân chủ và đúng theo quy định của pháp luật.

Phán quyết của Tòa án căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa

Qua thực tiễn công tác xét xử của TAND hai cấp tỉnh An Giang thời gian qua cho thấy, hoạt động tranh tụng tại các phiên toà diễn ra dưới sự điều khiển của chủ toạ phiên toà một cách đúng trình tự, thủ tục, dân chủ, công khai. Những phiên toà có người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự tham gia, thì chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa được tăng lên rõ rệt. Không ít người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự tham gia tố tụng cũng đã tận dụng tối đa quyền tranh tụng tại phiên tòa để phân tích, đưa ra lập luận, lý lẽ bày tỏ quan điểm của mình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình.

Trên thực tế, một số vụ án, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của các đương sự đã đưa ra những lập luận có cơ sở pháp lý và tính thuyết phục cao, buộc Kiểm sát viên, HĐXX phải có sự nhìn nhận, đánh giá toàn diện, đầy đủ và thận trọng hơn khi xem xét, đánh giá chứng cứ, làm cơ sở cho việc ra phán quyết một cách khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Từ kết quả đạt được do đẩy mạnh việc tranh tụng tại các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, nên trong những năm qua, chất lượng xét xử của TAND hai cấp tỉnh An Giang ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của của tổ chức và cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND hai cấp tỉnh An Giang: Đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa theo hướng cải cách tư pháp