Xử lý tham nhũng chưa triệt để

Bảo Dân| 07/11/2019 09:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quốc hội đã thảo luận các báo cáo về phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng, thi hành án dân sự.

Mặc dù đánh giá Báo cáo của Thanh tra Chính phủ thiếu thuyết phục nhưng một số ĐBQH đánh giá cao việc trong thời gian vừa qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được điều tra khám phá, được đưa ra truy tố xét xử, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Đáng lưu ý là một số vụ án tham nhũng đã được cơ quan  tố tụng chứng minh được yếu tố tham nhũng, yếu tố chiếm đoạt, chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ để xử lý nghiêm minh .

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng dẫn chứng thương vụ MobiFone mua AVG và việc hai cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, các bị cáo thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền rất lớn, lên tới hàng triệu USD.

Tuy nhiên, đại biểu này lưu ý tại phiên phúc thẩm vụ án đánh bạc ngàn tỷ, TAND cấp cao tại Hà Nội đã kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ lời khai về việc đưa hối lộ và nhận hối lộ, nhưng đến nay, kiến nghị này vẫn chưa có kết quả thực hiện. Việc chậm trễ này đã làm cho dư luận bức xúc và cho rằng việc xử lý tham nhũng còn chưa nghiêm, chưa triệt để. Đồng thời dư luận cũng băn khoăn đặt câu hỏi, phải chăng hành vi đưa và nhận hối lộ khó chứng minh hay còn có nguyên nhân chủ quan khác?

Cũng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề cập về vấn đề tham nhũng ngay trong lực lượng có chức năng về phòng, chống tham nhũng. Báo cáo của Chính phủ thể hiện, tham nhũng trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua không nhiều, gây thiệt hại không lớn nhưng theo vị đại biểu này, đây là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của cử tri và nhân dân vào lực lượng được giao trọng trách phòng, chống tham nhũng, bảo vệ công lý.

Từ lo ngại này, đai biểu đề nghị các cơ quan tư pháp chỉ đạo việc tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ. Bộ Công an, Viện KSNDTC cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý nghiêm khắc những trường hợp cán bộ, công chức trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.

Tại nghị trường cũng như trên diễn đàn xã hội, các ĐBQH cho rằng bên cạnh các vụ tham nhũng “động trời” cần lưu ý đến vấn nạn tham nhũng vặt đang trở nên quá phổ biến. Nhũng nhiễu, trì hoãn, vòi vĩnh hay hạch sách trở thành đặc tính cố hữu trong công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức ở các bộ ngành, địa phương.

Theo bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, cần lưu ý việc tiếp công dân của lãnh đạo chính quyền. Mới chỉ khoảng 60% lãnh đạo cấp tỉnh, 75% lãnh đạo cấp huyện, 25% lãnh đạo cấp xã thực hiện đúng quy định tiếp công dân. Nhưng quan trọng hơn, cán bộ công chức cần được rèn luyện các chuẩn mực đạo đức công vụ để họ không vin vào những kẽ hở pháp luật hay các quy định chồng chéo để gây phiền hà, nhũng nhiễu, trục lợi từ người dân, doanh nghiệp.

Những công chức lợi dụng kẽ hở pháp luật để nhũng nhiễu, trục lợi tham nhũng vặt cần bị loại bỏ khỏi bộ máy hành chính nhà nước.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý tham nhũng chưa triệt để