Sáng 6/1, TAND cấp cao tại Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2021. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC đến dự và phát biểu tại Hội nghị.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Tiến - Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC; lãnh đạo Vụ TCCB, Văn phòng, Báo Công lý.
Giải quyết nhiều vụ án tham nhũng lớn, án trọng điểm
Theo báo cáo tổng kết của TAND cấp cao tại Hà Nội tại Hội nghị, từ ngày 01/10/2019 đến ngày 30/9/2020, số vụ án phải giải quyết theo thủ tục phúc thẩm là 3.365 vụ, việc (trong đó 10 tháng tính từ 01/12/2019 đến 30/9/2020 số án phải giải quyết là 2.875 vụ); Đã giải quyết được 2.250 vụ,việc; đạt tỷ lệ 66,8% việc (trong đó từ 01/12/2019 đến 30/9/2020 giải quyết được là 1.760 vụ).
Đặc biệt, trong năm 2020 TAND cấp cao tại Hà Nội đã thụ lý, giải quyết nhiều vụ án tham nhũng lớn, án trọng điểm thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo như: Vụ án Nguyễn Huy Ban, Lê Bạch Hồng và các bị cáo khác phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà và các bị cáo khác phạm các tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”. Vụ án Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và các bị cáo khác phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý đất đai; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Vụ án Nguyễn Ngọc Sự, Trần Đức Chính phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Cùng với đó, trên cơ sở Nghị quyết của Ban Cán sự đảng, Chỉ thị của Chánh án TANDTC về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020, Đảng ủy, lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội đã triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại án, đặc biệt các vụ án tồn đọng; cũng như nâng cao chất lượng xét xử. Với số lượng vụ án phải giải quyết lớn, trong khi thiếu Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác, lãnh đạo đề ra giải pháp như: Các đồng chí Phó chánh án phụ trách bám sát từng loại án để chỉ đạo, thường xuyên trao đổi với các Thẩm phán để tìm các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đối với từng vụ án; các Thẩm phán nêu cao trách nhiệm, áp dụng mọi biện pháp để hạn chế việc hoãn phiên tòa; chỉ đạo bộ phận Văn phòng thường xuyên rà soát các vụ án đã thụ lý để tham mưu cho Chánh án lên lịch xét xử, trong đó lên lịch xét xử cả ngày thứ 7 nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết, nhất là các vụ án tồn đọng, các vụ án trọng điểm, được dư luận xã hội quan tâm. Do đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, mất hơn 2 tháng không tiến hành xét xử, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực cao đã giải quyết, xét xử được 2.250 vụ; đạt tỷ lệ chung là 66,8%.
Tỷ lệ giải quyết đơn năm 2020 vượt chỉ tiêu thi đua đề ra, đây là một thành tích rất đáng được ghi nhận của TAND cấp cao tại Hà Nội. Để có được kết quả như trên là do TAND cấp cao tại Hà Nội nỗ lực triển khai nhiều giải pháp như thường xuyên cập nhật các văn bản hướng dẫn tại các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để đáp ứng công việc một cách kịp thời nhất.
Bên cạnh đó, quán triệt, thực hiện nghiêm túc đối với các Thẩm tra viên về việc giao chỉ tiêu giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (tối thiểu phải đạt 06 chỉ tiêu/tháng); nâng cao trách nhiệm của thành viên Ủy ban Thẩm phán, Phó Chánh án phụ trách trong việc xét duyệt kết quả nghiên cứu, đề xuất của Thẩm tra viên, đảm bảo hạn chế thấp nhất tình trạng Thẩm tra viên phải chờ đợi kết quả nghiên cứu. Do đó, tiến độ giải quyết đơn được nâng cao.
Đối với công tác tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm: TAND cấp cao tại Hà Nội đã quán triệt Chỉ thị số 01/2017/CT-CA, ngày 16/01/2017 của Chánh án TANDTC ban hành về việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Từ 01/10/2019 đến 30/9/2020, TAND cấp cao tại Hà Nội tổ chức 36 phiên tòa rút kinh nghiệm đối với các loại vụ án (trong đó từ 01/12/2019 đến 309/2020 tổ chức 29 phiên tòa rút kinh nghiệm); sau mỗi phiên tòa, lãnh đạo TAND cấp cấp cao tại Hà Nội đều tổ chức rút kinh nghiệm đối với Hội đồng xét xử; qua đó đã nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi Thẩm phán và nâng cao chất lượng xét xử.
Nhiệm vụ trọng tâm công tác thi đua, khen thưởng năm 2021
Tại Hội nghị, TAND cấp cấp cao tại Hà Nội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác năm 2021 như: Tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho công chức, người lao động trong cơ quan. Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị, các văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trung ương, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND.
Tiếp tục hưởng ứng và phát động phong trào thi đua theo chỉ đạo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trung ương, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND, Gắn với hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của TAND “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” và Chương trình hành động “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 05/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII và việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Phát huy vai trò, đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua; phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên… phát động và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua, đề ra các giải pháp, sáng kiến thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; Lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khen thưởng để việc khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng khuyến khích, động viên công chức, người lao động trong cơ quan phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC ghi nhận và biểu dương những thành tích của tập thể công chức TAND cấp cao tại Hà Nội đã đạt được trong năm 2020. Đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Trong đó, chú trọng việc tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng, Quốc hội; Nghị quyết của Ban Cán sự đảng và Chỉ thị của Chánh án TANDTC; tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử và xây dựng ngành, xây dựng đôi ngũ cán bộ…
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Hội nghị triển khai công tác năm 2021 của TAND cấp cao tại Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng. Hội nghị này không chỉ có đánh giá kết quả công tác của TAND cấp cao tại Hà Nội trong năm 2020, triển khai công tác năm 2021, mà còn là dịp nhìn nhận lại cả nhiệm kỳ công tác 2016 – 2020. Đồng thời hoạch định những mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ công tác trong nhiệm kỳ tới.
Nhân Hội nghị này, đồng chí Chánh án TANDTC cũng lưu ý, bước đầu đặt ra thiết chế giải quyết tranh chấp bằng sự hoà giải như một đột phá của nhiệm vụ chính trị, lần đầu tiên trong lịch sử, Toà án được phát triển án lệ, chất lượng Án lệ cao, hình thành tập quán xét xử theo án lệ, hứa hẹn trở thành một xu thế mới.
Cùng với đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và trong hoạt động quản lý, điều hành; tiếp tục đẩy mạnh việc trang thiết bị làm việc cho đội ngũ công chức, người lao động; thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ; tiếp tục cải tiến phương thức quản lý theo hướng phân công, phân cấp hợp lý, xác định rõ trách nhiệm từng bộ phận, từng cá nhân trong cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh các phong trào thi đua theo chủ đề xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”; tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình mong muốn, với những kết quả đã đạt được trong năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2016 -2020, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự đảng TAND cấp cao tại Hà Nội trong năm 2021 và những năm tiếp theo TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ có những bước tiến mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Thay mặt Ban Cán sự đảng, lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức của TAND cấp cao tại Hà Nội, đồng chí Trần Văn Tuân – Phó Chánh án phụ trách gửi lời cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm và tình cảm của lãnh đạo TANDTC, cùng những góp ý của các đại biểu. Đồng chí hứa sẽ tiếp thu, nghiên cứu, vận dụng vào các mặt công tác của TAND cấp cao tại Hà Nội trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Văn Tuân nhận thức rằng, trong năm 2021 dự báo tình hình thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh có khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội; tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của Tòa án. Đối với các Tòa án dự báo số lượng thụ lý các vụ án tiếp tục gia tăng, với tính chất ngày càng phức tạp, đa dạng. Trước tình hình và yêu cầu đặt ra, TAND cấp cao tại Hà Nội cần phải nỗ lực hơn nữa, cần có nhiều chủ trương, giải pháp hiệu quả; phấn đấu năm 2021 sẽ đạt được nhiều thành tích cao hơn.
Đồng chí Phó Chánh án phụ trách TAND cấp cao tại Hà Nội khẳng định, ngay sau Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2021, đơn vị sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đã đề ra.
Tại Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã trao Bằng khen, Giấy khen của cho các tập thể, cá nhân TAND cấp cao tại Hà Nội đã có thành tích xuất sắc trong năm 2020.