Các chuyên gia vừa đưa ra dự báo, GDP quý 4 sẽ có đột phá cao hơn những quý trước. Như vậy, quý 4 này sẽ quyết định GDP tăng trưởng năm nay sẽ đạt trên 7%.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp chúng ta đạt  mức tăng trưởng cao từ 6,21%, 6,81%, 7,08% tương ứng với các năm 2016, 2017 và 2018. Bởi vậy, cần làm sao đạt được sự bứt phá mạnh hơn để thu hẹp dần khoảng cách giữa Việt Nam và và các nước trong khu vực như với Thái Lan, Indonesia và vượt qua được Philippines về thu nhập bình quân trên đầu người.

Đến hết tháng 11, nền kinh tế nước ta tiếp tục  tăng trưởng nhanh hơn trên nền tảng  giữ được nhịp điệu tăng trưởng ổn định. Muốn duy trì được đà phát triển, theo các chuyên gia, cần xử lý các điểm nghẽn, nhất là vấn đề thể chế, làm sao để hệ thống pháp luật đồng bộ để đem lại sự an tâm cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Mới đây, trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân, một chuyên gia kinh tế, đã lưu ý, thường ngân sách cho phép lấn sang năm sau từ 1-2 tháng nên tốc độ giải ngân có thể đạt trên 90%. Nguồn vốn trên sẽ được ưu tiên cho giao thông, an sinh xã hội và bệnh viện. Mà giao thông hiện là điểm nghẽn lớn nhất. Trước mắt sẽ phải vừa mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, song song đó là thúc đẩy chuẩn bị xây dựng sân bay Long Thành.

Đối với đường bộ cao tốc Bắc-Nam, doanh nghiệp trong nước có năng lực thực hiện nhiều dự án đường bộ lớn nhưng lại chưa đủ mạnh về vốn. Trong khi đó, một số ngân hàng không dám cho vay vì sợ rủi ro. Chính vì vậy, để tạo nguồn vốn làm đường cao tốc Bắc Nam,  các cơ quan chức năng cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu, với sự bảo lãnh của Chính phủ.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng việc Chính phủ vay thêm 500.000 tỷ đồng là chuyện bình thường, nhưng vấn đề là vay để làm gì? Đặc biệt, phải chú ý đến chuyển dịch cơ cấu ngân sách nhà nước trong thời gian qua theo hướng tích cực, trong đó chi đầu tư phát triển trước đây chỉ chiếm 22% trong tổng chi giờ đã lên tới 26-27% trong tổng chi. Còn với chi tiêu dùng từ trên 65% trong tổng chi thì nay đã xuống còn 60-61%.

Như vậy vay nợ để bù đắp cho bội chi và trả nợ gốc hiện nay là mức bình thường bởi nó chiếm tỷ lệ thấp trong tổng mức nợ phải trả trên tổng chi ngân sách, mặc dù số tuyệt đối cao. Khi nhu cầu vay của Chính phủ ít đi tức là tổng cầu vốn ít đi thì lãi suất sẽ theo xu hướng giảm. Vì lẽ đó mà lãi suất thời gian vừa qua không có đột biến, trừ những tháng do cung cầu vốn, nhu cầu vốn lớn.

Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã làm khá tốt việc tiếp theo là phải làm sao giữ được lãi suất theo hướng giảm chứ không tăng.

Cũng theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, cần khẳng định rằng kinh tế tư nhân vẫn là động lực cho phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thuộc các lĩnh vực mà kinh tế tư nhân có thể phát triển được. Việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần được chú trọng, song vấn đề bảo vệ môi trường cần hết sức chú ý. Bởi yếu tố môi trường đang là vấn đề bức xúc trong dân như ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn và phải tránh sự cố nghiêm trọng.

Triển vọng GDP năm nay đạt 7% sẽ là tiền đề cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch năm 2020.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng 2019