Thi cử trong đại dịch

Bảo Dân| 08/08/2020 17:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục nước ta việc học hành, thi cử năm học 2019-2020 rối bời đến như vậy vì đại dịch Covid-19.

Việc học đã khó khăn vì học trực tuyến với chương trình được tinh giản coi như đã kết thúc và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã đến rồi. Thế nhưng đây đó vẫn có những ý kiến đề nghị hủy bỏ kỳ thi này để mở đường cho việc bỏ hẳn thi trung học phổ thông vì hai lý do chính. Thứ nhất, với tỷ lệ tốt nghiệp tuyệt đối liệu có cần duy trì một kỳ thi mà ai cũng biết là sẽ tốt nghiệp trên 98%. Thứ hai là để phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên đề xuất này đã không được chấp thuận và kỳ thi vẫn phải tiếp tục theo quy định.

Trong Thông tư 2832 ngày 30/7/2020, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn cách thức tổ chức kỳ thi để phân thí sinh theo từng nhóm đối tượng. Những đối tượng đang là bệnh nhân sẽ được xét đặc cách theo quy chế của Bộ GD&ĐT, những trường hợp F1, F2 sẽ được tổ chức thi riêng tại một phòng riêng tại điểm thi đó. Trong tình hình hiện nay, Bộ GD&ĐT đề xuất phương án, các thí sinh diện F1, F2 (người tiếp xúc với người nhiễm Covid-19, đang phải thực hiện cách ly bắt buộc để phòng dịch - PV) trong kỳ thi đầu tiên sẽ được dừng thi và chuyển sang thi vào đợt 2. Thời điểm thi lúc đó các thí sinh đã qua thời điểm bị cách ly.

Như vậy, kỳ thi ngày 8-10/8 sẽ không có trường hợp thí sinh nào đang phải cách ly hay điều trị bệnh. Do tổ chức thi 2 đợt nên việc xét tuyển đại học, Bộ GD&ĐT yêu cầu trường đại học tạo điều kiện thuận lợi bằng cách có phương thức tuyển sinh chia tỉ lệ, chỉ tiêu phù hợp cho các em học sinh thi cả 2 đợt, bảo đảm quyền lợi cho các em học sinh được công bằng.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc quyết định thi như thế nào là thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT theo Luật Giáo dục 2019. Như vậy, những địa phương không phải giãn cách xã hội thì tổ chức thi bình thường. Trong quá trình thi phải bảo đảm các giải pháp về phòng chống dịch bệnh (ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay…). Còn những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, sẽ lùi lại thời điểm thích hợp cùng với số thí sinh đang ở diện F0, F1, F2 cũng thi lùi lại. Luật Giáo dục có quy định, học sinh tốt nghiệp đã học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định được dự thi, đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Do đó, khi xét đặc cách, cơ quan quản lý phải báo cáo Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định vấn đề này. Vậy nên, việc xét đặc cách tốt nghiệp với những học sinh không tiếp tục đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng không ảnh hưởng nhiều nhưng những học sinh có nhu cầu đăng ký xét tuyển vào các trường này thì việc đặc cách tốt nghiệp cũng phải cân nhắc thực hiện sao cho phù hợp.

Tuy nhiên, dư luận vẫn quan ngại về cách tổ chức kỳ thi tại chỗ, nhất là gần như “khoán gọn” cho các tỉnh. Cơ chế vận hành này liệu có bảo đảm không có các vụ gian lận cực kỳ nghiêm trọng như đã từng xảy ra vừa qua ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang? Có ý kiến lo ngại rằng việc Bộ GD&ĐT chỉ cử các đoàn thanh tra, giám sát có đủ chống lại gian lận và căn bệnh trầm kha về chủ nghĩa thành tích. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi cử trong đại dịch