Nhắc tới Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn, người ta vẫn thường nhớ tới hình ảnh của một vị Thẩm phán có phong thái điềm đạm, giọng nói nhẹ nhàng, nghiệp vụ sắc bén, sự liêm chính, khách quan, bản lĩnh khi tham gia xét xử.
Để có thể đưa ra được những phán quyết công tâm, Thẩm phán Sơn luôn trau dồi kiến thức, đúc rút kinh nghiệm thực tế để quyết định bản án đúng đắn làm sao trên lý có tình.
Có duyên với nhiều đại án
Thời gian vừa qua, nhiều vụ án trọng điểm liên quan đến nhiều vấn đề như: về kinh tế, tham nhũng…đã được đưa ra xét xử nghiêm minh tại các cấp Tòa án. Những vụ đại án như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Châu Thị Thu Nga hay các vụ án an ninh quốc gia đòi hỏi những người chủ tọa phiên tòa phải có phẩm chất, năng lực chuyên môn và bản lĩnh để điều hành.
Được lãnh đạo Tòa tín nhiệm, phân công làm Chủ tọa HĐXX phúc thẩm của các vụ án này, Thẩm phán cao cấp, Chánh Tòa Kinh tế TAND cấp cao tại Hà Nội Nguyễn Văn Sơn đã điều hành các phiên tòa khoa học, áp dụng tinh thần cải cách tư pháp và đưa ra các phán quyết nghiêm minh, công tâm, khách quan.
Tâm sự với PV Báo Công lý, Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn cho biết, ông đã trải qua quá trình công tác dài từ Tòa án địa phương đến Tòa án cấp cao, qua nhiều cương vị từ thư ký đến Thẩm phán cao cấp, Chánh Tòa Kinh tế. Có thể nói, phẩm chất, năng lực chuyên môn và phong thái của Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn là sự tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, kỹ năng, cũng như sự tâm huyết với công việc.
Thẩm phán Sơn chia sẻ, những kinh nghiệm về nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị phiên tòa, quá trình tố tụng và cách xử lý tình huống tại phiên tòa... có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện thành công quá trình tố tụng trong các vụ án.
Như trong năm vừa qua, để đảm bảo triển khai tốt, an toàn và đúng quy định các phiên phúc thẩm các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo và dư luận hết sức quan tâm, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tổ chức họp liên ngành để chuẩn bị công tác cho phiên tòa. Theo đó, các cơ quan chức năng liên quan chủ động phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, cung cấp, trao đổi cho Hội đồng xét xử các thông tin về bị cáo, Luật sư bào chữa, cũng như gia đình các bị cáo trong quá trình thăm gặp, từ đó giúp Hội đồng xét xử dự kiến các tình huống có thể xảy ra trước, trong và sau phiên tòa để có biện pháp xử lý.
Vị Thẩm phán có chuyên môn cao
Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn, là người “có duyên” với các vụ đại án, ông từng làm chủ tọa các phiên tòa xử nhiều vụ án lớn như các vụ Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt,... hay vụ án phúc thẩm vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Châu Thị Thu Nga.
Trong quá trình điều hành tố tụng tại các phiên tòa, Thẩm phán cao cấp Nguyễn Văn Sơn để lại ấn tượng trong lòng người dự bởi phong thái điềm đạm, giọng nói nhẹ nhàng nhưng đĩnh đạc và trang nghiêm; ông cũng điều hành phiên tòa bản lĩnh, quyết đoán và khoa học; qua đó cho thấy kiến thức, năng lực chuyên môn cao và sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các phiên tòa. Điều này được lãnh đạo Tòa, đồng nghiệp ghi nhận, và đến cả các luật sư, bị cáo, người liên quan và cả các phóng viên báo chí đưa tin phiên tòa cũng đánh giá cao.
Theo một cán bộ Công an TP. Hà Nội từng chia sẻ, trong nhiều vụ án phức tạp, anh em Công an đảm bảo an ninh trật tự ở phiên tòa mà biết có Thẩm phán Sơn chủ tọa thì đã yên tâm hơn nhiều, đặc biệt là các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia.
Thẩm phán cao cấp, Chánh Tòa Kinh tế - TAND cấp cao tại Hà Nội Nguyễn Văn Sơn
Chia sẻ về nghề, Thẩm phán Sơn cho hay, ngay từ những ngày đầu học ông đã được nghe nhiều câu chuyện thực tế về nghề, thậm chí những kinh nghiệm sống thiết thực. Nhưng yếu tố tiên quyết vẫn phải là "yêu nghề", phải có tâm huyết và tinh thần trách nhiệm với công việc. Chính những yếu tố đó, kết với với cá tính của bản thân nên khi được giao nhiệm vụ gì thì luôn "làm đến nơi, đến chốn".
Bên cạnh đó, Thẩm phán phải đầu tư thời gian để nghiên cứu, chịu khó học hỏi rút kinh nghiệm từ những vụ án mà các Thẩm phán khác xử và ngay chính kinh nghiệm trong các vụ án bản thân được giao xét xử.
"Do đó, tôi rất đồng tình với chủ trương của TAND cấp cao tại Hà Nội về các cuộc họp "Án rút kinh nghiệm" để các Thẩm phán đóng góp ý kiến, rút các kinh nghiệm qua các phiên tòa, bản án", Thẩm phán Sơn nói, bên cạnh đó ông cũng cho biết thêm, trong năm 2018, những vụ án mà ông là chủ tọa đều được đưa vào "Án rút kinh nghiệm" của Tòa cấp cao, qua đó để các thẩm phán khác tiếp thu kinh nghiệm, ngoài ra đóng góp các ý kiến để nâng cao chất lượng tố tụng.
Chánh tòa Kinh tế Nguyễn Văn Sơn tâm sự thêm, một yếu tố nữa rất quan trọng đó là tiếp thu sự chỉ đạo, định hướng của cấp trên, trao đổi với đồng nghiệp và tập thể. "Trong nhiều vụ án, việc tự nghiên cứu hồ sơ, tài liệu thì tư duy của bản thân có thể chỉ đi theo một hướng giải quyết, thế nhưng khi đưa ra bàn tập thể thì có nhiều định hướng khác nhau, qua đó tổng hợp được các ý kiến tốt nhất", Thẩm phán Sơn chia sẻ.
Phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm
Do đó, trước khi xét xử, thẩm phán luôn dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ đối với từng vụ án từ nội dung đơn khởi kiện, chứng cứ và tài liệu để xác định chính xác quan hệ pháp luật tranh chấp, hay các yếu tố phạm tội trong các vụ án... Không những vậy, Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn cũng thảo luận, hướng dẫn đội ngũ thư kí tòa án cũng như những đồng nghiệp trẻ về công tác chuyên môn để những vụ án khi đưa ra xét xử sẽ hợp tình, hợp lí nhưng thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Công việc thẩm phán lại đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối cùng tập trung cao độ và nhiều khi rất căng thẳng. Khối lượng công việc lớn là vậy, áp lực công việc nặng nề là thế, nhưng Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn vẫn luôn nỗ lực, cố gắng hết mình học hỏi nâng cao kiến thức, để khi nhân danh Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên án trong những buổi xét xử, những bản án đó luôn làm người bị hại và người gây án tâm phục, khẩu phục.
Về cải cách tư pháp, thời gian qua áp dụng tốt, thể hiện vai trò tư pháp trung tâm của Tòa án. Đặc biệt là chú trọng tranh tụng tại phiên tòa được quan tâm, rồi cải cách tư pháp đã đặt ra những yêu cầu đối với đội ngũ Thẩm phán "phải tự mình rèn mình", nghiên cứu kỹ tài liệu, hồ sơ, chuẩn bị chu đáo phiên tòa và ban hành bản án đúng quy định, thời hạn... Cải cách tư pháp đặt ra không chỉ về chất lượng mà còn về khối lượng công việc lớn, trong khi trình độ dân trí ngày càng cao, đội ngũ luật sư phát triển... Những yêu cầu từ cải cách và thực tiễn đời sống như vậy đặt ra nhiều áp lực cho các Thẩm phán, cũng như quá trình tố tụng tại phiên tòa.
Với nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn đã nhận được nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong công tác xét xử các vụ án trọng điểm về an ninh quốc gia, các vụ án trọng điểm khác.