Tâm sự của các nhà báo trẻ

Mạnh Hùng| 21/06/2019 06:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các phóng viên trẻ luôn “cháy” hết mình với nghề báo. Họ không quản ngại khó khăn mà luôn sẵn sàng xông pha, dấn thân… để mang lại những câu chuyện hấp dẫn, sinh động đến độc giả. Đối với họ, nghề báo mang lại nhiều trải nghiệm...

PV Ngô Văn Cường - Báo Lao động: Nghề báo cho tôi những giá trị cao quý

Mỗi người sinh ra đều chọn cho mình một nghề để mưu sinh. Với những người làm báo, khi đã chọn nghề là phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, nguy hiểm, đòi hỏi bạn phải “dấn thân” để viết, sáng tác và cho ra những tác phẩm báo chí phục vụ độc giả. Những kỷ niệm buồn, vui trong nghề như những thước phim quay chậm kết nối hiện tại với miền ký ức.

Tôi nhớ như in những năm đầu đại học của mình (năm 2012). Hồi đó tôi là sinh viên chuyên ngành Báo mạng điện tử (khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Trong một giờ giảng bài, cô giáo Trưởng khoa hỏi lớp tôi: “Trong số các bạn, những ai sau này muốn trở thành phóng viên”. Có đến hai phần ba sinh viên giơ tay, nhưng… muốn làm truyền thông. Tôi thuộc số ít sinh viên của lớp muốn chọn nghề báo. Cái nghề mà cô Trưởng khoa nói “rất khắc nghiệt”.

Sau khi ra trường, tôi có may mắn được cộng tác rồi trở thành phóng viên chính thức của Báo Lao Động - tờ báo có 90 năm trưởng thành và phát triển trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tất nhiên, con đường trở thành phóng viên của tôi chẳng dễ dàng chút nào, nhất là với mảng được cho “khó nhằn”: Thời sự - Nội chính.

Tâm sự của các nhà báo trẻ

Phóng viên Ngô Văn Cường

Tôi nhớ như in lúc 0h đêm 12/9/2017. Khi tôi đang “chăn ấm đệm êm”, bỗng nhận được cuộc gọi của tòa soạn có vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, xảy ra trên cầu Chương Dương (Hà Nội). Chẳng do dự, tôi vùng dậy, chạy xe từ Mỹ Đình sang Long Biên (khoảng 18km) chỉ để làm một cái tin 300 chữ với mức nhuận bút 80.000 đồng.  Một người bạn nói với tôi rằng: “Nghề báo vất quá”. Tôi nói: “Đáng”.

Ngày 7/7/2018, tôi viết bài về chiến sỹ Đinh Văn Dương - chiến sỹ sống sót cuối cùng trong vụ máy bay rơi ở Láng - Hòa Lạc. Anh chia sẻ với tôi, sau khi sự việc xảy ra anh muốn có một cánh tay giả để không bị gọi là “người ngoài hành tinh”. Tôi viết bài. Có lẽ những câu chữ của tôi động đến lòng trắc ẩn của nhiều người. Ngay sau đó, anh Dương được một doanh nghiệp hỗ trợ lắp tay với giá 1 tỷ đồng. Sau vụ ấy, sếp tôi đến chỗ làm việc của tôi, vỗ vai, nói nhẹ: “Cậu khá lắm!”. Tôi vui nguyên ngày.

Ngày 11/10/2017, tôi nhớ rất rõ, lũ quét xảy ra ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) làm 15 người chết. Cái ngày định mệnh ấy đã cướp đi một người bạn, đồng nghiệp của tôi - anh Đinh Hữu Dư. Sáng hôm đó, khi nghe tin có lũ dữ, tôi nhắn tin hỏi anh Dư “Lũ lớn không?”. Dư nói: “Lũ lớn lắm, có khi em phải lên Nghĩa Lộ một chuyến”. Dứt lời, tôi xin công lệnh đi ngay. Chưa đến nơi, tôi nghe tin dữ: “Dư bị lũ cuốn”. Tôi bần thần, không tin vào mắt mình, nhưng cuối cùng phải chấp nhận: Dư tử vì nghề.

Cuộc sống làm báo cho tôi tiếp xúc với nhiều người. Cho tôi được gặp các cô bác nông dân chân lấm tay bùn, anh công nhân trong hầm lò, chị lao công… cho đến những người giữ vị trí cao trong xã hội. Tôi gọi đó là trải nghiệm, là thanh xuân của tôi. Nghề báo cao quý cho tôi những giá trị cao quý như vậy.

PV Bảo Hà - Báo Điện tử VnExpress: Nếu được lựa chọn từ ngữ để nói về nghề mà mình lựa chọn, tôi sẽ chọn hai từ “nghiêm túc”

Sau 10 năm rời ghế giảng đường Học viện Báo chí tuyên truyền là một chặng đường không ngắn, nhưng con đường báo chí còn rất dài ở phía trước. 10 năm trước chúng tôi bước chân vào làng báo và nhắc nhở nhau: “Sinh viên báo chí ra biển tập bơi”.

Tôi may mắn được trải nghiệm lao động ở hai loại hình: Báo in, báo điện tử. Nếu trước đây, thế hệ chúng tôi lúc còn là sinh viên hay nghe và nhắc đến cụm từ “đam mê nghề nghiệp” thì sau 10 năm tôi ít nghĩ về điều đó. Với tôi, “đam mê” trong lao động báo chí là hai từ trừu tượng. Nếu được lựa chọn từ ngữ để nói về tình yêu với nghề mà mình lựa chọn, tôi sẽ chọn hai từ “nghiêm túc”.

Tâm sự của các nhà báo trẻ

Phóng viên Bảo Hà

Nghề báo trước hết cũng là một công việc như rất nhiều công việc khác. Nếu chỉ nói yêu, đam mê sẽ rất nhanh mất phương hướng với đam mê của chính mình. Nhưng bằng sự nghiêm túc, tôi đã được nhìn thấy nhiều người anh, chị đi trước lao động báo chí nghiêm túc như thế nào. Tôi thấy mình có niềm tin khi những nữ phóng viên với tuổi nghề ngót 20-30 năm vẫn hàng ngày nắn nót từng dòng tin, vẫn sẵn lòng chạy hàng trăm cây số sau một cuộc gọi của bạn đọc ở một thôn làng nào đó. Đôi khi, chỉ là chạy đến và nghe một câu chuyện nhỏ.

Tôi cũng nhớ một người anh hơn 20 năm làm nghề, nay đã ở vị trí quản lý từng hỏi: “Em sẽ chỉ làm những gì mình thích và cho rằng mình có khả năng viết những bài báo lớn hay sẽ làm cả những gì mình không thích nhưng theo yêu cầu của công việc?”. Câu hỏi đó khiến tôi ngộ ra nhiều điều. Cái tôi của phóng viên và cái ta của báo chí, đôi khi chỉ cần bạn chân thành lựa chọn.

Trần Long - Báo Kinh tế & Đô thị: Cần có cách tiếp cận đa chiều khi viết mảng Nội chính

Nghề báo được coi là “nghề nguy hiểm”. Bởi, luôn có tai nạn và tai họa rình rập, nhất là những người viết điều tra. Khi mới vào nghề, tôi lại được giao đúng cái mảng được xem là gai góc và khó khăn đó. Tuy nhiên, tôi vẫn chọn cách dấn thân để có những tác phẩm hay và có ích cho xã hội. Đến thời điểm đầu năm 2014 được xem là một ngã rẽ với bản thân tôi.

Theo đó, tôi được lãnh đạo báo phân công làm mảng Nội chính. Đây cũng được coi là một mảng gai góc không kém. Bởi, để viết được mảng này đòi hỏi người viết phải có quá trình tìm hiểu, học hỏi về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vốn được xem là khô khan. Sau hơn 1 năm làm việc trong mảng này, bản thân tôi nhận thấy rằng để một bài viết thuộc mảng Nội chính có chiều sâu thì không thể đơn thuần chỉ chạy theo sự kiện để tuyên truyền về đường lối, chính sách, chủ trương theo kiểu một chiều mà viết phải có trọng tâm, trọng điểm và góc tiếp cận đa chiều. Nhất là phải nói lên được tiếng nói của người dân và tạo được cầu nối giữa dân với Đảng.

Tâm sự của các nhà báo trẻ

Phóng viên Trần Long

Bên cạnh đó, còn phải thường xuyên bám sát địa phương, đơn vị để phát hiện ra những mô hình hay, cách làm tốt cũng như thấy được những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng. Đặc biệt, điều quan trọng của một phóng viên theo mảng Nội chính đó là phải có đủ bản lĩnh chính trị, trình độ lý luận và sự nhạy cảm trước sự kiện để viết đúng và trúng vấn đề bạn đọc quan tâm.

PV Thân Hoàng - Báo Tuổi trẻ: Nghề báo cho tôi nhiều đặc ân

Gần 10 năm làm báo, tôi nhận thấy rằng nghề đã mang lại cho tôi quá nhiều đặc ân. Tôi được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, tìm hiểu nhiều vùng văn hóa khác nhau. Đặc biệt với mỗi phóng viên phụ trách mỗi lĩnh vực khác nhau thì họ còn có cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn và phải tự biến mình thành “chuyên gia” trong lĩnh vực ấy.

Mỗi một chuyến đi, một lần tác nghiệp khai thác những đề tài tâm đắc đều mang lại cho tôi những cảm xúc, những điều bất ngờ thú vị. Tôi dần học được cách chia sẻ, cảm thông và biết dừng lại trước nỗi đau của nhân vật chứ không chỉ đơn thuần là “săn” tin nhanh, tin nóng. Và, những bài báo đã trở thành “cầu nối” giữa người dân với chính quyền để những vụ việc tưởng chừng như bế tắc được giải quyết.

Tâm sự của các nhà báo trẻ

Đối với nhà báo Thân Hoàng, nghề báo đã cho anh nhiều đặc ân

Có những lần bài báo của tôi viết nhận được phản hồi tích cực ngay khi vừa xuất bản. Có thể kể đến bài viết “kỳ án dưới chân đèo Pha Đin” và vụ án oan ông Mưu Quý Sường. Sau khi đăng tải thì TANDTC và cơ quan chuyên trách của Quốc hội đã có những chỉ đạo sát sao để người dân sớm được minh oan và xin lỗi công khai. Không có vinh quang và hạnh phúc nào bằng khi nhà báo làm được một việc tốt, có ý nghĩa thông qua các bài báo của mình.

Sau mỗi lần mang đến niềm tin cho một mảnh đời bất hạnh, tìm được công lý cho một người oan khuất, tạo ra một sự thay đổi có ích trong một lĩnh vực nào đó thì ta lại thấy thêm yêu, thêm trách nhiệm với nghề.

PV Thùy An - Báo An ninh Thủ Đô: Tôi vẫn sẽ lên đường, nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Tôi vốn đam mê làm báo từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông. Vì vậy, khi bước chân vào nghề này, tôi không ngần ngại xông pha, bất kể ngày hay đêm, ngày mưa hay ngày nắng, chỉ cần có tin là tôi sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Nhiều năm lăn lộn với nghề cũng không ít những nỗi niềm chất chứa…

Đó là vào một đêm tháng 10/2017, trời bắt đầu se lạnh, tôi nhận được tin báo về việc Công an quận Thanh Xuân bắt giữ một đối tượng vận chuyển 20 bánh heroin từ Hòa Bình về Hà Nội. Tôi vội khoác chiếc áo mỏng rồi lên đường ngay. Đêm về, sương xuống lạnh se sắt ngấm vào da thịt nhưng lửa trong tôi lại nóng rừng rực. Tôi chỉ muốn nhanh chóng tiếp cận ngay vụ việc để đưa tin nóng, phần cũng muốn được trực tiếp theo dõi anh em cán bộ cảnh sát phá án, từ đó thấu hiểu nỗi vất vả của anh em mà viết.

Tâm sự của các nhà báo trẻ

Dù còn trẻ, nhưng Thùy An luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ

Suốt 3h đồng hồ kể từ khi tôi có mặt, đối tượng nhất quyết không chịu khai nhận hành vi phạm tội. Trong khi tôi sốt ruột, liên tục nhìn đồng hồ, thì anh em đội ma túy (Công an quận Thanh Xuân) vẫn nhẹ nhàng thuyết phục đối tượng. Bầu không khí nặng nề cứ trôi qua từng phút, cuối cùng, nam thanh niên buộc phải cúi đầu nhận tội. Chuyên án được khám phá, nhưng công việc của mỗi cán bộ Công an vẫn chưa dừng lại ở đó. Còn tôi, ngay trong đêm đó, tại hiện trường vụ án đã bắt đầu gõ từng chi tiết để đưa tin sớm. Ngẩng mặt lên khi kết thúc công việc thì cũng là lúc trời vừa rạng sáng. Trở về nhà trong tâm trạng nặng nề, tôi canh cánh trong lòng câu hỏi “Liệu mỗi bài báo của mình có khiến những kẻ phạm tội chùn bước, để xã hội dần trở nên tốt đẹp hơn?!”

Trong một lần khác, khi tôi đang nấu bữa cơm tối muộn cho cả nhà thì nhận được điện thoại từ phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội. Tôi vội vã tắt bếp và rời đi với lỉnh kỉnh máy ảnh, sổ, bút. Hôm đó, cán bộ cảnh sát bất ngờ kiểm tra kho chứa phụ tùng ô tô trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Đây là nơi chuyên tiêu thụ phụ tùng ô tô không rõ nguồn gốc như gương, logo… Trong suốt khoảng thời gian anh em làm nhiệm vụ kiểm tra, thu giữ tang vật, tôi phải thận trọng ghi hình, chụp ảnh để có đủ tư liệu làm tin bài, phóng sự.

Công việc đã ổn, cũng là lúc kim đồng hồ chỉ hơn 23 giờ. Cả tối chưa ăn gì nhưng tôi không cảm thấy đói, một chút vui vì nhiệm vụ cơ bản được hoàn thành, và niềm vui lớn nhất là có mặt kịp thời để ghi nhận chiến công của anh em cán bộ công an. Đó chính là sự sẻ chia với những khó khăn, vất vả của họ trên mặt trận đấu tranh, phòng chống tội phạm…

Ai cũng bảo làm báo là vất vả, với phụ nữ làm báo còn vất vả hơn và cả những hiểm nguy nhưng cũng không khiến tôi chùn bước. Càng đi nhiều, viết nhiều tôi càng thêm yêu nghề. Tôi nhận ra ý nghĩa sau mỗi bài báo mình viết: Là lời cảm ơn của anh em các đơn vị, là sự thấu hiểu những hy sinh thầm lặng của các chiến sỹ Công an, là sự trưởng thành trong ngòi bút qua năm tháng…

Nhiều lúc tưởng chừng nản chí, bởi làm báo “sạch” thì nghèo lắm, vất vả lắm, nhưng đằng sau tôi còn có cả một Tòa soạn. Nơi ấy với tôi như một gia đình, có những người chỉ huy thấu hiểu, động viên, có những đồng nghiệp thân tình chia sẻ. Và hơn tất cả là lý tưởng dùng ngòi bút để đấu tranh với tội phạm đã khiến lửa nghề trong tôi cháy mãi. Đêm nay, đêm mai và những đêm sau nữa, tôi vẫn sẽ lên đường, nỗ lực hết mình để hoàn thành  nhiệm vụ được giao…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tâm sự của các nhà báo trẻ