Sứ mệnh của người Thầy

Biên Thùy| 03/11/2018 07:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nếu người thầy không thể dùng trái tim bao dung để khơi gợi sự thiện lương trong mỗi học trò thì giáo dục thật đáng lo ngại.

Sau khi ra quyết định đuổi học 7 em học sinh vì nói xấu cô giáo chủ nhiệm trên Facebook, Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) đã phải thu hồi quyết định này bởi sự phản ứng khá gay gắt của cộng đồng. Dư luận chỉ trích việc làm ấy là vội vã, tùy tiện thậm chí phản giáo dục.

Hình phạt buộc thôi học đối với học sinh đã tồn tại nhiều chục năm nay trong ngành giáo dục áp dụng đối với những học sinh vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Ở đây, tôi không dám phán xét về việc đuổi học 7 học sinh ở Thanh Hóa là đúng hay sai và lỗi vi phạm của các em là nghiêm trọng hay không nghiêm trọng. Bởi, nếu nhìn ở mỗi giác độ khác nhau thì đúng hay sai chỉ là tương đối.

Trước hết, hãy đặt vị trí của chúng ta vào người thầy bị chính học trò của mình dùng lời lẽ tục tĩu, xúc phạm nặng nề. Bạn sẽ ra sao? Thất vọng, tổn thương và phẫn nộ. Chắc chắn rồi.

Trong sự mất kiên nhẫn, chúng ta sẽ làm gì? Nhẹ thì đáp trả chúng bằng những lời rủa xả hoặc cho chúng một cái bạt tai và cuối cùng là tống cổ chúng ra khỏi trường bằng một quyết định buộc thôi học. Thế là khuất mắt.

Sứ mệnh của người Thầy

Dư luận có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến quyết định đuổi học của trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa)

Câu chuyện ở Thanh Hóa có lẽ cũng diễn ra theo một chiều hướng kịch bản như thế. Vậy là, cái cảm giác bị xúc phạm, bôi nhọ đã chi phối phần lớn lên cái quyết định buộc thôi học của nhà trường.

Trước sự ngỗ ngược, hỗn hào của những đứa trẻ, cô giáo và nhà trường đã quyết định khước từ cái trách nhiệm thiêng liêng là truyền thụ đạo học cho chúng. Tuy nhiên, tôi không cho rằng cô giáo và nhà trường đã thất bại trong công việc của mình như người ta đang chỉ trích. Làm thầy là công việc không dễ.

Còn những đứa trẻ thì sao? Chúng thực sự hư hỏng đến mức không thể giáo dục? Không. Đến chúa tể sơn lâm chúng ta còn huấn luyện để nó diễn xiếc thì một đứa trẻ đang ở cái thì nổi loạn đâu đã đến nỗi bất lực.

Quyết định đẩy đuổi chúng ra khỏi trường học chẳng khác nào dồn những đứa trẻ khiếm khuyết, nổi loạn ấy vào đường cùng. Chúng sẽ trở nên bất cần, ngỗ ngược và phản ứng tiêu cực với xã hội. Vì vậy đương nhiên tương lai sẽ có hậu quả nghiệt ngã.

Suy xét ở giác độ khác, một học sinh lớp 10 mà đạo đức chưa đủ đầy, lễ nghĩa không tử tế thì một phần trách nhiệm há chẳng phải do người thầy mà ra sao? Người thầy hãy nhìn lại mình xem đã nghiêm túc hay chưa? Nếu đã đủ đức hạnh, nghiêm túc thì sao học trò lại nói xấu? Cái gì cũng đều có nguyên nhân của nó.

Học trò có lỗi là chuyện thường, vì thế mới cần người thầy phải uốn nắn, dưỡng dục. Nhưng nếu người thầy lại quay lưng oán ghét, buông bỏ học trò, thoái thác trách nhiệm, đẩy chúng cho xã hội thì quả là tai hại.

Lớp học cũng như một xã hội thu nhỏ. Học trò có đứa ngoan, có đứa khó bảo, có đứa giỏi, đứa còn tối dạ. Làm thầy của một xã hội như thế đâu phải điều dễ dàng nếu không đủ nhẫn nại, khoan dung. Bao dung cho những lỗi lầm của học trò, truyền thụ tình thương một cách chân thành, trang bị cho chúng đầy đủ kiến thức, khơi gợi những điều thiện lành trong con người chúng mới là sứ mệnh của người thầy. Nghề giáo vì thế mới được coi là nghề cao quý trong các nghề cao quý.

Ở nghị trường Quốc hội, mới đây có một đại biểu tiếp tục chất vấn với câu hỏi triết lý giáo dục của chúng ta là gì? Có hay không có?

Với những chuyện xảy ra gần đây với giáo dục, thiết nghĩ chúng ta nên chú trọng xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh hơn là đòi hỏi một khẩu hiệu triết lý trên giấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sứ mệnh của người Thầy